ThienNhien.Net – Về bản chất, kinh tế xanh nhằm xác định lại quá trình phát triển của hệ thống kinh tế trong mối quan hệ tổng thể, biện chứng với vùng lãnh thổ, lãnh hải chứ không chỉ quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề về môi trường đơn thuần.
Những thách thức và giải pháp
Bối cảnh phức tạp của Biển Đông
Biển Đông là khu vực “năng động” trong phát triển kinh tế vì có lợi thế vị trí địa lý, giàu tài nguyên, chính vì vậy , đây là một trong 5 khu vực “nóng”, “nhạy cảm” trong các mối quan hệ quốc tế” do những “ đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”17.
Đây thực sự là mối nguy cơ “đe dọa hòa bình và an ninh khu vực “trong đó có cả “an ninh, an toàn và tự do hàng hải”[1] , là thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế thương mại toàn cầu.
Có thể nói vị trí Địa Chiến lược của Việt Nam, của các quốc gia xung quanh Biển Đông đã gắn liền với “sinh mệnh” sống còn của mỗi đất nước.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng, “một nước nhỏ mà vì “số phận” phải nằm kề một nước khổng lồ thì dù có nhiều thuận lợi về các phương diện khác cũng khó tránh vòng cương tỏa về kinh tế, xã hội và văn hóa… của người láng giềng lớn”[2].
Và chính vòng cương tỏa ấy đặt ra những ràng buộc nhất định trong các chính sách đối nội, đối ngoại và đường lối, chính sách phát triển và quá trình “xanh hóa” đất nước.
Vấn đề đã đặt ra ở Biển Đông về “lợi thế” hay “bất lợi “ về mặt địa lý hoặc “ngọt ngào hay cay đắng” về kinh tế, đều do năng lực vận dụng lợi thế vị trí địa – chiến lược của mỗi nước trong “bàn cờ Biển Đông mà ra”.
Vai trò của các giá trị địa lý đối với sự phát triển quan trọng đến mức mà đã có những học giả coi đó như “lời nguyền địa lý” [3], như “định mệnh” không thể tránh (không ai có thể di dời một quốc gia), là “định phận tại thiên thư” của mỗi nước, “không thể thay đổi, không thể thoái thác”[4].
Những vị trí địa lý có nhiều lợi thế cạnh tranh hay là vị trí địa – chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế tốt… luôn luôn đối mặt với thách thức tiềm tàng tranh chấp và xung đột 18,20. Thực tế đó đã và đang được chứng minh ở Biển Đông.
Trong hoạch định sách lược phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển “xanh lam”, chúng ta cần phải “hiểu và thấu hiểu” hơn nữa những thách thức thực tế, có những nhận thức đúng về các giá trị địa lý, đánh giá đúng các đặc điểm Địa Chiến lược, làm cơ sở khoa học cho các chính sách, đường lối chính trị phát triển đất nước trong mọi tình huống và thời điểm.
Phân tích, giới thiệu khía cạnh thách thức do bối cảnh phức tạp của Biển Đông hiện nay, nhằm tìm sự đồng thuận về kiến thức, nhận thức, cùng cộng đồng có “cái nhìn xác thực về sự vận động không ngừng của địa kinh tế và địa chính trị toàn cầu nói chung, ở Biển Đông nói riêng, để không thụ động rơi vào nguy cơ, không bị lạc lỏng trên trường quốc tế và đặc biệt quan trọng là để tìm ra khả năng biến nguy cơ hoặc thách thức thành thời cơ” 20 và để “vận dụng một cách tối ưu các giá trị địa chiến lược ở Biển Đông để quốc gia sinh tồn, phát triển bền vững và phú cường” 18.
Vị trí địa lý Biển Đông, cũng đã mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế, đặc biệt có ít nhất hai lợi thế so sánh có tính cạnh tranh cao trong phát triển xanh lam.
