ThienNhien.Net – Chừng 20 lâm tặc cùng nhiều ống tuýp, mã tấu đến để uy hiếp, bố ráp đoàn, một tên xông vào cướp máy ảnh của P.V…
Bãi tập kết gỗ Pô Cô
Sáng ngày 06/6, nhóm phóng viên có mặt tại hồ thủy điện Sê San 3A thuộc huyện Sa Thầy (Kon Tum) và bến làng Tung, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, chứng kiến gỗ nằm la liệt cả trên bờ sông Pô Cô lẫn dưới nước. Theo quan sát có hàng chục phách gỗ được xẻ vuông vức dài từ 2,5 – 4 m, đường kính mặt nhỏ thì khoảng chừng gần hai gang tay người lớn, to thì đến cả ba, bốn gang tay.
Theo phản ánh của người dân địa phương, điểm tập kết này đã hoạt động chừng một năm nay. Trước đây, bãi này thuộc một người tên Đ. Sau đó, ông Đ. bỏ thì có hai người nhảy vào “xí phần” và hoạt động cho đến nay.
Theo điều tra, bến làng Tung hoạt động mạnh trong vòng 4 tháng qua, ngày trời khô ráo thì khoảng 6 xe, mỗi xe chở từ 20 – 30 hộp gỗ xẻ tùy loại lớn hay nhỏ, ngày trời mưa thì chở chừng 3 – 4 xe.
Tại điểm tập kết gỗ, để xe chở gỗ được dễ dàng, nhóm lâm tặc này thuê dài hạn 2 chiếc xe gạt và xe lu để mở đường đến tận bến sông. Tại bến, chúng có một đội quân cửu vạn trên mình đầy hình xăm đã đóng trại để bốc vác gỗ khi xe vào ăn hàng. Không chỉ thế, để đưa được gỗ lên xe, chúng còn dùng chiếc xe reo độ cẩu gỗ lên xe vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Một người dân địa phương cho biết các đầu nậu đã “bao” hết rồi nên mới chở gỗ đi được dễ dàng. Còn tôi đi lấy gỗ làm nhà, chở 30 cây nhỏ thôi thì đã bị tịch thu 20 cây.
Làm việc với cơ quan chức năng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai Nguyễn Văn Cang quả quyết, tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tương đối ổn, không có các vụ lớn xảy ra, từ đầu năm đến giờ chỉ bắt được vài vụ lẻ tẻ không đáng kể.
Ông Cang dẫn chứng, từ ngày 20/4 – 20/5, liên ngành phát hiện 4 vụ, tạm giữ hơn 6m3 gỗ nhóm III-V. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính 4 vụ, tịch thu 10,5m3 gỗ, 2 xe Toyota…
Ông Nguyễn Trường Hải – Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai – cũng khẳng định, tình hình quản lý bảo vệ rừng tương đối tốt, chỉ có vài vụ phá rừng làm nương rẫy nhưng đã được phát hiện và xử lý. Khi bị chất vấn về tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn xã Ia Khai thuộc địa phận quản lý của đơn vị thì ông này khẳng định “không hề có chuyện đó”.
Mặc dù đề nghị với Chủ tịch UBND huyện Ia Grai và yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ đến hiện trường, nhưng khi đoàn công tác đến nơi bãi tập kết gỗ cũng bốc hơi, không còn dấu vết.
Một phóng viên đã trực tiếp cởi áo quần lặn xuống sông để kiểm tra và phát hiện hàng chục lóng gỗ đã được giấu sâu dưới mặt nước. Đúng lúc đó, gần 20 lâm tặc kéo đến đòi xử phóng viên: “Nhà báo mà ngon à? Tao chặt đầu thằng chụp hình, giết thằng lặn tìm gỗ”.
Người này ôm một đống ống tuýp sắt cùng mã tấu trên xe quẳng loảng xoảng xuống đất. Một người khác nhào đến giựt máy chụp hình của chúng tôi. Khi chúng tôi cố leo lên xe, một người trong nhóm này còn cố leo lên theo để giành máy ảnh trước sự chứng kiến của 4 kiểm lâm viên gần đó.
Sáng 07/6, đoàn liên ngành tiếp tục làm việc để trục vớt số gỗ tang vật nói trên lên bờ. Khi đến nơi, gỗ đã được lực lượng kiểm lâm vớt lên, chỉ còn được 8 khúc gỗ lớn, quá ít so với số lượng gỗ mà chúng tôi ghi nhận được chiều tối 06/6.
Phóng viên một lần nữa “lột đồ” lao xuống nước và phát hiện hàng loạt phách gỗ vẫn còn nằm y nguyên dưới lòng hồ. Lúc này, ông Cang cho biết kiểm lâm không biết bơi, lặn.
Kinh tế phá rừng
Trong bản nghiên cứu của Dự án phát triển cao su ở Việt Nam, những chỉ số đối với Tăng cường Luật pháp, Quản lý và Thương mại lâm sản (FLEGT) và Giảm phát thải nhà kính do phá rừng, suy thoái rừng và tăng cường trữ lượng các-bon ở các nước đang phát triển (REDD+) do nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức quốc tế Forest Trends thực hiện đã chỉ rõ.
