ThienNhien.Net – Là ngành kinh tế quan trọng, nông nghiệp cũng đồng thời được xem là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực nông thôn hiện nay.
Nếu vào cuối những năm 1960, chỉ có khoảng 0,48% diện tích đất canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì hiện nay là 100% với trên 1.000 chủng loại thuốc, trong đó nhiều loại thuốc có độc tính cao.
Những con số biết nói
Đại diện Bộ NN- PTNT cho biết, hàng năm, nước ta sử dụng trung bình 15.000 – 25.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân 1ha gieo trồng sử dụng đến 0,4 – 0,5 kg thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng không hợp lý, không tuân thủ theo đúng những quy định nghiêm ngặt về quy trình sử dụng nên thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều tác hại cho chính người sử dụng thuốc và người tiêu dùng nông sản và thực phẩm có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sống.
Cũng từ báo cáo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, Bộ TN- MT cho thấy, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Môi trường nông thôn đang phải gánh chịu những bất lợi từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
PGS TS Vũ Thị Hương – Viện Nước, tưới tiêu và môi trường, Bộ NN- PTNT cho biết, tại nhiều vùng nông thôn đã hình thành các mô hình thu gom rác thải do người dân, xã, thôn tự tổ chức hoặc mô hình HTX dịch vụ môi trường, Cty dịch vụ môi trường đảm nhiệm. Tuy nhiên, chỉ số ít mô hình thực hiện hiệu quả, phần lớn do hình thành tự phát nên hoạt động không bền vững.
Giải pháp nào?
Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn về môi trường ngành nông nghiệp đến nay vẫn còn… bỏ ngỏ.
Đại diện lãnh đạo Bộ TN – MT thừa nhận, chúng ta vẫn lúng túng trong việc giải quyết vấn đề môi trường khi còn sa đà vào những dự án mà chưa thực sự quan tâm ở tầm quốc gia. Và liệu chúng ta có thể tiếp tục sản xuất trồng trọt như hiện nay nếu vẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV tùy tiện; ngành chăn nuôi có thể tăng đàn trong điều kiện chăn nuôi tùy tiện, nhỏ lẻ, chất thải không xử lý. Chúng ta nuôi hàng triệu tấn cá nhưng cũng có hàng triệu tấn rác thải đổ thẳng ra môi trường… Liệu có thể phát triển các làng nghề mà chất thải kim loại nặng đổ thẳng ra sông, ao hồ rồi người dân ở đó lại lấy lên sử dụng, hàm lượng kim loại trong máu cao gấp nhiều lần… ? Nếu không điều chỉnh (mà quan trọng là điều chỉnh nhận thức) thì chúng ta không thể tiếp tục mở rộng sản xuất.
Đồng quan điểm trên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, giải quyết môi trường nông thôn còn bao hàm nhiều vấn đề bảo vệ môi trường mà ngành nông nghiệp phải đảm trách như: khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi cải thiện môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học… Để làm được điều này, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về môi trường ngành nông nghiệp để có thể quản lý được các vấn đề nảy sinh, tồn tại trong thực tế, phát triển các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay việc xây dựng bộ tiêu chuẩn này vẫn còn… bỏ ngỏ.
Vì vậy, theo ông Võ, việc quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường trong trường hợp các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gây ô nhiễm, làm thiệt hại tới môi trường cũng rất quan trọng.