ThienNhien.Net – Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội thép Việt Nam, các doanh nghiệp luyện gang, thép lớn trong nước, lãnh đạo Sở Công Thương một số địa phương… đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác và thương mại quặng sắt để bàn phương án chống xuất lậu khoáng sản và giải quyết xuất khẩu quặng sắt tồn kho.
Xác định rõ chiến lược của Chính phủ
Mở đầu buổi họp, ông Nguyễn Mạnh Quân– Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) – nêu rõ vấn đề: Trước hết các doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược ưu tiên phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành luyện kim trong nước của Chính phủ, theo đó, quặng sắt nước ta với trữ lượng hạn chế (khoảng 1,3 tỷ tấn), vì vậy, không xuất khẩu, để dành cho tiêu thụ trong nước.
Khó khăn của các doanh nghiệp khai thác và luyện kim năm 2012- 2013 là gay gắt, đặc biệt với các doanh nghiệp khai thác do lượng tồn kho quặng sắt lớn (3 triệu tấn), do đó, vừa qua Chính phủ có chủ trương cho xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho của năm 2012, trong đó có quặng sắt; đó chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giải quyết cho xuất khẩu lượng quặng sắt tồn kho của năm 2012, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác căn cứ nhu cầu tiêu thụ thực tế trong nước về khoáng sản để quyết định kế hoạch khai thác năm 2013; chỉ khai thác với sản lượng đáp ứng nhu cầu trong nước theo các địa chỉ cụ thể, không để tái diễn tình trạng tồn kho khoáng sản như thời gian vừa qua.
Thực hiện chủ trương đó, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong việc kiểm đếm, đo vẽ xác định khối lượng khoáng sản tồn kho; đối với một số địa phương có khối lượng lớn, phức tạp, đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra lại số lượng các địa phương thông báo. Việc giải quyết xuất khẩu khoáng sản tồn kho dựa trên các Biên bản kiểm tra, đề nghị của các địa phương và công suất khai thác của từng đơn vị và trữ lượng của từng mỏ, từng địa phương.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam đã thể hiện quan điểm chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp khai thác có lượng tồn quặng sắt tồn kho lớn, do trong năm 2012 và 2013, nhiều doanh nghiệp luyện kim phải ngừng sản xuất do khủng hoảng kinh tế, sản xuất không có hiệu quả. Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Công ty CP Thép Hòa Phát; Hiệp hội đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra để ngăn chặn tình trạng xuất lậu và gian lận thương mại trong việc xuất khẩu quặng sắt, dẫn đến thất thu ngân sách.
Theo Hiệp hội Thép, con số 26.400 tấn quặng sắt xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2012 (theo số liệu Hải quan Việt Nam) không thấm vào đâu so với số liệu 1,7 triệu tấn quặng sắt Việt Nam nhập vào Trung Quốc (số liệu thể hiện trên website của hải quan Trung Quốc). Nếu con số này là chính xác thì số lượng quặng buôn lậu là rất lớn. Mặc dù đây chỉ là số liệu tham khảo, chưa được kiểm chứng, tuy nhiên, đại diện các đơn vị chức năng đều thống nhất việc xuất lậu khoáng sản là có và đang diễn ra phức tạp.
Ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, tồn kho lớn thì việc cấm xuất khẩu và áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu cao vô hình chung cũng có tác động tích cực đến việc xuất khẩu lậu và gian lận thương mại; chính vì vậy, chủ trương của Chính phủ giải quyết cho xuất khẩu lượng khoáng sản tồn kho không chỉ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khai khoáng mà thực sự là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu việc xuất lậu khoáng sản. Cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra để ngăn chặn việc xuất lậu và thất thu ngân sách. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 TW kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý.
Doanh nghiệp khai khoáng cần sự chia sẻ
Nêu nhiều ý kiến, thể hiện bức xúc rõ nhất trong cuộc họp có lẽ là các doanh nghiệp khai khoáng đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… Hiện các doanh nghiệp này đều trong tình trạng “chết lâm sàng”, đã ngừng sản xuất kéo dài cả năm. Trong khi giấy phép khai thác hợp pháp, vốn đầu tư đã bỏ ra lớn, nhưng tất cả đều “đắp chiếu” để đó, không có việc, không có lương trả cho công nhân. Ông Nguyễn Minh Ngọc – Tổng giám đốc Công ty Phát triển số 1 bức xúc: doanh nghiệp đã vay đầu tư 1.200 tỷ đồng với dây chuyền tuyển hiện đại tại Yên Bái. Hiện nay số lượng tồn kho quặng sắt của đơn vị lớn (khoảng trên 100 nghìn tấn) đã nhiều năm do không được xuất khẩu, các đơn vị luyện kim thì không liên hệ mua, có mua thì ép giá dưới giá thành, không thể bán được… chúng tôi chỉ có nước chết! – ông Ngọc bức xúc.
