ThienNhien.Net – Sau khi sự vỡ đập thủy điện, chính quyền địa phương gồng mình cứu hộ, cứu nạn thì chủ đầu tư đã không có mặt tại hiện trường. Mọi thông tin liên lạc với lãnh đạo công ty này đều…“bặt vô âm tín”?
Tối 12/6, công tác cứu hộ, cứu nạn sau sự cố sập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn đang được các ngành chức năng của thực hiện.
Mặc dù vẫn chưa phát hiện có thiệt hại về người, song ước tính ban đầu thiệt hại về tài sản đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, tối 12/6, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những người có thể còn đang bị cô lập ở vùng ngập lụt do sự cố vỡ đập này.
Các cấp chính quyền đang tiến hành thống kê nhân khẩu để xác định cụ thể số nạn nhân có thể bị nước lũ cuốn trôi, đồng thời, thống kê thiệt hại, yêu cầu chủ đầu tư công trình thủy điện bồi thường.
Tại cuộc họp khẩn vào chiều 12/6, lãnh đạo huyện Đức Cơ cho biết, ngay khi sự cố vỡ đập xảy ra, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện đã cứu được 10 người bị nước cuốn trôi và di dời được hơn 20 hộ gia đình trong vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Chính quyền huyện Đức Cơ cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền và ngành chức năng phía tỉnh Ratarakiri – Campuchia (địa phương thuộc hạ nguồn thủy điện Ia Krêl 2) hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng cũng đã chỉ đạo lực lượng công an và các ngành chức năng vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2.
Công trình thuỷ điện Ia Krêl có công suất thiết kế 5MW, được triển khai xây dựng từ năm 2009 và tích nước từ đầu tháng 5/2013.
Đến thời điểm xảy ra vỡ đập, trong hồ đã tích được khoảng trên 5 triệu mét khối nước tương đương khoảng 60% dung tích tối đa.
Với đặc thù địa hình đồi dốc, ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, toàn bộ vùng hạ du thuộc địn bàn làng Bi, làng Ó, thôn Mook Đen, thôn Mook Trang (xã Ia Dom) đã bị lũ quét hoang tàn.
Hơn 5 triệu mét khối nước đổ xuống hạ nguồn tạo lũ quét cực mạnh dọc theo Suối Đôi đến sông Sê San với chiều dài hơn 10km, làm thiệt hai khoảng 200 ha cao su và hoa màu của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn có 69 nhà chòi, 6 xe máy bị nước cuốn trôi, hiện đã vớt được 3 xe, một số máy nổ, máy hút, vật dụng gia đình của người dân…bị ngập, bị cuốn trôi hiện vẫn chưa thống kê hết.
Sau khi sự vỡ đập xảy ra, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên, về phía chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long-Gia Lai không có mặt tại hiện trường. Mọi thông tin liên lạc với lãnh đạo công ty này đều… “bặt vô âm tín”?
Trong khi đó, đã có một số nguồn tin cho rằng, bờ đập thủy điện này cũng là một “bản sao” của bờ đập thủy điện Đăk Mek 3 bị sập cuối năm 2012 do thi công không đúng thiết kế (?) .