ThienNhien.Net – Không đơn thuần chỉ là một gợi ý, chúng ta hoàn toàn có thể coi việc săn tìm cá quý bố mẹ để nghiên cứu quy trình thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo là việc làm cần thiết để gìn giữ bảo tồn các nguồn gien cá quý nước ngọt khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Dày công bảo tồn gien cá quý
Kể từ năm 2001, trại Thực nghiệm Thủy sản trường ĐH Nông Lâm TP.HCM bắt tay nghiên cứu quy trình sản xuất nhân tạo các loài cá lăng đặc sản sông Mê Kông như cá lăng nha, cá lăng vàng, cá lăng hầm. Sau 5 năm miệt mài, nghiên cứu thành công, quy trình hoàn chỉnh đã được chuyển giao cho bà con nông dân và các cơ sở kinh doanh giống có nhu cầu. Nhờ vậy, nghề nuôi cá lăng đã nhanh chóng phổ biến từ đồng bằng lên Tây Nguyên, giá thành hạ, thuận lợi cho tiêu dùng.
Năm 2009, Ts. Phạm Văn Khánh, chủ nhiệm dự án thuần dưỡng, tái tạo và phát triển cá hô, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chính thức công bố công trình nghiên cứu nhân giống cá hô kéo dài suốt 7 năm đã thành công rực rỡ. Đây quả là tin vui, bởi cá hô là loài cá quý hiếm đặc hữu của hệ sông Mê Kông, trọng lượng có thể đạt tới 2 tạ mỗi con, trước đó gần như biến mất trong tự nhiên, kể cả trên sông Vàm Nao từng là địa bàn cư trú yêu thích của giống cá nước ngọt khổng lồ này.
Trong môi trường tự nhiên, cá hô chỉ sinh sản từ tháng 7-8 hàng năm. Còn trong môi trường nhân tạo, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã chủ động kéo dài được mùa sinh sản của cá từ tháng 3 đến tháng 10, lại còn có thể chủ động cho cá đẻ nhiều lần trong năm. Trung tâm cũng đã tổ chức sản xuất, cung ứng giống cá hô, chuyển giao kỹ thuật để người dân nuôi đại trà.
Với quy trình này, cá hô 3 năm tuổi đạt trọng lượng trung bình 6 kg/con nên … đại hạ giá, ai cũng có thể thưởng thức. Giá cá giống dăm bảy nghìn mỗi con, giá cá thịt trên dưới trăm nghìn đồng mỗi ký, rẻ gấp nhiều lần so với giá cá hô tự nhiên trước kia thi thoảng mới đánh bắt được trong tự nhiên. Việc cứu hộ thành công ngoài lợi ích khiến cá hô tránh nguy cơ tuyệt chủng, còn giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long đa dạng cơ cấu nuôi trồng để tăng thu nhập, ổn định kinh tế theo chủ trương “chung sống với lũ”.
Trong số các công trình nghiên cứu nhân giống cá quý nước ngọt, dường như chưa có công trình nào nhanh chóng thông suốt như đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chạch sông” của trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ). Sau khi nghe tin cá Anh vũ đã được Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc tiến hành sinh sản nhân tạo thành công, đầu năm 2012, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Văn, Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương, Chủ nhiệm đề tài đã đưa loài cá chạch sông sống trên hệ thống sông Hồng và sông Lô vào đích ngắm.
Cá chạch phẩm chất thịt giòn ngon, giá thị trường dao động quanh mức 300-400 nghìn đồng/ ký nhưng không phải lúc nào cần cũng có, bởi tốc độ khai thác vượt quá khả năng sinh sôi trong tự nhiên. Từ đầu năm 2012, những người thực hiện đề tài bắt đầu thu mua cá chạch thiên nhiên, nuôi vỗ, sử dụng kích dục tố kích thích sinh sản và kỹ thuật thụ tinh, ấp trứng nhân tạo.
Đề tài triển khai thuận lợi đến mức chỉ tới cuối năm 2012, 3.000 con cá chạch ươm nở nhân tạo đã được thả về với môi trường tự nhiên tại bến sông Bứa, huyện Thanh Sơn. Sau đó, trường tiếp tục nhân nuôi, hoàn thiện quy trình nhân nuôi cá Chạch sông thương phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cơ sở sản xuất và nông dân, phát triển nuôi cá Chạch sông đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và giảm áp lực khai thác cá Chạch sông ngoài tự nhiên.