Việt Nam hiện nay đang tham gia vào cả hai diễn đàn REDD+ và FLEGT. Đây là hai diễn đàn đặc biệt coi sự cần thiết phải ngăn chặn nạn chặt cây lấy gỗ trái phép và cải thiện quản lý rừng là những biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của nạn phá rừng và cạn kiệt rừng ở cả cấp độ quốc gia và trên bình diện quốc tế.
Như đã chỉ rõ trong một văn bản của nhà nước (R-PP, 2011), việc chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, đặc biệt là cây lâu năm, là một trong những tác nhân chính dẫn đến nạn phá rừng ở Việt Nam . Cũng theo một số liệu khác của Chính phủ, diện tích trồng cây lâu năm tăng từ 1,45 triệu ha trong năm 2000 lên 1,97 triệu ha vào cuối năm 2010 (MARD, 2009).
Cao su là một trong những loại cây trồng chính gây ra sự suy giảm của diện tích rừng ở Việt Nam (R-PP, 2011) với diện tích tăng nhanh chóng từ 412.000ha lên 648.000ha trong giai đoạn 2000 – 2010. Theo quy hoạch của Chính phủ, diện tích này sẽ tăng thành 800.000ha vào năm 2015 và đạt 900,000ha vào năm 2020. Khu vực trọng điểm của kế hoạch này sẽ là Tây Nguyên và Vùng kinh tế Đông Nam bộ.
Sự mở rộng nhanh chóng của diện tích cao su được cho là động lực kinh tế mạnh, đem lại nguồn ngoại tệ quan trọng (chủ yếu từ việc xuất khẩu mủ cao su). Năm 2007, tổng trị giá xuất khẩu mủ cao su đem lại 1,3 tỷ USD, hơn 8 lần tổng thu nhập từ xuất khẩu cao su trong năm 2000 (166 triệu USD). Mủ cao su là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao trong 10 mặt hàng xuất khầu hàng đầu của Việt Nam. Chính phủ đặt ra mục tiêu giá trị xuất khẩu cao su sẽ đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2015 và 2 tỷ USD vào năm 2020 (MARD, 2009).
Việc chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cao su gắn liền với khai thác gỗ. Đã có bằng chứng được ghi nhận hiện tượng lấy lý do trồng cao su để khai thác gỗ.
Theo GS. Nguyễn Ngọc Lung, phá rừng, khai hoang lấy đất có thể là không hợp pháp nhưng họ sẽ tìm mọi cách để hợp pháp nó. Chỉ cần theo dõi thông tin là biết, cứ mỗi lần mưa lũ là hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, mùa màng bị phá hủy, hàng vạn m3 gỗ mênh mông trôi ở các cửa sông. Nhìn vào đó là biết ngay, lâm tặc vẫn hoành hành.
Đó là điều bất cập. Bất cập ở chỗ càng biết luật lại càng làm trái luật. Đến cả không ít người thực thi lâm luật lại có lúc, có nơi cộng tác với lâm tặc hoặc bảo vệ nhóm lợi ích cao hơn. Tức là, lẽ ra họ phải chống thì họ lại làm, mà không chỉ riêng gì trong kiểm lâm mà bất cứ ngành nào cũng có.
Lợi ích đó chỉ có những người có chức có quyền mới làm được. Người ta gọi là tham nhũng.
Việc giữ rừng chỉ với một lực lượng chuyên trách thì không thể làm được. Nếu nhìn ra các nước, với Campuchia, Lào cũng vậy cũng giống như nước ta, nạn tham nhũng hoành hành làm nghèo đi đất nước.
Một thực tế là cứ chống cái gì thì cái đó lại phát triển mạnh, chống buôn lậu thì buôn lậu nhiều hơn, chống tham nhũng thì tham nhũng lớn hơn. Tốt nhất là không nên chống nữa. Chính vì vậy, phải cải cách đồng bộ toàn hệ thống hành chính.
GS. Nguyễn Ngọc Lung cũng cho rằng, để khắc chế được điều này chỉ có cách cắt quyền của nhóm lợi ích.
Theo số liệu từ Luận án “Hiện trạng suy giảm tài nguyên rừng Việt Nam” tại trang luanvan.co, năm 1993, tổng số gỗ trong các khu rừng Việt là 1.025 triệu m3 (khoảng 76m3/mẫu – hecta trên 14 triệu mẫu diện tích). Vài nghiên cứu khác chỉ ghi nhận đến 728 triệu m3.Giai đoạn 1993 – 2009, cả nước mất khoảng 7.650 mẫu mỗi năm hay 122.400 mẫu trong 16 năm tương đương với 9,3 triệu m3 gỗ. Nếu tính giá bèo là 15.000 USD mỗi m3 gỗ bán ra, các lâm tặc và đồng lõa đã bỏ túi 139 tỷ USD. Đây là một mất mát lớn gấp 30 lần Vinashin, bằng 115% GDP của Việt Nam trong 2012 và gấp 3 lần số nợ xấu của các ngân hàng theo báo cáo hiện nay. Số tiền này có thể xây 7 triệu nhà xã hội (20.000 USD mỗi căn) để tặng không cho các hộ nghèo; hay trả tiền ăn học cho 25 triệu trẻ em miền sâu miền xa trong 12 năm học (trung bình 500 USD/năm/em). |