ThienNhien.Net – Sử dụng bếp than tổ ong trong đun nấu hàng ngày được nhiều chuyên gia độc học khuyến cáo là không nên, đặc biệt là đối với các thành phố có mật độ dân cư đông đúc như Hà Nội. Thế nhưng, ở khắp phố phường Hà Nội, loại bếp này vẫn được người dân ưa dùng, mặc dù họ cũng lờ mờ biết được những ảnh hưởng của khói than đến sức khỏe và môi trường.
Phố phường ngột ngạt vì than tổ ong
Ở hầu hết các khu dân cư trong các quận nội thành Hà Nội, không khó để bắt gặp những bếp than tổ ong đỏ lửa, tỏa khói độc suốt cả ngày, đặc biệt là vào buổi sáng khi những bếp than này được người dân nhóm lửa bốc khói nghi ngút ngay ven đường, ngõ nhỏ…
Chỉ mất từ 100.000 – 200.000 đồng, mỗi gia đình đã có thể sắm riêng cho mình một chiếc bếp vừa nhỏ gọn, tiện lợi, vừa dễ sử dụng, lại hiệu quả kinh tế. Chính vì những ưu điểm vượt trội mà bếp than tổ ong ngày càng được ưa dùng, đặc biệt là với những gia đình có nguồn thu nhập thấp.
Chẳng những có mặt trong các hộ gia đình, nhiều khi những bếp than tổ ong còn “di động” giữa các tuyến phố trên các gánh hàng rong.
Bà Đỗ Thị Hiên, quê ở Đông Hưng, Thái Bình kể: “Tôi lên Hà Nội làm nghề bán bún rong đã hơn 2 năm nay. Vì không có tiền thuê địa điểm nên phải đi bán như thế này, may là có cái bếp than nhỏ, đi đâu cũng mang theo được nên đồ ăn lúc nào cũng nóng hổi, khách thích lắm”.
Thị sát một vòng các ngõ nhỏ chuyên phục vụ ẩm thực trong nội thành, chúng tôi thấy hầu hết các quán trà đá, quán cóc vỉa hè, quán cơm phở… hầu hết đều ít nhiều sử dụng than tổ ong để đun nấu.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, sống cạnh điểm sản xuất than tổ ong ở số 1033 Bạch Đằng tâm sự: “Nhà mình bán bún phở buổi sáng nên dùng bếp than là tiết kiệm chi phí nhất, mỗi viên không đến 3.000 đồng mà đun được liên tục trong vòng 2 giờ đồng hồ, mỗi viên đun được cả chục ấm nước”.
Theo khảo sát của nhóm phóng viên tại ba điểm chuyên cung cấp than tổ ong ở quận Cầu Giấy và Hà Đông, mỗi ngày, các cơ sở này xuất ra thị trường khoảng vài nghìn viên than. Số lượng này đặc biệt tăng cao vào mùa đông khi nhu cầu đun nấu và sưởi ấm của người dân gia tăng.
Có thể thấy, xét về hiệu quả kinh tế, bếp than tổ ong thể hiện rõ những ưu điểm vượt trội, tuy nhiên xét về mức độ độc hại thì cũng ít phương tiện đun nấu nào “qua mặt” được loại bếp nhỏ gọn này.
Hại sức khỏe, ô nhiễm môi trường
Nói về khói độc từ than tổ ong, chị Tươi ở ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên bức xúc: “Tại các tuyến phố lớn, khí độc còn dễ thoát lên, nhanh chóng hòa vào không khí, chứ ở những điểm đông dân, ngõ ngách nhỏ thì không tài nào chịu nổi, cả ngõ nồng nặc mùi khí độc, gây khó thở, cay mắt” – chị Tươi ở ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên bức xúc.
Anh Công, một đầu bếp trong quán ăn ở phố Trung Kính cũng cho biết: “Đun nấu cả ngày với bếp than tổ ong nên mũi mình không phân biệt được mùi của nó nữa, nhưng sau một thời gian làm việc, đêm về mình hay tức ngực, khó thở, choáng váng, không biết có phải do khí độc của than tổ ong không?”.
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia về độc học cũng đã lên tiếng khuyến cáo người dân không nên sử dụng bếp than tổ ong trong đun nấu hàng ngày.
Ông Đỗ Thanh Bái, Trung tâm an toàn hóa chất bảo vệ môi trường (Hội hóa học Việt Nam) cảnh báo: Than tổ ong cũng là than đá nhưng chủ yếu là dạng than cấp thấp, người ta mang về trộn với bùn và chất khác tạo ra than tổ ong để đốt, khi đốt than cháy sinh ra nhiệt lượng, đồng thải phát thải một số hợp chất độc hại ra môi trường. Thứ nhất, nó sẽ phát thải ra chất CO rất độc, trong điều kiện cháy không tốt chất này có thể sinh ra oxít các-bon. Thứ hai, than ở Việt Nam có rất nhiều lưu huỳnh, khi cháy tạo ra SO2 gây bệnh phổi, hen suyễn… Thứ ba, các hợp chất oxit của ni tơ gọi chung là NOX, có khói màu vàng, là khí độc gây hại cho hệ hô hấp, hệ tuần hoàn trong máu.
Ngoài ra, trong than còn có một số hợp chất hữu cơ phát ra khi đun ở nhiệt độ thấp gọi các chất hữu cơ mạch vòng, chất này có khả năng gây bệnh ung thư, đặc biệt, chúng còn phát ra các oxit kim loại như chì, kẽm… vốn là những chất rất độc cho cơ thể người.
Nguy hiểm hơn, khi sản xuất, các chủ lò thường cho một số phụ gia như sắt, kali, trấu, dầu…, thậm chí cả dầu nhớt thải để tạo ra loại than vừa dễ cháy, vừa tiết kiệm chi phí. Loại nhớt này do đã sử dụng qua hệ máy nên bị thay đổi về chất, có nhiều chất liên quan đến hợp chất gây ung thư, chủ yếu ung thư hệ hô hấp, hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, việc kiểm soát sử dụng bếp than tổ ong trong thực tế lại rất khó – ông Bái lo ngại.
Cũng theo một lãnh đạo Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), việc người dân sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu rất nguy hiểm, đặc biệt là ở các khu chung cư. Than tổ ong sẽ sản sinh ra nhiều loại khí độc khi đốt và khi hít phải những loại khí này, cơ thể người dễ có cảm giác mệt mỏi, khó thở, tức ngực, nặng hơn có thể bị hôn mê sâu và dẫn tới tử vong.
Điều đáng nói là mặc dù đã có nhiều cảnh báo đưa ra trong việc sử dụng than tổ ong, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cấm sử dụng loại than này.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hiện chưa có quy định cấm sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt. Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường 2005 chỉ liệt kê 16 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có “Cấm thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép”. Mặt khác, việc cấm người dân sử dụng loại than này rất khó, đặc biệt là với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, họ chưa hiểu hết các tác hại từ khí thải của bếp than tổ ong. Do vậy, cần tuyên truyền sâu rộng hơn đến người dân để mọi người chung tay bảo vệ môi trường sống – ông Tiến đề nghị.
Trong nhiều năm trở lại đây, số vụ tai nạn do ngộ độc khí than tổ ong có xu hướng gia tăng. Điển hình là vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào cuối năm 2011 tại xóm Hương Đình, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh làm 3 nạn nhân bị chết tại chỗ mà nguyên nhân được xác định là do ngạt khí than tổ ong. Trước đó, tại Lạng Sơn, Hà Tây, Hà Tĩnh… cũng xảy ra rất nhiều vụ tử vong do sưởi ấm bằng than trong phòng kín. |