Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 ngày 12/5 ở tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã trực tiếp đến hiện trường xem xét và chỉ đạo lực lượng liên ngành kịp thời khắc phục hậu quả.
Ngày 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã dành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ thường trú tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên cuộc phỏng vấn về sự cố này.
Xin ông cho biết nguyên nhân và thiệt hại ban đầu của sự cố này?
Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 12/6, tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, đã xảy ra sự cố vỡ thân đập chính Thủy điện Ia Krel 2, đoạn gần cửa lấy nước. Chiều dài đoạn đập vỡ khoảng hơn 40m, kèm theo một số vết nứt và sụt lún lớn ở giữa đập. Qua khảo sát hiện trường, lượng nước ở lòng hồ khi đập vỡ cách cao trình đỉnh đập khoảng 4m, nên lượng nước trong lòng hồ mới đạt khoảng hơn 60% dung tích thiết kế.
Đến nay chưa có thiệt hại về người. Ước tính thiệt hại một số tài sản gồm: nước lũ cuốn trên 20 ha mì, đậu, không phục hồi được; làm hư hỏng một số vật dụng, thiết bị sinh hoạt, máy móc nhỏ của đơn vị thi công và một số chòi, lán của người dân địa phương.
Đến nay, tỉnh đã tiến hành các biện pháp nào để khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống của người dân?
Ngay sau khi nhận được thông tin vỡ đập, vào lúc 7h30 cùng ngày, tôi đã trực tiếp đến hiện trường xem xét và chỉ đạo lực lượng quân đội, công an và các ban, ngành có liên quan để kịp thời cứu người, cứu tài sản bị nước cuốn trôi hoặc bị cô lập.
Ngay tại hiện trường, lãnh đạo tỉnh đã biểu dương tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng, đặc biệt là các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lệ Thanh kịp thời cứu được 8 người dân mắc kẹt về nơi an toàn và đưa được 30 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng nghiêm khắc cảnh cáo đơn vị thi công và chủ đầu tư đã không có mặt tại hiện trường để tham gia giải quyết vụ việc.
Chiều cùng ngày, tôi đã chủ trì cuộc họp khẩn liên quan đến vụ vỡ đập thủy điện, chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục cơ động ứng cứu, không để xảy ra thiệt hại về người.
Tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Đức Cơ, Công ty 72, Công ty 71 (Binh đoàn 15) tiếp tục rà soát kỹ từng địa bàn để kiểm tra những người chưa có mặt ở gia đình; xem xét kịp thời hỗ trợ những hộ dân, công nhân bị thiệt hại.
Sáng ngày 13/6, tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân làm vỡ đập; thống kê, tính toán mức độ thiệt hại để kịp thời hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân và xử lý sai phạm theo quy định.
Gia Lai là địa phương có nhiều công trình thủy điện. Vậy sau sự cố này, tỉnh có những biện pháp nào để không để xảy ra những trường hợp tương tự?
Sự cố vỡ đập công trình thủy điện Ia Krel 2 là lời cảnh báo cho chất lượng công trình, là bài học đắt giá trong công tác đầu tư xây dựng công trình, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn đập thủy điện trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa mưa lũ.
Ngày 13/6/2013, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức ngay các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra chất lượng xây dựng công trình, đánh giá mức độ an toàn của từng hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời yêu cầu sửa chữa, nâng cấp, khắc phục ngay các nguy cơ sự cố để đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ năm 2013; nhắc nhở các chủ đập triển khai cấp bách công tác kiểm định an toàn đập, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, phương án phòng chống lụt bão và đảm bảo an toàn đập trong mùa lũ; đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn phải cắt giảm dung tích hoặc không trữ nước vào hồ.
Củng cố, kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn để đảm bảo đủ năng lực điều hành phòng chống lũ, sự cố đập, đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ.
Rà soát, đánh giá chất lượng hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi do chủ đập quản lí và khai thác để phát hiện các sự cố mất an toàn và xử lí kịp thời các vị trí xung yếu, sạt lở, ưu tiên sửa chữa các hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn; các hồ chứa đang thi công phải đẩy nhanh tiến độ và cao trình vượt lũ.
Xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho công trình, nhất là công trình có nguy cơ mất an toàn (kể cả phối hợp với chính quyền địa phương để di dân vùng hạ du các hồ chứa); tổ chức kiểm tra, rà soát nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng đối phó với sự cố về đập.
Đánh giá việc vận hành điều tiết hồ chứa, các phương án phòng chống lụt bão và đảm bảo an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập; tổng hợp những nội dung chưa phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để thực hiện; đẩy nhanh tiến độ kiểm định an toàn đập theo Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lí an toàn đập.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng và mức độ an toàn các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm điện, hệ thống kênh mương tưới tiêu do địa phương quản lí; tổ chức sửa chữa, nâng cấp, khắc phục ngay các hạng mục có nguy cơ mất an toàn để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Xây dựng phương án phối hợp chặt chẽ với các chủ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn để ứng phó kịp thời với sự cố vỡ đập, di dời dân đến nơi an toàn, giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân khi có sự cố về đập xảy ra.
Trân trọng cảm ơn ông!