Một là các giá trị địa chiến lược, như đã nêu trên, hai là đã cung cấp mặt bằng lãnh hải rộng lớn với các nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú6 và không gian phát triển lý tưởng, đặc biệt là có “mặt tiền”, với đường bờ biển dài hướng ra Biển Đông, là “cửa mở” để hội nhập,phát triển thương mại, thu hút đầu tư trong phát triển, xanh hóa nền kinh tế biển
Khủng hoảng nhân văn và những “lệch lạc” trong văn hóa phát triển
Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của nhân loại đang phải đối đầu với thách thức do Khủng hoảng nhân văn – về những gía trị văn hóa, đạo đức cũng như tâm linh – với quy mô khắp nơi trên thế giới, với sự đồng hóa của những tập tục tiêu dùng và sản xuất không bền vững bởi tác động của toàn cầu hóa.
Đây thực sự cũng là “nổi lo” và “rào cản” cho quá trình “xanh hóa” ở Việt Nam.
Vai trò “nền tảng” văn hóa có trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh chủ quyền của quốc gia đã được đề cập và công bố rộng rãi [5].
Giá trị văn hóa là đại lượng khó xác định, chưa có những quy chuẩn trong hệ thống thống kê của quốc gia, nhưng không phải không thể định lượng được. Đã có những công trình công bố về giá trị kinh tế “dịch vụ văn hóa “của các hệ sinh thái tự nhiên”, ví dụ, 1km2 biển ở Singapore tạo ra 26,8 triệu USD/năm[6].
Quan trọng nhất, trong nghiên cứu, lượng giá các giá trị thuộc “văn hóa” là cần phải làm rõ “góc độ” nghiên cứu, tiếp cận đánh giá.
Từ những “góc độ” và trình độ khác nhau sẽ có những đánh giá, kết luận không giống nhau. Văn hóa có đặc tính “đa dạng”, do đó, trong thực tế phát triển hiện nay, có tồn tại rất nhiều các “góc độ” khác nhau trong tiếp cận đánh giá.
Ngay như việc đánh giá “Văn hóa Biển, Đảo Việt Nam, văn hóa biển đảo ở miền Bắc, miền Trung, niềm Nam… và các giá trị của nó trong phát triển”, cũng còn rất nhiều vấn đề, nhiều ý kiến…
Đó là điều đương nhiên, là thuộc tính của khoa học xã hội, của các hoạt động “văn hóa”…. Trước mắt, trong việc đánh giá “mức độ thách thức của khủng hoảng văn hóa” chúng tôi xin phép được chia sẻ vài ý kiến về phương pháp luận.
Tiếp cận hiệu quả trong nghiên cứu là tiếp cận hệ thống. Đối với nghiên cứu các vấn đề liên quan đến văn hóa cũng vậy.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu, đánh giá các vấn đề về xã hội, về văn hóa, nhất là khí phân tích, xác định các giá trị kinh tế, các ý nghĩa và tác động của đại dương, của biển, đảo các chuyên gia có kinh nghiệm thường khuyên chúng ta là “… Phải biết cách “dừng chân trên mặt đất, để giải quyết các vấn đề một cách thức tế, tránh xa được những mục tiêu không tưởng, hoang đường”.
Đó là lời khuyên của Frances Cairncross (Biên tập viên Môi trường, tạp chí The Economist, Mỹ), tác giả của tài liệu lượng giá Trái Đất (2000)[7]: để hiểu được giá trị phát triển của đại dương, biển, đảo, phải dựa vào các quan điểm về kinh tế.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa cho các nhà quản lý và các chính khách, vì họ quen sử dụng các khái niệm kinh tế để phân tích các quyết định về chính sách.
Thứ hai là phát biểu của Tân Tử Lăng (nguyên là cán bộ nghiên cứu và giảng viên quân sự cấp cao, Đại học Quốc phòng Trung Quốc): “bất cứ nhân vật vĩ đại nào cũng bất lực trước các quy luật kinh tế, chỉ có thể thuận theo, không thể chống lại”.
Thứ ba là ý kiến của Pierre Bourdieu (1995) (nhà kinh tế xã hội học người Pháp), trong tổ chức nghiên cứu phát triển, phải coi “văn hóa nhân văn cũng là một loại vốn như 3 loại vốn phổ biến khác trong hoạt động kinh tế (vật thể, con người và tài nguyên)”.
