ThienNhien.Net – Tháng 3/2012, NNVN có loạt bài “Trở lại tham vọng cây cao su ở phía Bắc” phản ánh tình trạng ồ ạt trồng thí điểm cao su tại khu vực này. Sau khi báo đăng, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị các tỉnh Đông Bắc chỉ được phép trồng thí điểm cây cao su trên diện hẹp.
Hơn năm sau, chúng tôi trở lại Hà Giang, tỉnh có diện tích trồng cây cao su lớn nhất nhì Đông Bắc và nhận thấy những bước đi chắc chắn, thận trọng từ phía DN cũng như chính quyền địa phương.
Nghiêm ngặt giống và thời vụ
Sau sự kiện hơn 1.000 ha cao su trồng năm 2008 tại ba huyện vùng thấp của Hà Giang chết rét gần hết trong năm 2010, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đồng ý tiếp tục để Cty CP Cao su Hà Giang trồng tái canh 1.100 ha cao su chịu lạnh trên phần diện tích đã bị chết trong năm 2008. Số diện tích đất còn lại, Cty CP Cao su Hà Giang tạm thời giao lại cho người dân trồng cây hoa màu ngắn ngày, chờ những chủ trương, thỏa thuận tiếp theo từ phía VRG và tỉnh Hà Giang.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, có 3 giống cao su chịu lạnh được phép trồng thử nghiệm tại Hà Giang lần này là: Vân Nghiên 772, Vân Nghiên 774 xuất xứ Trung Quốc, được phía bạn trồng thành công tại nhiều vùng có điều kiện khí hậu tương tự như Hà Giang. Giống chủ lực thứ 2 là IAN 873, đây là giống cao su chịu lạnh có nguồn gốc từ Braxin. Tuy nhiên, trước đây IAN 873 chỉ thuộc nhóm chịu lạnh thứ 3, nhưng sau đợt rét đậm, rét hại năm 2010 tại Hà Giang, hai vườn thực nghiệm trồng giống IAN 873 tại xã Vô Điếm (Bắc Quang) và Trung Thành (Vỵ Xuyên) vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, không cây nào bị chết rét cho thấy đây là giống cao su chịu lạnh tốt, sắp tới cần được các nhà khoa học nghiên cứu và đánh giá chuẩn xác hơn.
Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu giống, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng yêu cầu phía Cty CP Cao su Hà Giang chấp hành đúng lịch thời vụ khi trồng mới số diện tích cao su chịu lạnh. Theo đó, lịch trồng cao su sẽ chỉ diễn ra từ đầu tháng 3 và phải kết thúc trước tháng 6 hàng năm. Mục đích, khi mùa đông tới, cây cao su đã cơ bản sinh trưởng và phát triển ổn định rễ và lá, đủ sức chống chịu lại với thời tiết khắc nghiệt.
Chúng tôi khảo sát một vòng các vùng trồng cao su của tỉnh Hà Giang và thấy mừng cho người dân, DN và chính quyền nơi đây khi bằng mắt thường nhận thấy cây cao su phát triển khá tốt. Lô cao su chịu lạnh trồng năm 2011 và 2012 đã được Cty CP Cao su Hà Giang hoàn thành tạo tán, 400 ha cao su trồng đầu năm 2013 đã phát triển được 3 – 4 tầng lá. Song, điểm nhấn lớn nhất giữa những đồi cao su tại Hà Giang chính là hai vườn cao su IAN 873 trồng năm 2008 (cùng thời điểm với các giống bị chết 2010) tại xã Vô Điếm (Bắc Quang) và Trung Thành (Vỵ Xuyên) hiện đã to bằng cái phích, phát triển tốt.
Nhìn vườn cao su xanh tươi này, nhiều người dân ao ước giá như năm 2008 tất cả 1.000 ha cao su tại Hà Giang đều trồng giống IAN 873 có thể thực tế giờ đã khác. Tuy nhiên, thành công nào cũng phải có giá, việc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thất bại khi đưa các giống cao su năng suất cao ra thử nghiệm tại Hà Giang và một số tỉnh phía Bắc, một mặt nào đó cũng giúp Hà Giang và các tỉnh Đông Bắc loại bỏ được hàng loạt giống chịu rét kém, tìm được giống cao su có triển vọng là IAN 873.
Cần chiến lược dài hơi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện không chỉ Hà Giang mà một số tỉnh ở Đông Bắc khác cũng đang tiến hành trồng thử nghiệm, thí điểm cây cao su. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong năm 2011, tổng diện tích cao su trồng ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ là 1.339 ha, dự kiến trong năm 2012 sẽ trồng tiếp 1.648 ha. Ngoài việc tiếp tục trồng lại số diện tích bị chết, năm 2013 Bộ NN-PTNT chủ trương mở rộng trồng cao su thí điểm thêm ở một số vùng có điều kiện thuận lợi hơn khoảng gần 1.000 ha.
Để có cái nhìn khách quan, dài hạn về tiềm năng phát triển cây cao su tại vùng Đông Bắc, đầu tháng 6/2013, chúng tôi sang đất nước Trung Quốc khảo sát, tìm hiểu xem nước bạn trồng cao su như thế nào. Địa điểm chúng tôi đến là huyện Malypho, thuộc tỉnh Vân Nam. Đây là huyện giáp với Cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vỵ Xuyên, Hà Giang. Không phải đi đâu xa, vừa bước chân qua cửa khẩu Thanh Thủy chúng tôi đã nhìn thấy cao su bạt ngàn trên các quả đồi của xã Thiên Bảo (Malypho). Nhìn chung, đặc điểm khí hậu, địa hình, độ dốc, cao trình tại khu vực này gần giống các huyện vùng thấp của Hà Giang. Theo chia sẻ của người dân nơi đây, cây cao su được trồng tại Thiên Bảo cách đây đã 50 năm. Hiện nay, diện tích cao su tại khu vực xã Thiên Bảo lên tới hàng chục nghìn ha. Trong đó, có những lô đã hết tuổi lấy mủ chuẩn bị thanh lí, có vườn đang cho khai thác và cả diện tích đang trồng mới như Hà Giang.
Khi chúng tôi ngỏ ý hỏi về giống thì được các hộ dân tham gia góp đất trồng cao su ở Trung Quốc cho biết, có hai giống cao su chính được trồng tại Thiên Bảo là Vân Nghiên 772 và Vân Nghiên 774. Riêng trong năm 2013, được bổ sung thêm một giống mới là IAN 873. Một cụ ông năm nay đã ngoài 70 tuổi sống tại xã Thiên Bảo tâm sự: Malypho là khu vực có khí hậu tương đối lạnh tại Trung Quốc. Vào mùa đông, nhiệt độ tại đây có thời điểm xuống âm độ, song đều đều các năm từ 3 – 10 độ C. Dẫn chúng tôi ra xem lô cao su trên 30 tuổi chuẩn bị cho thanh lý, cụ ông này cho biết năm 2010 do rét đậm rét hại, lô cao su này cũng bị chết cành, chết lá, nhưng nay đã phục hồi, không vấn đề gì. Tuy nhiên, do cây đã già cỗi nên gia đình ông và phía công ty thống nhất thanh lí để trồng lứa mới.
Hỏi một vài hộ dân khác tham gia góp đất trồng cao su với các công ty tư nhân, chúng tôi được họ cho hay, sản lượng mủ cao su tại Thiên Bảo cũng khá cao, khoảng 1,8 – 2 tấn mủ/ha/năm. Thu nhập với người góp đất trồng cao su một năm cả lương cộng lợi tức trên 50.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 160 triệu đồng tiền Việt Nam. Còn với những hộ dân không góp đất chỉ đi cạo mủ thuê, lương khoảng 3.000 – 3.500 nhân dân tệ/tháng, tức 10 – 12 triệu đồng/tháng tiền Việt Nam. Qua một ngày khảo sát khu vực trồng cao su tại Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy mô hình trồng cao su tại nước bạn giống hệt mô hình đang triển khai tại Hà Giang hiện nay. Qua đó, cho thấy việc phát triển cây cao su tại Đông Bắc của Việt Nam chưa hẳn là không có cơ hội thành công. Điều quan trọng nhất hiện nay phải tìm được giống cao su phù hợp và chọn được các tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho chăm sóc, khai thác và vận chuyển mủ sau này.
+ Theo một số chuyên gia nông nghiệp, với những tỉnh nghèo tại khu vực Đông Bắc, trồng cây cao su thành công sẽ là một bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân. Đơn cử, như Cty CP Cao su Hà Giang, mới chỉ trồng 1.100 ha đã nhận trên 100 con em địa phương vào làm công nhân và tạo việc làm thời vụ cho hơn 1.000 người dân.Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu tại khu vực này rất khắc nghiệt, cộng kiến thức, kinh nghiệm về cây cao su của lãnh đạo, người dân nơi đây còn rất thiếu. Vì vậy, Bộ NN-PTNT và Chính phủ cần có kế hoạch nghiên cứu, đánh giá tổng thể về cây cao su Đông Bắc để các địa phương thuộc khu vực này chủ động chọn hướng đi cho mình thay vì tự mày mò tiềm ẩn đầy rủi ro như hiện nay.+ “Sắp tới, Hà Giang và một số tỉnh Đông Bắc sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT cũng như các Viện Nghiên cứu tiến hành khai thác thử nghiệm lô cao su IAN 873 trồng năm 2008 tại Hà Giang, đồng thời tổ chức hội nghị đánh giá toàn diện về triển vọng, thách thức trong phát triển cao su tại Đông Bắc. Qua đó, sẽ có những quyết sách hợp lí với cây cao su trong ngắn và dài hạn”.
Phó Chủ tịch UBND Hà Giang Nguyễn Minh Tiến. |