ThienNhien.Net – Ấy là chuyện của cư dân làng Vĩnh Sơn (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bền gan giữ rừng trước sóng gió biển Đông mấy trăm năm qua. Làng đã trải qua những trận hạn hán khốc liệt, vượt qua bao trận bão vùi sóng dập, sức làng vẫn vững bền dưới chân Hoành Sơn hùng vĩ cùng vạt rừng xanh rì trên cát trắng phía dưới đèo Ngang.
Cộng sinh, trường tồn
Con nắng kéo dài từ đầu mùa hạ đến nay, ít giọt mưa rơi xuống đồng khô cũng bốc hơi. Có ngày nắng nóng lên đến 42 độ C, ấy vậy mà làng Vĩnh Sơn vẫn rợp bóng mát nhờ khu rừng chắn phía biển. Nhà dân cách những vạt rừng nơi gần nhất chỉ vài chục bước chân, người làng trưa hè đã treo võng dưới lùm cây trốn nắng.
Ông Võ Hồng Hải, Trưởng thôn Vĩnh Sơn, nói: “Cứ đến hè là nhiều người làng ra rừng mắc võng tránh nắng, vì rừng có nơi ánh nắng khó xuyên qua, lại gần mép biển nên gió lồng lộng. Người ta nói đèo Ngang cằn cỗi, nhưng làng tui rừng xanh mướt quanh năm”.
Chúng tôi tìm về Vĩnh Sơn trong cái nắng chói chang của vùng đất Hoành Sơn. Từ quốc lộ 1A lên các xã Quảng Hợp, Quảng Châu… đi đâu cũng nghe người ta nói hạn hán, thiếu nước uống trầm trọng. Ngay cả xã Quảng Đông, nhiều làng mạc cũng khan hiếm mạch sống của nước. Ấy vậy mà làng Vĩnh Sơn nhỏ bé bên bờ biển Đông lại xanh thẳm vạt rừng trên triền cát, một cảnh quan hiếm có dưới chân núi đèo Ngang heo hút.
Trưởng thôn Võ Hồng Hải dẫn chúng tôi vào rừng, vừa đi ông Hải vừa giới thiệu: “Rừng làng tui có được 150ha, ngày xưa bom đạn cày xới cũng nhiều, nhưng hết súng đạn thì cây lại phủ xanh đồi cát. Cả làng xem như của cải chung, vì rừng giúp dân làng vượt qua bao tai ương biến chướng của thiên tai”.
Một ngày trời giữa cánh rừng, những tiều ngư mới biết giá trị của làng biển dựa hẳn vào khu rừng đặc biệt này. Lạ kỳ hơn, một nửa rừng ở đây là cây tràm cổ thụ, những vạt tràm lút mắt gân guốc. Vì sao trên cát lại có một khu rừng rậm? Đó là câu hỏi không chỉ của chúng tôi mà còn với bao nhiêu người. Và câu trả lời chính ở dưới tán rừng. Rừng mọc trên cát nhưng dưới cội của cây cối chi chít những tảng rêu xanh rì, đó là “nhà máy” giữ độ ẩm, cung cấp nguồn nước cho cây không bị bốc hơi trong cái nắng như đổ lửa xuống cát. Và hệ thống thảm rêu này kéo dài như bất tận dưới gốc rừng, trở thành hệ sinh thái, cảnh quan hiếm có tại vùng Vĩnh Sơn.
Chính rêu xanh đã dung dưỡng màu xanh của cây rừng và khu rừng này đã bày tỏ lòng trắc ẩn trở lại bằng cách xòe tán của các tầng trên, che phủ lớp rêu, không cho ánh nắng xuyên xuống nhằm bảo vệ rêu không bị bốc hơi khô cháy. Sự cộng sinh này tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín về cách thức thực vật giúp sức nhau, cùng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt của cát và nước mặn ven biển.
Tiều ngư giữ rừng
“Xưa nay người ta vẫn thuộc làu việc người miền núi hoặc vùng đồng bằng giữ rừng, nhưng ngư dân giữ rừng dường như chuyện lạ”. Đó là lời của Võ Hồng Hải, Trưởng thôn Vĩnh Sơn, nói với giữa mùa hạ nắng gắt.
Theo các bậc cao niên của Vĩnh Sơn, hơn 350 năm trước, dòng họ Đặng, họ Võ vùng Thanh Hóa nhận chiếu vua vào đất Hoành Sơn khai hoang, đã chọn đất Vĩnh Sơn làm nơi khai canh lập ấp. Quê hương của họ lúc đó heo hút cô liêu dưới chân núi Đèo Ngang xa ngái. Họ chọn nghề ngư làm nghiệp chính, lấy biển làm môi trường sống bằng nghề đánh bắt.
Từ Vĩnh Sơn lên đường qua đèo Ngang mất 10km, đủ biết ngôi làng nhỏ này hẻo lánh như thế nào vào thời xa xưa. Nhưng thực sự, đó là một địa thế, bởi trước mặt làng là núi, sau lưng làng là khu rừng thời cổ và sau rừng là biển cả mênh mông. Làng có mảnh rừng là tín hiệu cho tồn cư lâu dài, vì thế những vị khai canh của làng đã lập hương ước từ xưa để giữ rừng.
Đến nay, theo trưởng thôn Võ Hồng Hải, làng vẫn giữ được bản vị giữ rừng ngày xưa với nội dung truyền khẩu. Đến ngày nay, đã soạn lại bằng hương ước hiện đại nhưng vẫn dựa trên các truyền đạt của tổ tiên để lại.