Chính vì thế trong công thức tính toán đánh giá mức độ phát triển bền vững (xanh lam) (và cả giá trị GDP), người ta cần phải đưa vốn xã hội, văn hóa vào trong các mô hình tăng trưởng kinh tế.
Nói điều này, để chúng ta thấy, mặt mạnh về tổ chức, triển khai các hoạt động về văn hóa, có tư cách pháp nhân để tiếp cận đến một nguồn vốn khổng lồ, vô tận. Không bảo dưỡng vốn văn hóa (để di sản suy thoái, làm mất bản sắc văn hóa dân tộc, làm lệch lạc chuẩn mực văn hóa ứng xử, kinh doanh..) sẽ làm mất “hình ảnh”, “thương hiệu” của Việt Nam trong phát triển.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2010) đã đề xuất châm ngôn: “Suy tính lại, thiết kế lại, và xây dựng lại” trong quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế thế giới, đã nhấn mạnh đến vai trò văn hóa, đạo lý trong phát triển. Cần phải cân bằng giữa tất cả các mục tiêu phát triển, vì xét cho cùng thì văn hóa mới là nền tảng vững chắc nhất của sự phát triển. Mọi sự phát triển về vật chất sẽ không còn ý nghĩa khi chúng ta đánh mất những giá trị tinh thần, những giá trị chân-thiện-mỹ.
Chúng ta nên “Văn hóa hóa” trong các hoạt động kinh tế, chứ không nên làm ngược lại, là “kinh tế hóa” các hoạt động văn hóa.
Chúng ta phải có chính sách, giải pháp xây dựng, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia, hình ảnh địa phương Việt Nam với 4 tiêu chí: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, quan tâm đến các vấn đề xã hội và văn hóa… làm cơ sở xây dựng thương hiệu “Việt Nam” trong nước và quốc tế.
Một số thách thức liên quan đến Chính sách, thể chế quản lý
Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế biển Việt Nam hiện nay vẫn còn đang phát triển dưới mức tiềm năng của nó, mà lý do chủ yếu vấn là cơ chế, chính sách chưa đủ thông thoáng để mở cửa vùng biển Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới[8].
Cho đến nay, cơ chế chính sách đối với kinh tế biển nói chung không có gì đặc thù đáng kể do với khung chính sách chung, đều trong khuôn khổ các luật quốc gia như Luật Đầu tư, Thương mại, Hải quan…, tác dụng chung cho cả nước. Kinh tế biển là nền kinh tế đặc thù nên cần có một cơ chế, chính sách đặc thù khác biệt với cơ chế, chính sách chung hiện hành.
Do vậy chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của kinh tế biển phải sâu rộng hơn, phải có sự vượt trội hơn.
Điều này sẽ làm cho kinh tế biển phát triển năng động và hiệu quả hơn. Mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn sẽ đảm bảo khai thác các tài nguyên biển ở Việt Nam hiệu quả hơn.
Các chính sách mang tính địa phương nên lưu ý đến những quy định,chính sách phù hợp cho kinh tế biển phát triển, trong đó cần có chính sách phát triển khoa học, chính sách bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu…
Ngoài ra, đã đến lúc cần phải xem xét, bổ sung và hoàn thiện toàn bộ Luật bảo vệ môi trường, cần hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường và nâng các tiêu chuẩn này lên mức ngang với tiêu chuẩn của các nước công nghiệp mới, để Luật môi trường của ta không những đủ sức răn đe mà cần phải tương hợp với Luật môi trường quốc tế.
Để giải quyết triệt để vấn đề Môi trường thì ngoài luật môi trường cũng cần bổ sung hoàn thiện các Luật khác có liên quan đến môi trường như luật cạnh tranh, luật đầu tư và cả luật hình sự nữa.
Luật hình sự có thể cho phép bất cứ công dân hay hiệp hội, không nhất thiết là người bị hại trực tiếp, khởi kiện các hành vi hủy hoại môi trường.
Cần có giải pháp khả thi để thực hiện Nghị định 99/2010/NDCP của Thủ tướng CP thực hiện chi trả dịch vụ môi trường như: Thủy điện 20 đ/kwh, nước sạch 40 đ/m3, du lịch 1-2%/doanh thu.
