ThienNhien.Net – “Tôi cũng từng nghe những câu chuyện làm thủy điện mà lấy rừng còn say sưa hơn là phát điện, tức là làm thủy điện để lấy rừng, như thế rất nguy hiểm”, TS Đào Trọng Tứ nói.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố với đập thủy điện, như nứt, vỡ đập… vì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên bị đề nghị không công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Chúng tôi đã trao đổi với TS. Đào Trọng Tứ, thành viên Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam về vấn đề này.
– PV: Thưa ông, thời gian qua liên tục xảy ra những sự cố về thủy điện, như nứt đập thủy điện Sông Tranh 2, vỡ hồ chứa thủy điện Ia Krel… kèm theo những sự cố này là lũ lụt, lũ gỗ, lũ bùn ngày một gia tăng, đồng thời hạn hán mùa khô ngày càng khốc liệt khiến đất đai dần bị sa mạc hóa. Ông nghĩ gì về những điều này?
TS. Đào Trọng Tứ: Nhà nước mình cần có chính sách về vấn đề này. Hội nghị Trung ương đảng vừa rồi có ra một Nghị quyết về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, điều này cho thấy tính cần thiết, cấp bách của vấn đề, ai cũng biết môi trường của chúng ta đang biến đổi theo chiều hướng xấu đi.
Tài nguyên nước rất quan trọng cũng đang có biểu hiện khan hiếm, cạn kiệt, ô nhiễm, mùa khô thì đã xuất hiện những tranh chấp về nước, các ngành cùng tranh cãi về nước thủy điện và nước cho nông nghiệp, nước sinh hoạt…
Vừa rồi tôi có đi khảo sát một loạt tỉnh, thấy rằng thời gian qua chúng ta đặt vấn đề phát triển thủy điện quá nóng, mà quên mất nguyên tắc cơ bản là phải chia sẻ công bằng nguồn lợi nước với các nhóm sử dụng khác nhau. Với nước nhiệt đới thì hồ chứa rất quan trọng, nhưng hồ chứa phải sử dụng một cách hài hòa, phù hợp cho tất cả các mục tiêu khác nhau, chứ không phải là thủy điện thích thì xả, không thì để hạ lưu khát nước cũng mặc.
Còn về việc vỡ đập Ia Krel, theo thông tin tôi có được, đấy là đập lớn chứ không nhỏ, bờ đập cao 23m, dung tích 9 triệu m3. Theo phân loại của thế giới bờ đập cao từ 15m trở lên là đập lớn, dù công suất phát điện có thể là nhỏ (chỉ 5,5 MW). Nhìn bờ đập vỡ tôi rất ái ngại, đấy là khi xảy ra sự cố mới tích nước ở mực nước chết. Có thông tin nói là do khách quan, nhưng theo tôi chỉ có hai lỗi, một là lỗi thiết kế, hai là thi công.
Từ nhiều năm trước tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc xây dựng thủy điện, vì nó rất khó, đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật xây dựng, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho khu vực hạ lưu nếu anh làm không tốt. Do đó, không phải ai cũng làm được thủy điện, nhưng mình thì nhà nhà, người người làm thủy điện. Có ít tiền là liền đầu tư đi làm thủy điện. Rất nguy hiểm.
– PV: Không chỉ có việc lợi dụng thủy điện để phá rừng mà còn nhiều dự án phá rừng để trồng cây ngắn ngày như cao su, cà phê… nhằm thu lợi trước mắt từ gỗ. Có ý kiến cho rằng, phá rừng thu lợi từ gỗ lớn quá nên làm thủy điện hay trồng cây ngắn ngày không phải là mục tiêu chính của các dự án này, điều này khiến chất lượng các công trình thủy điện rất kém như chúng ta đã thấy qua các vụ việc gần đây, thậm chí vỡ đập Ia Krel sau 2 ngày chủ đầu tư vấn chưa tới hiện trường. Ông nghĩ sao về nhận định trên?
TS. Đào Trọng Tứ: Đấy là nhận định rất đúng, nhưng rất đau xót. Người ta chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt. Việc xây dựng thủy điện mà không quan tâm tới thủy điện thì càng nguy hiểm khi công trình thủy điện với họ chỉ là cái phụ.
Tôi cũng từng nghe những câu chuyện làm thủy điện mà lấy rừng còn say sưa hơn là phát điện, tức là làm thủy điện để lấy rừng. Thế làm sao mà bảo đảm mục tiêu làm thủy điện được.
