ThienNhien.Net – Để tăng sản lượng điện, nâng doanh thu mỗi năm thêm hàng chục tỷ đồng, chủ dự án Thủy điện Sông Côn 2 đã “lẳng lặng” thiết kế, lắp đặt, vận hành hệ thống van lật tại cửa tràn xả lũ. Chỉ khi hàng trăm ha đất sản xuất của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại ba xã Sông Côn, Zơ Ngây và A Ting bị ngập úng, người dân gửi đơn khiếu kiện lên UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam), thì mọi chuyện mới lộ ra…
Công trình Thủy điện Sông Côn 2 thuộc hệ thống thủy điện bậc thang sông Vu Gia – Thu Bồn, được xây dựng ở xã Zơ Ngây, huyện Đông Giang, Quảng Nam, có công suất thiết kế 63MW, gồm hai bậc với hai đập chính, sản lượng điện 209 triệu kwh, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 9/2009. Chủ dự án là Công ty CP Thủy điện Geruco-Sông Côn (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam).
Đầu năm 2010, thấy nguồn nước dồi dào, chủ đầu tư đã thuê thiết kế bổ sung, lắp đặt và vận hành 4 cánh van lật ở hệ thống khoang xả tràn tự do trên thân đập chính bậc hai. Với việc lắp van lật trị giá hơn 1,3 tỷ đồng, nâng cao trình thân đập thêm gần 1m, dung tích hồ chứa tăng thêm 1 triệu m3 nước, sản lượng điện tăng thêm 1,8 triệu kwh, doanh thu mỗi năm tăng 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhà máy nằm trong rừng sâu, lại có tường rào bao quanh khu vực nhà máy và thân đập, nên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam không hề hay biết.
Mãi đến cuối năm 2010, khi mưa lớn, lũ về, mực nước hồ chứa dâng cao, gây ngập úng kéo dài hàng trăm hécta đất sản xuất, đất ở, hoa màu, vật kiến trúc của hàng trăm hộ dân đồng bào Cơ Tu, thuộc ba xã Sông Côn, Zơ Ngây và A Ting, huyện Đông Giang, bà con gửi đơn lên huyện đề nghị xem xét, UBND huyện Đông Giang cử đoàn kiểm tra, mới hay sự việc đã rồi.
Ông A Lăng Trước, ở thôn Ngật, xã Zơ Ngây nói: “Lúc đầu, nước dâng lên làm ngập và lở đất, bà con kéo lên công ty hỏi, thì họ bảo do thiên tai, chứ công ty không làm gì cả. Chỉ khi huyện về kiểm tra mới biết là họ tự nâng thân đập”…
Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định, việc lắp đặt bổ sung 4 cánh van lật tại thủy điện Sông Côn 2 đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Sau khi nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của 160 hộ đồng bào Cơ Tu tại địa phương, UBND huyện đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, giám định. Tổng thiệt hại đối với đời sống và sản xuất nông nghiệp là 4,5 tỷ đồng.
“Sau nhiều lần làm việc, thỏa thuận, chủ đầu tư đã đền bù số tiền nêu trên cho người dân, tuy nhiên không có phương án giải quyết đất sản xuất cho dân. Về lâu dài, việc cơi nới thân đập, tích thêm nước chưa biết liệu có bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân của huyện và vùng hạ du hay không?”, ông Tài bày tỏ băn khoăn, lo lắng.
Trong báo cáo gửi các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam hồi cuối năm 2012, Công ty CP Thủy điện Geruco-Sông Côn giải thích: “Chủ đầu tư đang chờ ý kiến quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam để chính thức đưa van lật vào vận hành”.
Nhưng, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam thì khẳng định rằng, công trình Thủy điện Sông Côn 2, công suất trên 50MW thuộc thẩm quyền Bộ Công thương phê duyệt. Vì vậy, chủ đầu tư muốn thay đổi thiết kế phải có sự đồng ý của Bộ Công thương chứ không phải xin ý kiến UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Thử khẳng định: “Công ty CP Thủy điện Sông Côn 2 đã sai khi tự ý nâng cao trình thân đập. Việc chưa xin ý kiến của Bộ Công thương mà đã tự tùy tiện làm rồi đem lên vận hành thử. Nói chung là hoàn toàn sai quy trình quản lý của Nhà nước. Do đó, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị, xác định việc làm của Ban Quản lý công trình Sông Côn 2 là không đúng quy trình đầu tư; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến với Công ty CP Thủy điện Sông Côn 2 xin ý kiến của Bộ Công thương về vấn đề này như thế nào”…
Sau khi có báo cáo của huyện Đông Giang và các cơ quan liên quan, đề nghị kiểm tra, thẩm định các giải pháp an toàn và quy trình vận hành hồ chứa, ngày 21/1/2013, UBND tỉnh Quảng Nam có Báo cáo số 08/BC – UBND gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, báo cáo cho rằng việc thiết kế, lắp đặt thêm hệ thống van lật ở đập tràn nhà máy bậc hai Thủy điện Sông Côn 2 làm thay đổi liên quan đến tác động môi trường, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa…
Điều đáng nói là, chỉ 9 ngày sau khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra hồ sơ thiết kế để xem xét, giải quyết việc lắp đặt hệ thống van lật tại công trình Thủy điện Sông Côn 2, Bộ Công thương đã có văn bản chấp thuận cơ bản về giải pháp công trình và lựa chọn phương án thiết kế, lựa chọn kết cấu hệ thống van lật như hồ sơ đã nêu. Đồng thời yêu cầu “Chủ đầu tư cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc triển khai thiết kế vận hành thử nghiệm khi chưa kịp thời rà soát, kiểm tra đánh giá toàn diện các vấn đề ảnh hưởng liên quan, chưa có đầy đủ các ý kiến chấp thuận của các cơ quan quản lý”.
Cho dù hiện nay việc thiết kế, phê duyệt và vận hành hệ thống van lật tại đập tràn bậc hai Nhà máy Thủy điện Sông Côn 2 đã được Bộ Công thương chấp thuận; nhưng việc tự ý nâng cao thân đập công trình Thủy điện Sông Côn 2 là kiểu làm “tiền trảm, hậu tấu”, mà chỉ cần “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, sẽ tạo một tiền lệ xấu cho các công trình thủy điện khác và công trình ở các lĩnh vực khác, khi đưa vào vận hành, sử dụng mà ba năm sau mới được thẩm tra, đánh giá và phê duyệt.
Nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng, nhất là đối với các công trình thủy điện thì chắc chắn hàng ngàn, hàng vạn sinh mạng người dân vùng hạ du sẽ gánh chịu hậu quả; thiệt hại về tài sản, sinh mạng con người sẽ không lường hết được…