ThienNhien.Net – “Hạn chế việc lấy rừng ở các khu rừng đã được quy hoạch là rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu” là trọng tâm câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trước phần chất vấn của Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về quan điểm của Bộ trưởng đối với hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
Đại biểu Vở thẳng thắn: “Thời gian qua, cử tri rất bức xúc trước việc chuyển mục đích sử dụng vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A. Đã nhiều lần cử tri đề nghị Bộ trưởng phối hợp với Bộ, ngành liên quan xem xét, trình Chính phủ dừng triển khai lập dự án và loại khỏi quy hoạch điện lực quốc gia đối với hai dự án này, nhưng đến nay vẫn vô vọng, chờ đợi và chờ đợi”.
Ông Vở đặc biệt nhấn mạnh: “Một lần nữa, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp, trách nhiệm Bộ trưởng như thế nào trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 6, Khóa XI và Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội để kiến nghị Chính phủ để bảo vệ rừng nguyên sinh, Bộ trưởng có đồng tình với cử tri loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện này hay không?”.
Trước phần chất vấn trực diện của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Bản thân cá nhân tôi đã vào tận nơi công trình để kiểm tra về tình trạng rừng của công trình, mặc dù tôi chỉ đến được 1 công trình. Quan điểm của tôi là chúng ta nên hạn chế việc lấy rừng ở các khu rừng đã được quy hoạch là rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, cái đó vì lợi ích chung của cả xã hội. Trong trường hợp thật cần thiết phải thực hiện theo quy trình của luật pháp”.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm: “Thời gian qua, chúng ta đã cho phép chuyển đổi 25.000 ha rừng đặc dụng và phòng hộ để làm thủy điện và nhiều công trình khác. Về thẩm quyền, chúng tôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo với Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Quốc hội thực trạng rừng đó là như thế nào, nếu lấy 327 ha bao gồm 137 ha của Vườn quốc gia Cát Tiên thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Chúng tôi đã làm việc đó và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ Tài nguyên môi trường tổng hợp về tác động môi trường của hai công trình này. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên môi trường, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội theo Nghị quyết 49 vì công trình này sử dụng trên 50 hécta đất rừng của vườn quốc gia, cho nên về mặt chủ trương có làm hay không là thuộc thẩm quyền của Quốc hội, chúng tôi sẽ báo cáo trung thực những tác động của việc lấy đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đối với vườn quốc gia”.
Tiếp lời cho Bộ trưởng Cao Đức Phát về câu chuyện về thủy điện Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay: “Hiện dự án đang ở trong giai đoạn được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về tác động môi trường và kết quả như thế nào thì Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ báo cáo với Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội. Chúng tôi khẳng định nếu tác động xấu đến môi trường trong đó có ảnh hưởng lớn đến Vườn quốc gia Cát Tiên chắc chắn Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội không xem xét”.
Thủy điện ít trồng bù rừng vì… thiếu đất?
Phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát không chỉ được “hâm nóng” bởi câu chuyện thủy điện 6, 6A mà thêm phần sôi nổi hơn nhờ chủ đề vì sao thủy điện “nuốt” rừng nhiều mà không trả?
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) là người duy nhất khơi mào chủ đề này. Dựa trên số liệu thống kê trong vòng 6 năm gần đây, ông đặt vấn đề: “Từ năm 2006 đến năm 2012, có gần 20.000 ha rừng ở 29 tỉnh, thành chuyển mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Theo quy định các chủ đầu tư công trình thủy điện phải trồng lại diện tích rừng đã mất nhưng đến nay chỉ mới trồng bù được khoảng 375ha/20.000 ha. Những nơi đã trồng lại rừng có nơi tỷ lệ cây sống chỉ đạt 60%”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: “Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm túc việc này. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương có liên quan kiểm tra và thấy rằng các doanh nghiệp phản ánh khó khăn chính mà họ gặp phải là việc bố trí diện tích đất để trồng thay thế. Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch để có sự hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Mặt khác, chúng tôi cũng đề nghị với Chính phủ chính sách cho phép các doanh nghiệp nếu gặp khó khăn thực sự về đất đai thì sẽ được nộp tiền vào ngân sách để phân bổ cho các địa phương khác có quỹ đất lớn hơn để trồng rừng”.