“Xanh hóa” đất nước là nhu cầu có tính thời đại. Nhưng đây là nhiệm vụ rộng lớn và hết sức khó khăn, đòi hỏi những giải pháp cải cách căn cơ, đổi mới trong hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện cơ cấu lại toàn bộ các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.
Đây là những thách thức cần phải vượt qua. Ngoài một số những khó khăn, trở ngại do thiếu hiệu quả trong quản lý phát triển kinh tế biển và ven biên như đã nêu trên, có 4 thách thức cơ bản nhất, cần phải tháo gỡ.
Đó là: 1) Về phương pháp luận và nhận thức, cần phải làm rỏ một số vấn đề cơ bản về quan điểm, triết lý phát triển và tổ chức quản lý kinh tế trong thời đại mới. Rất cần có sự “đột phá về lý luận”, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội đồng lý luận trung ương (ngày 19-10-2011): “Phát triển bền vững trong điều kiện thế giới ngày nay, nhất là trước những biến đổi dữ dội của môi trường và áp lực của kinh tế tri thức, nếu không có những đột phá về lý luận thì không thể tạo ra được tiền đề khoa học cho sự phát triển thực tiễn, cho chất lượng và hiệu quả hoạt động “.
Như vậy, công tác lý luận cần được cải tiến hơn nữa: thực hiện dân chủ rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, lý luận, tăng cường đối thoại, không né tránh những vấn đề chưa đạt được sự nhất trí, khuyến khích các tổ chức tư vấn phản biện chính sách, qua đó, thu hút đông đảo trí thức, doanh nhân vào việc nghiên cứu đường lối, chính sách phát triển v.v[9]…;
2) Vấn đề về năng lực thực thi, triển khai của bộ máy quản lý nhà nước cũng phải được rà soát, nâng cao, phải tạo ra được sự thống nhất giữa các bộ, ngành, các cơ quan trong quản trị phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong quá trình “xanh hóa” nền kinh tế;
3) Cần phải tổ chức hiệu quả phép quản trị kỷ cương để hạn chế, ngăn chặn những tác động tiêu cực của “các nhóm lợi ích (lợi ích cá nhân, công ty, tập đoàn, ngành, địa phương…) và tư duy nhiệm kỳ”, trong phát triển bền vững.
Quản trị kỷ cương cần phải được tăng cường và phải có thực lực trong thực tiển, nhằm tạo ra “thế và lực mới” trong quá trình xây dựng một Nhà nước “kiến tạo phát triển” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nhấn mạnh25 và 4)
Thách thức liên quan đế vấn đề thông tin và quản lý, công bố thông tin thiếu khoa học.
Thông tin không chuẩn mực, thiếu chính xác, không có số liệu đáng tin cậy (có thể do kỷ thuật, do phương pháp, do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích….[10] ) thì không thể đưa ra những đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng nên không thể xây dựng được chiến lược phù hợp và đưa ra những quyết sách, giải pháp để giải quyết vấn đề có hiệu quả.
Ngoài ra, thiếu thông tin chuẩn xác, cũng có thể tạo ra những “ngộ nhận” về thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, về giá trị tài nguyên, về vai trò của vùng biển và về khả năng quản trị phát triển kinh tế biển, đảo trong các mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay.
Nghịch lý trong hội nhập và toàn cầu hóa
Chúng ta đang sống trong một thế giới được đánh dấu bởi sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nhu cầu tăng cường sự hợp tác, quá trình toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy quá trình tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng.
Như vậy, về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, khẳng định, “hội nhập” là cách tốt nhất để Việt Nam ta khắc phục sự “tách biệt thế giới”, sự “đơn độc”, vốn là “điểm yếu cốt tử”, ngăn cản sự cường thịnh của các nước ở phương Đông.
Muốn phát triển kinh tế, an ninh ổn định thì phải lưu ý, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập, nghĩa là phải tăng cường sức mạnh ngoại giao, hợp tác, trao đổi.
Hội nhập đã tạo ra nhiều cơ hội không những cho nhân dân chúng ta thừa hưởng những giá trị văn minh của nhân loại, mà còn làm cho cộng đồng dân chúng có thể trực tiếp đóng góp vào nền văn minh chung của nhân loại bằng những giá trị sáng tạo trong các hoạt động kinh tế và đời sống văn hoá, xã hội thường ngày.