Thứ nữa, việc các dự án trồng cây công nghiệp từ đất rừng lại càng khiến rừng đầu nguồn bị tàn phá, nó sẽ gây hậu họa cho thủy điện lớn ở các dòng chính, vì hiện nay tất cả các dòng sông chính ở Việt Nam đều có thủy điện, như hệ thống sông Đồng Nai dày đặc thủy điện, không chỗ nào để thở, sông không còn là sông mà thành hồ hết rồi. Với thế giới 30% con sông bị chặn đã là quá đáng, phá vỡ sinh thái lưu vực sông, còn Việt Nam những con sông bị chặn trên 50% rất nhiều. Nên điều cần là cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hiện nay ở Mỹ đang có xu hướng phá vỡ các công trình lớn trên sông, để trả lại dòng sông nguyên bản, vì nó có lợi hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển, đem lại lợi ích lớn hơn là chỉ tập trung cho mỗi thủy điện. Đấy là điều rất rõ.
Tôi không ghét bỏ các nhà dầu tư, vấn đề là ở chính sách nhà nước, nếu anh làm mà để cho người ta phải kêu thì làm làm gì. Còn hiện nay con số các dự án bị loại bỏ cực kỳ nhỏ bé so với tổng số dự án thủy điện, đấy là thực tế không thể chối cãi.
– PV: Lâu nay chúng ta nói rất nhiều tới nguy cơ đe dạo VQG Cát Tiên nếu xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Nhưng phía chủ đầu tư và lãnh đạo một số Bộ ngành vẫn một mực khằng định hai dự án này không ảnh hưởng gì tới Vườn, không nguy hại với môi trường đa dạng sinh học tại đây… Nhưng mới đây tổ chức tư vấn của UNESCO đã từ chối công nhận VQG Cát Tiên là Di dản thiên nhiên thế giới một phần cũng vì chính hai dự án thủy điện này, vì nguy cơ hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học của Vườn, ngược hoàn toàn so với lâp luận của phía đầu tư thủy điện. Cùng 1 vấn đề mà có hai lập luận trái ngược. Theo ông, sự trái ngược này nói lên điều gì?
TS. Đào Trọng Tứ: Khi người ta tính, để phát được 1 MW chỉ làm ngập có hơn 1 ha, hồ chỉ ngập có vài trăm ha so với vài nghìn ha của VQG Cát Tiên, nhà quản lý nhìn thấy đấy là nhỏ, đấy là điều hoàn toàn sai. Khi xâm phạm một diện tích dù nhỏ cũng tạo hiệu ứng rất lớn, vì đây là vườn quốc gia, là đa dạng sinh học, còn mấy ông đầu tư, quản lý nói là rừng le, rừng đước, toàn cây vớ vẩn… rồi thì chuyển đổi dễ dàng, điều đấy không thể chấp nhận được.
Báo cáo tác động môi trường sửa đổi lần thứ 2 của chủ đầu tư về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đều đã rất rõ những tác động của nó, tôi không hiểu sao Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn cho chủ đầu tư nghiên cứu và hiệu chỉnh lại, không biết để làm gì.
Còn nếu Bộ NN-PTNT ủng hộ tôi cho là rất lạ, trước đây cũng đã đồng ý vì cho rằng đấy là rừng nghèo, đất đai ít… nhưng theo tôi nó còn có nhiều hệ lụy khác nữa chứ không phải chỉ mỗi rừng. Thêm nữa, hai cái thủy điện đấy nhỏ, lại đụng chạm tới luật pháp, gây bao nhiêu bức xúc của dự luận, sao cứ cố làm làm gì?
Xin cảm ơn ông!
Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thiếu tính khả thi Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc có tiếp tục thực hiện việc đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: Sau khi nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai về hai dự án này, Bộ đã thành lập hội đồng thẩm định. Kết quả làm việc của hội đồng và khảo sát thực tế tại hiện trường cho thấy nhiều điểm trong báo cáo chưa rõ… Các dự án này chưa thuyết phục, thiếu tính khả thi.
Tuy nhiên, trả lời báo chí bên hành lang quốc hội ngày 13/6, Bộ trưởng Quang lại nói: Đây là hai dự án nằm trong quy hoạch của ngành điện, chủ đầu tư đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, nếu đưa ra khỏi quy hoạch ngay bây giờ thì mình cũng nên xem xét. Trong khi, theo Nghị quyết của Quốc hội, những dự án lấy từ 50ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trở lên thì phải báo cáo Quốc hội, Quốc hội thông qua mới được làm. |