ThienNhien.Net – Trong khi chính quyền huyện và người dân đều cáo buộc lâm trường chặt cây to, người dân chỉ chặt cây nhỏ thì Giám đốc lâm trường lại phủ nhận hoàn toàn.
Những người dân kéo vào phá rừng, chia đất của lâm trường Cô Ba (xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) có nói với báo chí rằng, họ chỉ chặt cây nhỏ, còn cây to là người của lâm trường đốn hạ, cắt khúc và chuyển ra bìa rừng, chứ không phải họ chặt như một số báo đưa tin.
Trả lời chúng tôi chiều 17/6, ông Lô Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, hiện tình hình tại xã Châu Bình đã ổn định trở lại, người dân đã không còn vào rừng chặt phá nữa.
Trước thông tin một số tờ báo đưa có những cây tuổi đời từ 10-15 năm bị người dân đốn hạ, ông Sơn cho hay: “Vì một số bài báo có chụp ảnh lại những khúc gỗ to, cắt khúc gọn gàng và nói là dân chặt phá khiến họ rất bức xúc”.
“Số gỗ đó là của lâm trường khai thác, một số là lâm trường cho dân ngoài khai thác. Tức là họ phát để trồng rừng mới chuyển ra ngoài. Còn dân mới vào được 3, 4 ngày thì làm sao có được những cây gỗ đã đốt cháy trụi như vậy?” ông Sơn giải thích thêm.
Về việc có hay không việc lâm trường tranh thủ lúc người dân vào rừng phá để chặt cây lấy gỗ, ông Sơn cho rằng, không có chuyện đó, mà số gỗ đó họ (lâm trường – PV) chặt trước, họ xử lý thực bì để trồng rừng mới.
Ông Sơn cũng khẳng định chắc chắn có đối tượng xúi giục và trả tiền để người dân vào rừng chặt phá. Tuy nhiên tới nay chưa xác định đối tượng nào cụ thể, nhưng công an đang điều tra. Ông Song cũng phủ nhận những kẻ xúi giục là lâm tặc, vì khu vực bị phá là rừng nghèo kiệt, nhưng phá rừng để lấy đất là có.
Cũng theo ông Sơn, tình trạng thiếu nước sản xuất ở địa phương cũng có xảy ra, một phần do biến đổi khí hậu, một phần cũng do lâm trường sản xuất (khai thác gỗ) ở rừng đầu nguồn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc lâm trường Cô Ba lại nói rằng, không có chuyện lâm trường chặt cây lớn, còn người dân chặt cây nhỏ. “Họ (người dân – PV) nói thế thôi, chứ không có chuyện đó, đã chặt thì chặt cả chứ sao lại có chặt cây to hay nhỏ. Vùng bị người dân chặt phá là vùng quy hoạch, nhưng chưa tới kế hoạch khai thác của năm nay”, ông Bình nói.
Về việc lầm trường phát rừng đầu nguồn khiến người dân thiếu nước, ông Bình cũng phủ nhận hoàn toàn, vì cho rằng: “Lâm trường như anh biết là doanh nghiệp nhà nước, làm việc theo kế hoạch, quy hoạch, thiết kế của các cấp có thẩm quyền, chứ không phải làm thế nào cũng được”.
Cũng theo ông Bình, thiệt hại sau vụ người tràn vào rừng chặt phá không nhiều, vì khu vực này không được xếp là rừng, chủ yếu là rừng nghèo kiệt, rừng phục hồi, hầu như không có cây gỗ, chủ yếu là giang, nứa. Những cây to như báo chí chụp ảnh lại thì chỉ là sung, vả. Cũng có những cây gỗ, nhưng chỉ nhỏ như cổ tay, cổ chân và thưa thớt, nên không đủ mật độ để xếp hạng nó là rừng.
Hiện lâm trường Cô Ba đang quản lý tổng diện tích hơn 7.000ha, trong đó rừng tự nhiên chỉ chiếm khoảng 3.000ha. “Trước đây cũng là rừng nguyên sinh nhưng trải qua cả quá trình khai thác lâu năm, nên trở thành rừng nghèo kiệt, tỷ lệ gỗ tính ra cũng có nhưng không phải rừng giàu”, ông Bình nói thêm.
Còn theo ông Mai Thanh Nam, Phó chánh văn phòng UBND huyện Quỳ Châu, chắc chắn có đối tượng xúi giục, tổ chức nên người dân mới ồ ạt vào rừng cùng thời điểm. “Tuy nhiên mực đích, ý đồ thì chưa rõ”, ông Nam cho biết.
Về có hay không tình trạng phá rừng trái phép tại lâm trường Cô Ba, ông Nam cho hay: “Phá rừng thì không, lâm tặc cũng không có, vì gỗ giờ cũng đâu còn, mấy năm gần đây cũng chỉ là rừng trồng, không có rừng nguyên sinh”.