ThienNhien.Net – Trong hai ngày 19 và 20/06/2013 tại thành phố Côn Minh, Trung Quốc diễn ra cuộc họp tham vấn góp ý lần cuối cho kết quả nghiên cứu “Tăng cường tính bền vững của việc phát triển năng lượng tại tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS)”. Nghiên cứu do nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM) thực hiện, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Nghiên cứu triển khai theo hướng xây dựng hai kịch bản thay thế làm cơ sở đối chiếu và khuyến nghị cải cách Kế hoạch phát triển năng lượng hiện tại của khu vực GMS theo hướng bền vững hơn về môi trường và xã hội.
Kịch bản thứ nhất hướng vào thế mạnh năng lượng tái tạo chưa được các quốc gia GMS khai thác triệt để. Kịch bản thứ hai tập trung vào phân tích giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng ước tính trong các Tổng sơ đồ phát triển năng lượng quốc gia cho sát với thực tế hơn.
Nghiên cứu được kỳ vọng sẽ đưa ra những đề xuất thực sự quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực nhằm điều chỉnh quy hoạch phát triển năng lượng và quản lý hiệu quả hơn. Điều này diễn ra trong bối cảnh một cuộc chạy đua về năng lượng trong khu vực GMS rượt đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang tiềm ẩn những nguy cơ về lãng phí đầu tư và gây nhiều tác động lên môi trường và xã hội.
Mặc dù vậy, đại diện nhóm chuyên gia thừa nhận nghiên cứu có hạn chế lớn, mới chỉ tập trung vào phân tích số liệu bốn quốc gia hạ lưu Mê Kông gồm Thái Lan, Lào, Cam pu chia và Việt Nam. Số liệu cũng như sự tham gia của Myanmar và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chỉ mang tính tham khảo.
Do thời hạn dự án gói trong vòng 18 tháng, nhóm cũng chỉ tập trung vào hai kịch bản chuyên biệt nêu trên. Việc thiếu một kịch bản kết hợp cũng là một điểm yếu.
Trong quá trình thực hiện dự án, một số tổ chức môi trường trong khu vực đã được ADB mời tham vấn. Song, như bà Chom Greacen từ tổ chức nghiên cứu năng lượng độc lập của Thái Lan PalangThai nhận xét, việc tham vấn còn mang tính hình thức. Lẽ ra thông tin về các phiên tham vấn cần được ADB thông báo rộng rãi và nên có nhiều đại diện từ khối xã hội dân sự tham gia hơn nữa.