Thanh niên trồng rừng ngập mặn bảo vệ đầm phá Tam Giang

ThienNhien.Net – Đây là hoạt động nhằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Môi trường thế giới (5/6) tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chiều 4/6, Đoàn thanh niên Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trồng rừng ngập mặn ven Phá Tam Giang nằm trong khu vực xã Hương Phong, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế).

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Môi trường thế giới (5/6) tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời bổ sung diện tích rừng ngập mặn tại phá Tam Giang, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cũng như tạo sinh kế cho người dân.

Đầm phá Tam Giang là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, chỉ ngăn cách với biển bởi một dải cát hẹp, thông thương qua hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Đầm phá bao đời nay có rất nhiều động vật thủy sinh, nhiều nhất ở các cửa biển Thuận An, cửa sông Ô Lâu, sông Bồ, đầm Thủy Tú, Cầu Hai. Do đó nó có khả năng tự làm sạch môi trường nước và luôn được sóng gió biển Đông ùa vào bên trong, trở thành một “buồng phổi” lớn để điều hòa môi trường sinh thái cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Nguyễn Phước Thuận, Bí thư Đoàn thanh niên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, theo quy hoạch, huyện Hương Trà phải mở rộng 300 ha rừng ngập mặn, trong đó khu vực Cồn Tè, xã Hương Phong sẽ mở rộng 30 ha. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, huyện mới trồng được 1,3 ha rừng ngập mặn.

Ông Thuận cho biết thêm, trước kia, chính quyền và người dân địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc nuôi trồng thủy sản, cho nên nhiều nhóm rừng bị phá để sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, việc nuôi trồng thủy sản không đạt hiệu quả, lúc này người dân mới thấy được vai trò lớn của rừng ngập mặn trong việc trong việc chắn sóng, chắn gió, bảo vệ sinh thái.

Do đó, việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc khôi phục lại rừng ngập mặn thuộc xã Hương Phong, huyện Hương Trà là việc cấp thiết, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho người dân nơi đây.

Phát biểu tại lễ trồng cây, ông Cao Minh Tuấn, Bí thư đoàn thanh niên Tổng cục Môi trường kêu gọi đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện bằng những hành động cụ thể, thiết thực của mình, để góp phần cùng với nhân loại phòng ngừa hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu; tổ chức những hoạt động có ý nghĩa như trồng, bảo vệ và chăm sóc cây xanh, khai thác hợp lý tài nguyên tại các vùng biển, đầm phá… chung tay bảo vệ môi trường với phát triển bền vững, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, để nâng cao chất lượng, cảnh quan môi trường khu dân cư ngày càng “Xanh – Sạch – Đẹp”.

Một số hình ảnh tại lễ trồng cây:

050613_PSA_trongcay1
Cây đước được trồng ven phá Tam Giang – khu vực xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
050613_PSA_trongcay2
Đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh xung quanh phá Tam Giang
050613_PSA_trongcay3
Túi ni lông là loại rác thải được xả ra môi trường nhiều nhất
050613_PSA_trongcay4
Trồng cây đước ven phá Tam Giang
050613_PSA_trongcay5
Khôi phục rừng ngập mặn tại huyện Hương Trà nhằm bảo tồn đa dạng sinh học
050613_PSA_trongcay6
Cây đước có đặc thù sống trong môi trường ngập nước
050613_PSA_trongcay8
Đất thích hợp cho trồng rừng đước là đất phù sa ngập mặn, hoặc đất phù sa ngập mặn phèn tiềm tàng, dạng trầm tích giàu bùn, cát phấn và sét
050613_PSA_trongcay9
Cây đước con sau khi được trồng xuống đất, được cố định lại, tạo đà cho cây trụ vững trên nền đất bùn nhão

050613_PSA_trongcay7