Trưởng thôn Hải nói: “Làng khác hương ước thường ít thay đổi, nhưng làng tui mỗi năm thay đổi hương ước một lần, tùy thực tế tình hình mà có thêm ước định mới để người dân không phạm phải trong đời sống sinh hoạt, không phạm vào việc phá rừng của cha ông để lại”.
Cụ Võ Tưởng Chấp (78 tuổi) nói: “Làng có trưởng thôn, nhưng việc giữ rừng được định từ hội đồng làng”. Hội đồng làng là những bậc cao tuổi của làng đứng ra chọn người giữ rừng tín cẩn. Mỗi năm một lần làng chọn ra người giữ rừng, lệ tục ấy đã truyền qua hơn 300 năm. Thời xưa lý trưởng chọn đinh giữ rừng, ngày nay làng chọn người giữ rừng trong dân. Ngày xưa, lý trưởng trả công coi rừng, ngày nay người làng góp từng con cá, mớ lúa, góp tiền để trả công giữ rừng do các bô lão được chọn ra.
Năm nay, ở Vĩnh Sơn chọn 3 người giữ rừng, người nhỏ nhất 53 tuổi, cao nhất 70 tuổi, và người cao tuổi nhất phải là một bô lão, ấy là cụ Võ Tưởng Chấp và việc họ làm không màng đến tiền nong. Ông Võ Văn Hương, thành viên giữ rừng của làng nói: “Bọn tui làm để khỏi mất rừng làng, chủ yếu dân làng đều ý thức được việc cần bảo vệ rừng để giữ làng. Chủ yếu là đuổi người làng khác hay vô chặt trộm cây”.
Mỗi năm 3 suất giữ rừng, để trả công, người làng với 520 hộ, 1.833 nhân khẩu đóng góp vật phẩm, quy ra tiền được 10 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng đó là trách nhiệm của làng ngư với gia tài cha ông để lại. Và hương ước đưa ra các mức phạt rất nặng, dù chỉ chặt một cành cây nhỏ, nếu bị phát hiện sẽ phải nộp phạt 10.000 đồng. Vậy nên rừng của mảnh làng tiều ngư ngày càng xanh ra và cho đến nay, làng đã có được 150ha rừng bên bờ biển Đông, sừng sững và vi vút xanh.
Bà Đặng Thị Hóa cùng người trong xóm đi quét lá rừng nói: “Chúng tôi được các vị lão làng răn là không được chặt cành, không được bẻ cây nên không dám phạm vào, chỉ quét lá khô về nhà nhóm lửa, thổi bếp, hơn nữa các vị bô lão cũng kể ai chặt cây rừng của làng sẽ bị người xưa về bắt cho bệnh tật nên không ai dám làm bừa, bà con phải nghe theo tổ tiên”. Ấy là cách giữ rừng của tiều ngư xuyên suốt hơn 300 năm bền bỉ.
Hệ sinh thái rừng
Trở lại với cây rừng, chúng ken nhau, chen chúc trên mỗi tấc vuông của đất cát trắng, chúng cùng cộng sinh với vô số thân rêu nhỏ là nhà máy giữ nước để vùng cát không bị khô hạn. Đó là cách thức của tự nhiên tạo ra sức sinh tồn của chúng. Và chính điều đó đang diễn ra ở diện tích 150ha rừng đã rất có ý nghĩa cho gần 2.000 nhân khẩu thôn Vĩnh Sơn.
Trưởng thôn Võ Hồng Hải kể: “Từ ngày ở với khu rừng này, chúng tôi nghe cha ông kể lại vùng nào cũng hạn hán chứ vùng đất chúng tôi không hề hạn. Thậm chí lúc hạn khốc liệt nhất năm 1999, các làng khác thiếu nước nặng nề, vùng Vĩnh Sơn vẫn đầy nước. Rừng giữ nước, đào xuống chưa đến 1m đã thấy nước trong vắt, đó là ơn nghĩa của tổ tiên để lại cho con cháu. Nên cả làng phải quyết giữ được rừng”.
Ở Vĩnh Sơn không chỉ có rừng mà còn mang trong đó một hệ sinh thái phong phú với một số loài thực vật khá lạ mắt khác. Đặc biệt, nó nuôi dưỡng những loài chim quê mùa quý giá như các loài chim cu, chào mào, chèo bẻo, bói cá… Chúng quần tụ đa dạng, tạo nên bản đồng ca tiếng hót mỗi sáng mùa hè đến mùa thu rất rộn ràng và sinh động.
Đã đến với vùng đất Vĩnh Sơn còn muốn đặt chân đến lần nữa bởi khu rừng xanh mướt và cách thức người Vĩnh Sơn giữ gìn để “chống” lại biến đổi khí hậu. Cha ông họ đã có tầm nhìn từ hơn 300 năm trước, để nay con cháu kế thừa bước chân bảo vệ làng trước sóng gió biển Đông. Họ còn kể, có những dự án lớn muốn thâu tóm khu rừng quý của làng, người làng đã làm nhiều cách phản đối và cho đến nay, họ giữ được rừng để rừng chở che cho làng mạc của họ. Bởi họ biết, nếu mất rừng, mảnh làng của họ chắc chắn bị sa mạc hóa vì những cồn cát di động nhức mắt. Họ đã thành công tạo ra cảm hứng sống với rừng, chung thủy với rừng bằng tấm lòng đặc ân của tiều ngư ẩn dưới núi non Hoành Sơn.