Đặc biệt là phải tăng cường khả năng thương mại quốc tế vì đó là đầu tàu của gia tăng năng suất, tiến bộ công nghệ và nâng cao thu nhập. T
ất cả các lĩnh vực kinh tế biển cho đến nay đã phát triển được chủ yếu là nhờ mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài. Cái lợi của hội nhập thì ai cũng thấy: năm 2010 VN đã thu hút hơn 12.213 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đầu tư đăng ký đến 192 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD, góp phần nâng giá trị GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt giá trị 1.168 USD/người[11]. Tất nhiên, hội nhập không chỉ có lợi, nó còn mang theo nhiều hệ luỵ. Những vấn đề này, trong quá trình thực hiện “hội nhập” “toàn cầu hóa” phải được quán triệt đầy đủ.
Phải biết “hòa nhập” những phải giữ “bản sắc” của dân tộc Việt Nam. Phải biết cách gắn “hội nhập” với phát triển kinh tế, với bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và môi trường với an sinh xã hội.
Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, như sáng kiến xây dựng một cơ chế quản lý nghề cá ở cấp khu vực và kiểm soát ô nhiễm biển thực sự hiệu quả, thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển song phương hoặc đa phương như một giải pháp thay thế cho lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hiện nay…
Khi Việt Nam gia nhập quá trình toàn cầu hóa thì đồng thời chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó nổi lên vấn đề môi trường do làn sóng đầu tư đổ vào.
Đây là dịp để các nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới tăng cường “thanh lý” và “chuyển giao” những công nghệ không còn phù hợp với họ sang các nước đang phát triển để có tiền đầu tư công nghệ sạch.
Quá trình này tạo thành một vòng chu chuyển công nghệ lạc hậu: những công nghệ nào không còn đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sẽ được chuyển dần từ những nước có tiêu chuẩn bảo vệ cao nhất đến những nước có tiêu chuẩn thấp hơn.
Các nước đang phát triển khác lại đẩy công nghệ lạc hậu của mình sang các nước kém phát triển hơn. Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt dự án đầu tư thuộc những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất chế biến công nghiệp như luyện sắt thép, sản xuất nhôm, sản xuất giấy, hóa chất, chế biến thực phẩm, v.v…
Đây là những ngành sản xuất không những cần nhiều lao động mà còn tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiều nước và gây tổn hại lớn đến môi trường mà nhiều nước mới công nghiệp hóa không khuyến khích duy trì những lĩnh vực này ở chính quốc.
Việc Việt Nam hy vọng nhiều khi tham gia tổ chức thương mại toàn cầu (WTO), tuy cũng đã nhận thức được, WTO cũng sẽ làm thay đổi một số ngành kinh tế truyền thống quan trọng, sẽ tăng thêm sức ép đến tài nguyên môi trường, nhất là đối với vùng biển và một số lĩnh vực kinh tế biển quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn hơn những gì chúng ta dự đoán, đặc biệt, kinh tế Việt Nam đã có chiều hướng đi xuống và gặp nhiều tổn thương sau 5 năm tham gia WTO (2007-2011)[12].
Đây là bài học nghịch lý, so với những tính toán và hy vọng trước đây, cần phải được phân tích, mổ xẻ để chấn chỉnh và khắc phục, nhất là trong qua trình tổ chức phát triển xanh lam, là nền kinh tế thương mại, mở và có nhiều áp lực do quá trình toàn cầu hóa.
Giải pháp
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên,chúng ta đang đối mặt với một số vấn đề trong tổ chức, triển khai phát triển kinh tề bền vững: chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả sử dụng tài nguyên bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng, các vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc…
Thực tế phát triển kinh tế trong hơn 20 năm qua, bắt buộc chúng ta cần phải nhìn nhận toàn diện lại cách thức, mô hình phát triển kinh tế truyền thống, đồng thời cũng đòi hỏi sự áp dụng một tư duy hoàn toàn mới về cách tiếp cận, nhất là trong phát triển kinh tế xanh lam[13].
