ThienNhien.Net – Dưới chân Nhà máy Thủy điện Plei Krông nằm trên dòng sông Pô Kô, hàng ngày hàng trăm người “đánh đu” tính mạng của mình để tìm vàng. Lợi dụng những lúc Nhà máy thủy điện đóng cửa, những chàng trai mười tám, đôi mươi vạm vỡ đến những cụ già, em nhỏ gầy nhom cùng nhau tham gia vào việc đãi vàng.
Công việc đãi vàng trên dòng sông này như mò kim đáy bể, ngày trúng thì cũng được 200.000 đến 300.000 đồng nhưng cũng có ngày phải về không. Bà Y Lim (69 tuổi), một người dân thôn 4, xã Kroong, TP. Kon Tum cho biết: “Già đã đi đãi vàng ở rất nhiều nơi, từ xã này qua xã khác, từ huyện này qua huyện khác, mấy chục năm rồi nhưng vàng ở chỗ này ít lắm. Mỗi ngày, già chỉ kiếm được vài ba ly” (mỗi ly bà bán được khoảng 28.000 đồng).
Nhiều người tham gia đãi vàng cho biết, mặc dù biết đãi vàng tại khu vực này là phạm pháp nhưng chỉ vì miếng cơm manh áo, đất canh tác ít, lại hay bị ngập lụt, nên ngoài công việc đãi vàng thì họ cũng chưa biết làm gì để có kế sinh nhai.
Vào dịp cuối tuần, nhiều học sinh được nghỉ học cũng đã theo chân phụ giúp cha mẹ nên lượng người đến sông Pô Kô đãi vàng rất đông. Bé A Thái học sinh lớp 6 một ngôi trường trong xã cho chúng tôi biết: “Các ngày bình thường cháu đi học, còn ngày nghỉ theo cha mẹ ra đãi vàng. Mệt nhưng vui lắm chú à…”.
Được biết, đây là nơi có nhiều chỗ nước sâu, chỉ cần sơ sẩy là có thể mất mạng. Trong dòng nước chảy xiết, lạnh buốt, sinh mạng của những người dân tham gia đãi vàng, đặc biệt là các em nhỏ, các cụ, luôn trong tình trạng bị đe dọa. Sau một vài tiếng lăn lội tìm vàng, có những đứa trẻ dường như không chịu được cái lạnh giá của dòng nước sâu nên chúng vội lên bờ… Một vài đứa đi xung quanh tìm những cành củi khô để nhóm lửa sưởi ấm. Nhìn những mảnh đời bươn chải, ngụp lặn trong dòng nước sâu lạnh buốt trông thật tội nghiệp, nhưng vì miếng cơm manh áo – vì củ sắn củ mì nên họ mới phải khổ cực như vậy.
Anh A Dinh (42 tuổi) tâm sự: “Tôi biết lặn, lại có sức khỏe nên tôi nằm trong nhóm lặn ở chỗ nước sâu tìm vàng, nguy hiểm lắm anh à… Ngày được thì còn đỡ, ngày không được gì cứ nghĩ đến 9 đứa con đang nheo nhóc ở nhà chờ cha đưa tiền về lại buồn và thương cho lũ trẻ”.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Kroong, cho biết: Mặc dù chính quyền cùng với công an xã đã dùng mọi cách như: tuyên truyền đến từng thôn xóm, hay ra thông báo cấm bà con khai thác vàng, thậm chí là cưỡng chế… nhưng vì không có việc làm, đất canh tác quá ít nên bà con lại tiếp tục khai thác vàng tràn lan”.
Nạn đào đãi vàng không những làm biến dạng dòng sông, gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa đến sinh mạng của con người. Thiết nghĩ, cùng với các biện pháp tuyên truyền, vận động, cưỡng chế, chính quyền địa phương cần hướng tới những giải pháp như: tìm quỹ đất, tạo công ăn việc làm cho dân, bởi suy cho cùng, họ bất chấp nguy hiểm cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo.