ThienNhien.Net – Mọi điều kiện cần thiết để triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã sẵn sàng, vậy mà điều người dân mong ngóng nhất là tiền thì vẫn chưa đến. Đó là nghịch lý…
Nhiều tỉnh triển khai chậm
Tính đến nay, cả nước đã thành lập và đi vào hoạt động được 29 quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Mặc dù các bộ, ngành T.Ư đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các đoàn công tác đến làm việc trực tiếp nhiều lần, nhưng bên cạnh những địa phương thực hiện rất tốt chính sách chi trả DVMTR và mang lại hiệu quả lớn cho người dân sống dựa vào rừng như Lai Châu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông thì tại một số địa phương khác, chính sách được thực hiện rất chậm và còn nhiều lúng túng. Tiền vẫn chưa đến được tay người bảo vệ rừng.
Điện Biên là một tỉnh nằm trên hệ thống sông Đà và là một trong 5 tỉnh có tiềm năng lớn nhất cả nước về chi trả DVMTR từ các nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Sơn La… Trong năm 2011 và 2012, tiền thu từ DVMTR của Điện Biên là 140 tỷ đồng, trong đó, do Quỹ Trung ương điều phối là 138,5 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2013 dự kiến thu tiền DVMTR của Điện Biên là 114,7 tỷ đồng, trong đó do Quỹ Trung ương điều phối là 114,2 tỷ đồng, thu nội tỉnh là 0,5 tỷ đồng. Mặc dù được thông báo sớm về tiềm năng chi trả DVMTR của tỉnh, nhưng phải đến tháng 11.2012 Ban điều hành quỹ mới được kiện toàn và chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên, tổ chức nhân sự và các điều kiện vận hành quỹ đến nay vẫn chưa ổn định…
Tính đến hết năm 2012, Quỹ Trung ương đã chuyển cho Điện Biên 100 tỷ đồng, nhưng hết kỳ chi trả tiền DVMTR của năm 2012 là 30.4.2013 thì Điện Biên không giải ngân được cho chủ rừng, tiền DVMTR chỉ dừng lại ở chủ rừng là tổ chức nhà nước là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với số tiền là hơn 10,9 tỷ và chưa đến được tay bà con nhận khoán bảo vệ rừng. Theo tính toán, nếu được chi trả, số tiền trung bình/ha của các chủ rừng và người nhận giao khoán, bảo vệ tại Điện Biên là 300.000 đồng/ha.
Cùng với Điện Biên, thì một số tỉnh khác cũng triển khai thực hiện chính sách rất chậm như Quảng Nam, Đăk Lăk, Kon Tum… Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Lượng – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, thì điểm mấu chốt của việc lúng túng, chậm trễ triển khai thực hiện chính sách trên là sự thiếu chủ động của các tỉnh. Thứ nhất nằm ở sự chậm trễ trong việc thành lập và vận hành bộ máy quỹ. Thứ hai là công tác tuyên truyền, giải thích về chính sách đến các cấp, các ngành và nhân dân còn hạn chế, chính vì thế, chính sách chưa nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân. Thứ ba là sự thiếu chủ động trong việc bố trí các nguồn lực để thực hiện chính sách.
Thành công từ việc vào cuộc quyết liệt
Chính sách chi trả DVMTR đã đi vào thực hiện chính thức được gần 2 năm. Mọi điều kiện cần thiết để triển khai chính sách đã sẵn sàng, vậy mà điều người dân mong ngóng nhất là tiền thì vẫn chưa đến. |
Trong khi đó, nhiều tỉnh đã thực hiện thành công chính sách chi trả DVMTR, đem lại lợi ích cho người dân mà đi đầu là Lai Châu, một tỉnh giáp ranh và có nhiều điều kiện tương tự với Điện Biên. Hiện nay, trong 165 tỷ đồng được điều phối từ Quỹ Trung ương, tỉnh Lai Châu đã thực hiện giải ngân được 98,18%.
Bí quyết được ông Lê Trọng Quảng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR giai đoạn 2011 – 2020 cho biết đó chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân. Việc xác định ranh giới, diện tích cho chủ rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR và rà soát việc giao khoán bảo vệ rừng đến chủ rừng trong lưu vực là điểm khó nhưng lại được thực hiện nhanh chóng tại Lai Châu. Đó là nhờ vào sự chủ động của chính quyền cơ sở và người dân tự tổ chức xác định và công khai thông tin để tự kiểm tra lẫn nhau. Chính vì thế, hồ sơ để thực hiện chi trả được thực hiện rất nhanh chóng.
Một thực tế cho thấy là ở đâu có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành liên quan thì chính sách được thực hiện rất nhanh chóng và sớm mang lại hiệu quả, lợi ích như mong muốn. Chi trả DVMTR là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp và mang lại lợi ích thiết thực, trực tiếp là đồng tiền bát gạo cho chủ rừng và người dân nhận khoán bảo vệ rừng với vai trò là người cung ứng dịch vụ, người bán.