Trên hàng chục mặt hồ thủy điện lớn từ Bắc vào Nam, mấy năm gần đây xuất hiện nhiều bè nuôi loài cá quý nước ngọt mới du nhập vào Việt Nam là cá tầm, một trong những loài cá quý châu Âu và Bắc Á từng có tên trong sách Đỏ. Kinh nghiệm và quy trình thuần dưỡng, nhân giống mà tập đoàn Cá tầm Việt Nam đúc kết được cũng là những bài học đáng tham khảo cho những người nuôi ý định thuần dưỡng các loài cá quý khác.
Ông Trần Bình Trọng, cố vấn của Chủ tịch tập đoàn cá tầm VN cho biết : Ở những nước có cá tầm tự nhiên phân bố như Nga, Mỹ, Iran, Trung Quốc, công nghệ sản xuất cá giống dựa vào nguồn cá bố mẹ tự nhiên đánh bắt được trên đường di cư đi đẻ, sau đó tiến hành thụ tinh và ương ấp trong điều kiện nhân tạo. Tuy nhiên cách làm này hiệu quả không cao, kém cả số lượng và chất lượng con giống.
Tại hồ Tuyền Lâm thành phố Đà Lạt, các cặp cá tầm tuyển từ nhiều lồng bè nuôi cá tầm trên các hồ thủy điện ở nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên được đưa về nuôi dưỡng tại khu vực dành riêng để cá bố mẹ ngủ đông, đến khi thành thục hẳn mới tiến hành tiêm kích thích tố, thụ tinh, ươm trứng, cho đẻ tạo ra mặt hàng trứng cá caviar hoặc sản xuất cá giống. Việc khó nhất là xác định đúng thời điểm tiêm kích thích tố và thời điểm rụng trứng để tiến hành thụ tinh nhân tạo, rồi rạch một đường nhỏ ở bụng để lấy trứng rồi khâu lại, mà vẫn đảm bảo cá sống khỏe mạnh, cho trứng tiếp vào năm sau.
Tại Hội thảo nuôi cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp, do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức giữa năm 2012 , nhiều đại biểu chú ý đến báo cáo ấn tượng của cựu binh Phạm Quang Tuyến, người đem nghề nuôi trồng thủy sản từ Hải Phòng vào gây dựng sự nghiệp thành công ở khu vực cồn Ông, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò. Sau nhiều lần thử nghiệm trầy trật, ông đã nhân giống thành công cá lóc và cá thác lác, nuôi và xuất bán mỗi năm tới 500 tấn cá, trừ chi phí mỗi tấn lãi từ 13-15 triệu đồng.
Lợi nhuận ông gom góp để xây nhà máy chế biến cá khô ở KCN Sa Đéc với hai mặt hàng chủ lực là khô cá lóc công suất 8 tấn nguyên liệu/ngày và chả cá thác lác công suất 6 tấn/ngày. Khi khánh thành nhà máy sơ chế diện tích 500m2 tại trang trại với nguồn vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, ông còn giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động chuyên thu mua cá tại chỗ, sơ chế rồi chuyển xuống nhà máy chế biến ở KCN Sa Đéc. Nếu nền kinh tế thị trường ở ta ổn định, lành mạnh, thì người nông dân xuất sắc này đã hoàn toàn có thể yên tâm làm giàu với nghề chăn nuôi, chế biến cá nước ngọt.
Vẫn gian nan chuyện đầu tư
Khó khăn hơn nhiều so với việc nhân giống cá hô trong Nam là chuyện nhân giống cá Anh vũ ngoài Bắc. Năm 2011, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (TP Hải Dương) đã nuôi vỗ được 150 con cá Anh vũ bố mẹ, cho sinh sản được hàng vạn cá giống, sẵn sàng cung cấp cho người có nhu cầu.