Chia lửa với người “đồng cấp”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho hay: “Chúng tôi đã đề cập việc này trong báo cáo gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để tổng hợp báo cáo với Quốc hội xung quanh việc giám sát thực hiện trồng rừng đối với các dự án thủy điện”.
Bộ trưởng cũng thừa nhận: “ Đúng là hiện nay các dự án thủy điện sử dụng một diện tích rừng khá lớn để phục vụ làm hồ, các công trình thủy điện và theo quy định thì lấy bao nhiêu diện tích đất rừng, sẽ phải trồng bù lại bấy nhiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, trong số hơn 20.000 ha cần phải trồng bù thì chỉ trồng rất ít. Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm. Thứ hai là do quỹ đất để cho các chủ đầu tư có thể trồng rừng hoặc phối hợp với địa phương trồng bù ở nhiều nơi không đủ quỹ đất. Chính vì vậy, vừa qua, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi có kiến nghị với Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế là ở những địa bàn có dự án triển khai nhưng không có quỹ đất để trồng rừng có thể tìm quỹ đất khác thay thế, cũng ở trên địa phương đó nhưng nằm ở địa bàn khác. Trong trường hợp quỹ đất trồng rừng tập trung không có thì có thể giao kinh phí trồng rừng bổ sung đó cho địa phương để người ta phân bổ trồng rừng phân tán, bù lại diện tích đất rừng đã bị mất”.
Trước phần trả lời tương đối đồng thuận của hai vị Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Các đồng chí phối hợp và báo cáo với Chính phủ đề án này để tổ chức thực hiện, làm sao để đến kỳ họp thứ sáu các đồng chí báo cáo xem trồng bù được bao nhiêu, bây giờ là kỳ họp thứ năm, hoặc đến cuối năm nay đề án đã được duyệt chưa, bao giờ trồng, khả năng trồng được bao nhiêu, những nơi không trồng được còn tiếp tục làm thủy điện không? Hôm nay tôi đề nghị phải dứt điểm”.
Liên quan đến câu hỏi thứ hai của đại biểu Tô Văn Tám về việc Bộ trưởng có giải pháp gì nhằm tháo gỡ khó khăn cho đồng bào dân tộc miền núi, Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng trong việc trồng cà phê, cao su, sắn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: “Không cứ ở Tây Nguyên, rất nhiều vùng khác chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách tổng thể mà cụ thể là ở từng xã trong khuôn khổ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đề nghị từng xã rà soát lại quỹ đất và xác định cụ thể cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất trên địa bàn của mình và hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân sản xuất có hiệu quả, không làm theo phong trào. Không phải chỗ nào cũng trồng được cà phê nếu mà không có nước và tầng dày của đất thấp. Hay tương tự như vậy đối với sắn cũng phải có sự hướng dẫn để làm một cách có hiệu quả, tuy nhiên tôi xin báo cáo, không phải chỉ nhìn vào cao su, cà phê và cây sắn mà chúng ta còn phải tùy theo lợi thế của từng nơi và giúp cho nhân dân sản xuất có hiệu quả, có thu nhập cao hơn, có như vậy mới có thể thoát nghèo bền vững”.
Làm gì để giảm phá rừng?
“Liên tiếp nhiều vụ lâm tặc phá rừng nghiêm trọng khắp cả nước, Bộ trưởng đã chỉ đạo xác định các biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?” là thắc mắc của Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), người mở màn phần chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Bộ trưởng khẳng định, tình trạng phá rừng vẫn tiếp tục xảy ra gay gắt ở nhiều nơi mặc dù xét về số lượng vi phạm là có giảm. Trước tình hình này, Bộ đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thực hiện đề án tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời đang xây dựng đề án về tăng cường năng lực của hệ thống kiểm lâm. Thời gian qua, Bộ đã cùng với các địa phương thực hiện luân chuyển 815 người, xử lý kỷ luật 127 người và buộc thôi việc 7 người.
Về lâu dài, để hỗ trợ giải quyết những khó khăn của người dân do thiếu đất sản xuất hoặc đang có khó khăn trong việc phát triển sản xuất, tăng thu nhập, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành giao đất, khoán rừng, triển khai chủ trương về thu phí dịch vụ môi trường rừng để tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho nỗ lực bảo vệ rừng, giao khoán rừng cho nhân dân để nhân dân quan tâm nhiều hơn và cùng với các hệ thống cơ quan chức năng bảo vệ rừng.