ThienNhien.Net – Ngày 10/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ khởi động Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Chương trình thí điểm phương thức tiếp cận dựa trên kết quả được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2017 nhằm tăng cường khả năng tiếp cận bền vững và sử dụng hiệu quả dịch vụ cấp nước và vệ sinh ở khu vực nông thôn của 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam và Thanh Hóa.
Tại Lễ khởi động, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Hà Nội, nhấn mạnh: “Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả (PforR) là một chương trình được thực hiện thí điểm lần đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, áp dụng công cụ cho vay mới của WB. Tôi tin rằng sự thành công của PforR sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển quốc tế, nhiều quốc gia muốn học hỏi cách làm từ mô hình này của Việt Nam.”
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết PforR là chương trình “áp dụng công cụ cho vay mới” của WB và lần đầu tiên triển khai thí điểm ở Việt Nam. Chương trình tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam, dựa trên nền tảng pháp lý và bộ máy tổ chức hiện có của Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015, gắn việc giải ngân với các kết quả đạt được của Chương trình đòi hỏi phải tăng cường sự phối hợp và tổ chức thực hiện của các bên tham gia để trong quá trình triển khai có thể điều chỉnh kịp thời nhằm sử dụng hiệu quả đầu tư, bảo đảm các công trình sau đầu tư hoạt động hiệu quả và bền vững.
Thứ trưởng yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện PforR, các bên tham gia cần lưu ý đến những điểm mới của Chương trình này so với các chương trình triển khai trước đây, đặc biệt là việc giải ngân phải dựa trên kết quả đạt được để đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai Chương trình là mấu chốt vấn đề.
PforR tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ hướng đến xây dựng, cải tạo điều kiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh trực tiếp cho hơn 1,7 triệu người dân tại 240 xã với 340.000 điểm đấu nối cấp nước tới hộ gia đình thông qua các hệ thống cấp nước tập trung; 1.440 công trình vệ sinh công cộng được xây mới hoặc cải tạo; 130.000 nhà tiêu hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo; năng lực của chính quyền Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh được cải thiện trong công tác quản lý, giám sát và điều hành lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn…
Chương trình có tổng nguồn vốn là 230,5 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 200 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách là 10,5 triệu USD, còn lại là vốn đóng góp từ cộng đồng.
Ngoài ra, Chương trình còn nhận khoản hỗ trợ kỹ thuật 8 triệu AUD từ AusAID để hỗ trợ các cơ quan thực hiện Chương trình trong lập kế hoạch, giám sát, đánh giá, cấp nước, vệ sinh, cải thiện công tác quản lý, xác nhận kết quả và chia xẻ thông tin.