Cá Anh vũ, còn được biết đến với tên gọi cá Tiến Vua, là giống cá cực kỳ quý hiếm nằm trong danh mục bảo tồn nguồn gien của Bộ NN&PTNT. Để mua được con giống, cán bộ Trung tâm phải lặn lội nhiều ngày tháng trên vùng núi Bạch Hạc – Việt Trì vào tiết đông rét cóng, mỗi chuyến đi chỉ mua được vài con. Mua được cá đã khó, nhưng việc thuần dưỡng được loài cá quý thích ăn rêu đá, quen sống ở vùng nước giá lạnh mới bội phần gian nan.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tỉ lệ nở thành công của cá Anh vũ chỉ đạt trên 50%, rồi phần vì cá Anh vũ thuộc loại khó sống trong môi trường nhân tạo, phần chi phí đầu vào lớn mà tốc độ tăng trọng lại cực chậm, nuôi 3 năm chỉ nặng cỡ … 1 ký khiến nghề nuôi cá anh vũ đến nay vẫn chưa nhân rộng, giá thương phẩm của cá Anh Vũ hiện vẫn gần 1 triệu đồng mỗi ký, cho thấy sản lượng còn ít ỏi, và cung chưa đáp ứng nổi cầu.
Dù vậy, việc nhân giống thành công cá Anh Vũ vốn chỉ sống trên lưu vực một số sông lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng tạo xung động tích cực đối với giới nghiên cứu thủy sản phía Nam. Cũng có cái mõm loe chuyên ăn rêu đá như cá Anh Vũ, chất lượng thịt thơm ngon tương đương nhưng kích thước lớn hơn nhiều, là cá Mõm trâu ở các dòng nhánh cuối nguồn Mê Kông.
Những con cá Mõm trâu đánh lưới từ sông Srêpôk nặng từ 5-7 kg, giá trên dưới 500.000đ/ kg đang ngày càng trở nên quý hiếm. Chị Sen bếp trưởng nhà khách tỉnh Đắk Lắk có lần đặt mua được đôi cá Mõm trâu tuyệt đẹp, lập tức mua luôn một cặp vé máy bay khứ hồi và … đóng thùng đôi cá quý, cho lên máy bay ra “tiến vua” nào đó ở Thủ đô!
Tiến sĩ Phan Đình Phúc, giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung cho biết: Trung tâm đang thực hiện đề tài khai thác nguồn gen cấp nhà nước về cá Ngựa xám (thuộc họ cá chép) trong 4 năm từ 2012-2016, hiện đã lưu giữ được một số cá thể khai thác từ sông Srêpôk.
Loài cá Ngựa xám này cũng sống ở vùng thác đá nhiều rêu như cá Mõm trâu, đánh bắt bằng lưới bị sây sát nên dễ chết khi lưu giữ. Sắp tới Trung tâm sẽ dự thầu đề tài nghiên cứu tập tính sinh học và sinh sản của cá Mõm trâu do Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Việc nghiên cứu loài cá này vấp trở ngại đầu tiên là về nguồn cá bố mẹ, vì sông Srêpok chỉ có cá Mõm trâu lớn từ 5-6 ký trở lên, rất hiếm khi mua được cá sống. Nếu mua được mà để cá chết, là mất ngay mấy triệu mỗi con…
Một bất cập khó gỡ, là các chương trình khai thác nguồn gien luôn phụ thuộc đối tượng có giá trị kinh tế và có tính khả thi cao, với sản phẩm cuối cùng phải là con giống. Với cách nhìn đó, Nhà nước hầu như ít hỗ trợ cho những nghiên cứu cơ bản, làm tiền đề cho các bước tiếp theo. Vì thế, những hiểu biết về đặc điểm sinh học của hầu hết các loài cá quý hiếm hầu như vẫn còn rất ít ỏi (kể cả tài liệu nước ngoài), ngoại trừ những đặc điểm phân loại tập hợp từ những nghiên cứu trước thập niên 80 của thế kỷ trước. Do vậy mà khi thực hiện các chương trình khai thác nguồn gen, cần có thời gian dài vừa để nghiên cứu bổ sung các đặc điểm sinh học, tạo đàn bố mẹ vừa sản xuất giống cho mục đích sản xuất và tái tạo nguồn lợi.
***
Vào những ngày cuối tháng 5/2013, những người quan tâm đến con cá trê vàng nhận được tin vui: cô trò trường Đại học An Giang vừa kết thúc thành công đề tài nhân giống cá trê vàng sau gần 1 năm nghiên cứu.
Còn ở Tây Nguyên, Ths. Nguyễn Văn Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk cho biết: Chi cục đang phối hợp với Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Miền Trung đấu thầu thực hiện đề tài nghiên cứu đặc tính sinh học và ứng dụng thử nghiệm sản xuất giống cá Mõm trâu do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đấu thầu trong năm 2013. Do còn chờ kinh phí, nếu không có gì thay đổi thì sang năm 2014 đề tài sẽ được triển khai.