Trước hết, là cần phải có quyết tâm chính trị, đổi mới và sáng tạo trong tổ chức khai thác, sử dụng không gian lãnh hải.
Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức không gian lãnh hải cho phát triển xanh phải được tiến hành trên cơ sở khoa học, kinh tế và xã hội, phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam và của biển Đông, trong bối cảnh “nóng bỏng” hiện nay.
Đó là một công việc vô cùng khó khăn, tốn kém thời gian, công sức, tiền của và trí tuệ.
Sự phát triển kinh tế xanh lam ở Biển Đông cần được nhìn nhận là nền kinh tế hiện đại, tiến bộ trong một không gian thống nhất, với 3 vùng đặc trưng vĩ mô: vùng biển khơi với các quần đảo xa: Trường Sa, Hoàng Hoa, vùng thềm lục địa và vùng ven bờ bao gồm những thủy vực biển ven bờ cùng hệ thống đảo và vùng đất ven biển với sự liên kết cung ứng và hậu cần, thị trường đa năng của cả nước. Với mặt tiền hướng ra biển Đông, dài hơn 3444 km, một vùng lãnh hải rộng đến 1,278 triệu km2, với hơn 3 nghìn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa, có hơn 20 kiểu hệ sinh thái biển, đảo nhiệt đới điển hình với những giá trị kinh tế quý giá (bảng 2).
Sách lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng cần phải dựa vào các đặc trưng tư nhiên vốn có của từng vùng lãnh hải do đó phân vùng sinh thái (xác định khoảng không gian tối ưu trong phát triển kinh tế và quốc phòng) là một trong những việc ưu tiên của công tác tổ chức phát triển xanh lam trên biển Đông.
Bảng 2: Lượng giá giá trị kinh tế các hệ sinh thái biển Việt Nam và biển Đông
Các hệsinh thái | Tổng giá trịhàng hóa USD/ha (1) | Tổng giá trịdịch vụ USD/ha (2) | Tổng giá trịUSD/ha(1 + 2) | Tổng diện tíchđiều tra (ha) (3) | Tổng giá trịkinh tế năm
USD/ha.năm (1+2) x (3) |
Rừngngập mặn | 453,95(1584,97)*(28,64 %)** | Chưa xác định | 453,95
(2872,25)* (15,88%)** |
156 608
(1809136)* (8,66%)** |
71092201
(5196296711)* (1,4% )** |
Thảmcỏ biển | 582.36
(712.38 )* (82,0 %)** |
1678,77
469,21* (357%)** |
2261,13
(1181,59) (191%) |
8940(73769)*
(12%)** |
20214502
(87164402)* (23%)** |
Rạnsan hô | Chưa xác định | 964,17
1408,97* (68%) ** |
964,17
1542,56* (63% )** |
110000
750307* (15%)** |
106058248
1157393756* (9,1)** |
Đấtngập nước | 1442,05(167,00)*(863%) ** | 1227,94
(128,15)* (958%) ** |
2670,00
(295,15)* (904%)** |
392416
(4201145)* (9,3%)** |
1047749247
(1239956427)* (84%)** |
Ghi chú: 7 nước xung quanh biển Đông tham gia dự án đánh giá: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Phillipine, Thái Lan và Việt Nam; *: Tổng giá trị kinh tế hàng hóa (1) và dịch vụ (2) của 7 nước tham gia dự án; **: Tỷ số % giá trị kinh tế ven biển Việt Nam so với giá trị trung bình của 7 nước
Ngoài ra, tổ chức và quản trị không gian phát triển còn đòi hỏi phải sử dụng tối đa cách tiếp cận hệ thống, đa ngành, tổng hợp với việc linh hoạt, vận dụng một số phương pháp phân tích có triển vọng trong quản trị, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng, như mô hình DPSIR (động lực, Áp lực, Hiện trạng, Tác động, Đáp ứng), xác định các giải pháp ưu tiên theo nguyên tắc SMART (cụ thể, có thể định lượng, thiết thực, khả thi, thời gian), phân tích thế mạnh, điểm yếu,cơ hội và thử thách theo ma trận SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, đe dọa )….
Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tìm kiếm cơ hội, tài chính, quảng bá sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, điều tra cơ bản các quá trình hải dương học, nguồn lợi tài nguyên, môi trường cũng là giải pháp cần thiết và có nhiều triển vọng.
Nguyên nhân và động lực dẫn đến phải tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển kinh tế biển xanh rất đa dạng, phong phú, vừa có tính toàn cầu, vừa có tính địa phương. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào đặc điểm chính trị, thể chế và điều kiện phát triển của từng quốc gia, từng địa phương.
Chúng ta phải nghiên cứu, phân tích và học tập kinh nghiệm tổ chức quản lý phát triển xanh của các nước.
Nhưng qua thực tế phát triển, Việt Nam rút được kinh nghiệm là “mỗi khi dập khuôn theo mô hình này, hay mô hình khác đều thất bại”[14].
Không thể có một mô hình quản lý phát triển kinh tế xã hội tổng quát, có thể áp dụng chung cho mọi nơi, cho mọi nền kinh tế biển. Qua nghiên cứu cũng thấy rất khó khăn khi áp dụng những kinh nghiệm và bài học quản lý phát triển xanh của các quốc gia khác vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Đặc biệt là giữa các quốc gia, các vùng có thể chế chính trị, có trình độ phát triển kinh tế, dân trí, văn hóa, thói quen, phong tục và có điều kiện địa lý, sinh thái khác nhau. Việt Nam chủ trương mở cửa, coi trọng hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện.
Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong, kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập. Trong hợp tác để phát triển, Việt Nam quán triệt phương châm:
– Đối với vùng biển còn tranh chấp thì cương quyết khẳng định chủ quyền, đồng thời chủ động tìm phương án hợp tác cùng thăm dò, quản lý khai thác, cùng đầu tư phát triển;
– Tăng cường mở rộng hợp tác với nước ngoài để tạo nguồn lực mạnh. Tập trung hợp tác mạnh trong các ngành như: khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ, phát triển cảng biển, vận tải biển, du lịch biển đảo…
Tuy nhiên trong việc hợp tác từng khu vực phải đan xen nhiều nước, đem lại lợi ích chung, cương quyết chống độc quyền thăm dò, khai thác của một đối tác nước ngoài. Đặc biệt hợp tác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cùng với các tổ chức quốc tế.
Kết luận
Việt Nam đang nỗ lực, sử dụng các giá trị tiềm năng ở Biển Đông, nhất là hệ sinh thái nhiệt đới, trí tuệ con người để sinh thái hóa nền kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng, để tổ chức phát triển và bảo vệ đất nước theo hướng xanh hóa: phồn vinh, hạnh phúc và hữu nghị.
Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị không chỉ đối với Việt Nam, với các nước xung quanh, mà còn quan trọng với cả các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương, cũng như trên thế giới.
Cần có sự hợp tác, chia sẽ và thân thiện trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh chủ quyền của các quốc gia.
PGS. Nguyễn Tác An/Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam
[1].Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Lòng tin có thể ngăn ngừa nguy cơ xung đột . Tuổi trẻ,1.6.2013
[2] Nguyễn Trung, 2012. Sự lựa chọn nào dành cho Việt Nam đây.
[3] Lê Hồng Hiệp,2010.Việt Nam và Lời nguyền địa lý
[4] Nguyễn Ngọc Trường, 2011. Cuộc cờ Biển Đông dưới cái nhìn địa – chiến lược.
[5] Trần Hữu Dũng, 2012. Văn hóa và tăng trưởng.
[6] Ngọc Sang, 2011. Mỗi km2 tạo ra gần 27 triệu USD. Website VEF.VN, 25/4/2011
[7]Frances Cairncross, 2000. Lượng giá trái đất.Bộ KH,CN và MT,473 tr
[8] Võ Đại Lược, 2008.
[9] Vũ Quốc Tuấn,2011. Cơ cấu lại nền kinh tế: nhận diện những thách thức
[10]Nguyễn Văn Hiến: Tin con số nào ? Tuổi trẻ,31/5/2013
[11] Hồ Văn, 2011
[12] Viện Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) thuộc Bộ KH&ĐT
[13] Diễn đàn Kinh tế biển,Nha Trang tháng 6-2011.
[14] Hữu Thọ, 2006