ThienNhien.Net – Ông Vũ Hồng – Phó Tổng Giám đốc Nuiphao Mining khẳng định: “Đến thời điểm này, dự án đã cơ bản hoàn thành, hệ thống dây chuyền thiết bị đã lắp đặt tương đối hoàn chỉnh và bắt đầu đi vào hoạt động thử nghiệm, đảm bảo sản phẩm của Nuiphao Mining có thể đưa ra thị trường quốc tế trong một vài tháng tới…”.
Ngay từ khi mới triển khai (năm 2004), Dự án mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên) khi đó thuộc quyền sở hữu của Tiberon Minerals (Canada) cùng 2 đối tác khác ở Việt Nam đã khiến nhiều người lo ngại về tính khả thi của nó bởi nhiều yếu tố: quy mô vốn, quy mô dự án quá lớn, diện tích đất thu hồi nhiều…
Sự lo ngại đó đã có phần đúng khi suốt nhiều năm, dự án trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”, chuyển cho nhà đầu tư khác và đứng trước nguy cơ bị các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép đầu tư… Đúng thời điểm khó khăn đó, Tập đoàn Massan đã vào cuộc, nhận chuyển giao lại Dự án từ Quỹ Dragon Capital – Công ty quản lý quỹ sở hữu Công ty Tiberon Mineral. Ngay sau khi hoàn thành việc chuyển giao, tháng 6/2010, Tập đoàn Massan đã tái khởi động lại Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphao Mining) với tổng mức đầu tư hơn 500 triệu USD, trở thành Dự án mỏ đa kim lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Đúng 3 năm sau ngày tái khởi động, từ một vùng “bán sơn địa” tĩnh lặng ngày nào, Nuiphao Mining đã thực sự trở thành cơ sở công nghiệp khổng lồ án ngữ cửa ngõ phía tây tỉnh Thái Nguyên.
Ông Vũ Hồng – Phó Tổng Giám đốc Nuiphao Mining khẳng định: “Đến thời điểm này, dự án đã cơ bản hoàn thành, hệ thống dây chuyền thiết bị đã lắp đặt tương đối hoàn chỉnh và bắt đầu đi vào hoạt động thử nghiệm, đảm bảo sản phẩm của Nuiphao Mining có thể đưa ra thị trường quốc tế trong một vài tháng tới…”.
Khi bắt đầu tái khởi động dự án, Nuiphao Minning gặp không ít khó khăn, nhất là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. So với dự toán ban đầu, qua nhiều năm chậm tiến độ đơn giá bồi thường đã tăng cao. Thêm vào đó, cũng như các dự án thu hồi đất khác, việc xây dựng tái định cư, hỗ trợ sinh kế cho người dân sau thu hồi đất là một việc làm không dễ. Tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và tiềm lực tài chính đủ mạnh, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 700 ha thuộc 4 xã của huyện Đại Từ với tổng kinh phí bồi thường hơn 1.200 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho hơn 600 hộ dân tại 2 khu tái định cư: Nam Sông Công và Hùng Sơn. Đây là các khu tái định cư được xây dựng không đơn thuần là nơi ở mới cho các hộ dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án mà còn được đầu tư đồng bộ với cơ sở hạ tầng hiện đại, đầy đủ các dịch vụ xã hội đi kèm như: nhà văn hóa, trường mầm non, trường tiểu học…, tạo nên diện mạo đô thị mới cho thị trấn Đại Từ.
Cùng với những nỗ lực trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, việc xây dựng nhà máy chế biến, khai trường mỏ và các hạng mục phụ trợ cũng được gấp rút thực hiện. Lúc cao điểm, trên công trường xây dựng, có tới hàng trăm chuyên gia kỹ thuật quốc tế và hàng nghìn lao động Việt Nam cùng lao động. Hầu hết các đơn vị xây dựng trên công trường mỏ đa kim Núi Pháo là các nhà thầu có đẳng cấp quốc tế. Điển hình là Tập đoàn Kỹ thuật Jacobs – nhà cung cấp lớn và đa dạng nhất các dịch vụ kỹ thuật và thu mua cho nhà máy chế biến, cơ sở hạ tầng kết nối; LICOGI 13 đảm nhận công việc đào đắp khối lượng lớn cho các đập cuối và khu vực bị ảnh hưởng trong nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, các tên tuổi lớn trong ngành xây dựng và khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay như: LILAMA 10, Petrosetco, CominAsia… cũng tham gia vào dự án này.
Đánh giá về tiến độ xây dựng Dự án mỏ đa kim Núi Pháo, ông Dương Ngọc Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Kể từ khi tái khởi động dự án, tôi thấy đây là nhà đầu tư trong nước có năng lực thực sự, rất tích cực trong việc triển khai dự án, nhất là trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư dự án đã xây dựng khu tái định cư rất tốt, có thể nói đây là khu tái định cư đẹp nhất tỉnh Thái Nguyên… Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy rằng Dự án Nuiphao Mining đã làm rất tốt về công tác đảm bảo môi trường, xây dựng cơ sở vật chất, nhất là nhà máy chế biến sâu quặng Vonfram. Chúng tôi kỳ vọng, khi đi vào hoạt động chính thức, Nuiphao Mining sẽ đóng góp thêm vào ngân sách tỉnh mỗi năm hàng trăm tỷ đồng như cam kết ban đầu của nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa tại tỉnh Thái Nguyên…”.
Với những nỗ lực đảm bảo tiến độ thực hiện dự án cũng như các chính sách về bồi thường – tái định cư, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn lao động theo chuẩn quốc tế, Nuiphao Mining đang từng bước thể hiện là mô hình tiêu biểu về khai thác, chế biến khoáng sản tại Thái Nguyên cũng như tại Việt Nam và trong khu vực, đúng như tinh thần của Tập đoàn Massan khi tái khởi động dự án.