ThienNhien.Net – Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm trong thập kỷ tới.
Dự báo của OECD và FAO được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2022, dựa trên thực tế là quỹ đất nông nghiệp đang thu hẹp dần trong khi chi phí sản xuất cùng với sức ép lên tài nguyên và môi trường đang ngày một gia tăng.
Theo dự báo, sản lượng nông nghiệp toàn cầu có thể tăng trung bình 1,5%/năm trong vòng 10 năm tới, tức là thấp hơn 0,6% so với mức tăng trung bình giai đoạn 2003 – 2012.
Trong bối cảnh mức tăng trưởng sản xuất chậm lại mà nhu cầu vẫn tăng cao, OECD-FAO cảnh báo nguy cơ giá lương thực – thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, không coi vấn đề giá cả leo thang đơn thuần chỉ là thách thức, Tổng Giám đốc FAO, ông José Graziano da Silva, cho rằng đây còn là một động lực, một cơ hội thúc đẩy sản lượng nông nghiệp.
Ngày nay, nông nghiệp đã chuyển sang khu vực hoạt động dựa trên thị trường, thay vì được điều tiết bởi các công cụ chính sách như trước đây. Với nhu cầu cao, tiềm năng mở rộng sản xuất và lợi thế so sánh, các nước đang phát triển được nhìn nhận là những điểm đến cho đầu tư phát triển nông nghiệp bấp chấp tình trạng thiếu hụt sản lượng, biến động giá cả và sự đổ vỡ của hệ thống thương mại.
Cũng theo Báo cáo trên, mức tăng trưởng sản lượng thịt của các nước đang phát triển trong 10 năm tới được kỳ vọng sẽ chiếm 80% mức tăng trưởng chung toàn cầu và hoạt động thương mại của các nước này cũng sẽ có bước tiến đáng kể so với thế giới, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu ngũ cốc thô, gạo, hạt có dầu, dầu thực vật, đường, thịt bò, gia cầm và cá.
Để đạt được lợi ích kinh tế bền vững từ sản xuất nông nghiệp, Báo cáo khuyến nghị chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện năng suất và nâng cao tính hội nhập trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, các chính sách nông nghiệp hiệu quả cũng được khuyến khích thực hiện nhằm hạn chế biến động của thị trường hàng hóa, đồng thời đảm bảo tài nguyên đất và nước được sử dụng bền vững, trong khi vẫn giảm được chất thải và tình trạng thất thoát lương thực – thực phẩm.