Hay như trường hợp của doanh nghiệp Tiến Phương (Lạng Sơn), ông Đặng Văn Dũng- Giám đốc Doanh nghiệp Tiến Phương cho biết, hiện công ty còn tồn khoảng 30 nghìn tấn quặng nhưng hàm lượng thấp dưới 50% nếu không xuất khẩu thì không biết bán đi đâu!. Doanh nghiệp cũng đã triển khai nghiên cứu đầu tư công nghệ tuyển nâng hàm lượng quặng sắt nhưng không thể triển khai. Sau khi tham khảo ý kiến tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ tiến bộ kỹ thuật mỏ (Hội KH&CN mỏ Việt Nam), đơn nhận được trả lời: Việc đầu tư dây truyền công nghệ để tuyển quặng sắt ở mỏ Vĩnh Tinh (Chi Lăng) đến hàm lượng 54% Fe về mặt công nghệ là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, do trữ lượng khoáng sản quá nhỏ (90.000 tấn, thực chất chỉ còn 50.000 tấn), nếu đầu tư dây chuyền công nghệ tuyển quặng thì không hiệu quả, không thể bù đắp chi phí đầu tư thiết bị và công nghệ, khấu hao dây chuyền công nghệ sẽ làm cho giá thành quặng quá cao… Xử lý xong số hàng tồn kho này để lấy tiền lo cho công nhân chúng tôi sẽ chuyển đổi ngành nghề – ông Dũng chia sẻ. Cũng tại Lạng Sơn còn một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng hết sức khó khăn như Công ty TNHH khoáng sản Bắc Hà, Công ty Tiến Hiếu…
Đại diện Sở Công Thương các tỉnh cũng đã thể hiện sự ủng hộ chủ trương của Chính phủ cho xuất khẩu lượng khoáng sản tồn kho để thiết thực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác quặng sắt. Ông Trương Ngọc Biên- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái bày tỏ, hiện nay các doanh nghiệp khai thác quặng sắt trên địa bàn rất khó khăn do tồn kho lớn, có trường hợp tồn kho đã 4 năm, người lao động rất bức xúc. Địa phương đã đã nhiều lần đề nghị giải quyết xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên chưa được giải quyết. Tỉnh đã kiểm tra, Đoàn liên Bộ đã tái kiểm tra xác nhận việc tồn kho là thực tế… nếu không cho xuất hàng tồn kho các doanh nghiệp này sẽ sa lầy, chết chắc!.
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát – doanh nghiệp có nhu cầu về quặng sắt khoảng 400 ngàn tấn/năm loại phẩm cấp tốt và đến năm 2014 (khi giai đoạn 2 vào sản xuất nhu cầu tăng mạnh, có nhu cầu khoảng 1,4 triệu tấn/năm) thể hiện mong muốn hợp tác và mua quặng của các đơn vị sản xuất, hiện nay Tập đoàn có nhu cầu mua quặng sắt Thạch Khê và Quý Xa cho các năm 2013-2014. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đơn vị cũng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khai thác về lượng quặng tồn kho, cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong giai đoạn tới.
“Việc tồn kho lớn của các doanh nghiệp khai thác là thực tế, việc cấm xuất khẩu phải có lộ trình, chủ trương Chính phủ vừa qua cho xuất khẩu lượng quặng sắt tồn kho là hết sức hợp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác”- đại diện Tổng công ty Thép và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thể hiện quan điểm. TISCO không có nhu cầu mua quặng sắt trong năm 2013; sau khi Dự án giai đoạn 2 và Gang thép Lào Cai vào sản xuất (đầu năm 2014) sẽ có nhu cầu, sẽ hợp tác đặt hàng với các doanh nghiệp khai thác…
Có thể nói, cuộc gặp mặt giữa các nhà quản lý, Hiệp hội, các doanh nghiệp khai thác, thương mại và luyện kim cơ bản đã tìm được tiếng nói chung, có sự chia sẻ khó khăn với nhau. Chủ trương xuất khẩu khoáng sản giúp các doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho là hết sức đúng đắn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách, cần tiếp tục cho phép những doanh nghiệp gặp khó khăn do tồn kho quặng sắt trong năm 2012 được xuất khẩu. Cũng tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp khai thác và Hòa Phát đã chia sẻ và có thiện chí trong việc mua bán loại quặng sắt cần thiết cho Hòa Phát.
Số liệu của Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo Chính phủ thì tổng số quặng sắt tồn kho còn lại theo báo cáo của các địa phương khoảng 1,5 triệu tấn, chỉ tiêu xuất khẩu quặng sắt còn lại là 322 ngàn tấn, Bộ Công Thương đang tiếp tục xem xét giải quyết. |