Kỳ 2: Quản rừng cả năm không bằng lương một ngày
ThienNhien.Net – Thù lao quá thấp, trong khi công việc nhiều và vô cùng vất vả là một trong những lý do khiến cho người dân không thiết tha với việc bảo vệ rừng.
Giao khoán rừng cho người dân sống gần rừng quản lý bảo vệ là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái đang đứng trước nguy cơ suy kiệt.
Ở Tây Nguyên, riêng tỉnh Gia Lai đã được giao khoán khoảng 120.000 ha rừng cho người dân quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, thực tế rừng dù đã được giao nhưng liên tục bị tàn phá vì nhiều lý do. Trong đó, giao khoán quản lý bảo vệ rừng với mức thù lao quá thấp là bất cập lớn nhất khiến người nhận rừng không mặn mà với nghề và dẫn đến rừng đã có người bảo vệ mà vẫn như không.
Người dân không thiết tha với nghề
Làng Kong Prung của bà con người Ba Na xã Ayun huyện Mang Yang có 270 hộ gia đình thì có 13 hộ nhận quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang với tổng diện tích là 260 ha.
Thời gian đầu, số tiền người nhận khoán bảo vệ rừng được nhận mỗi năm là 50.000 đồng/ha và nay là 200.000 đồng/ha. Theo ông Đônh, dân tộc Ba Na, trưởng làng Kong Prung, mức thù lao này là quá thấp, quản lý một ha rừng trong một năm thù lao chỉ bằng một ngày công đi làm ở ngoài. Dân làng không sống được với nghề rừng, trong khi đó trách nhiệm bảo vệ rừng là quá lớn. Vì vậy, đã có nhiều hộ trong làng xin trả lại diện tích rừng đã nhận quản lý.
“Tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng quá thấp, dân làng không tích cực đi bảo vệ rừng, nhiều người đang xin trả lại rừng không quản lý nữa. Tôi kiến nghị Nhà nước tăng tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng lên. Phải tạo điều kiện để dân làng sống được với rừng, mới bảo vệ rừng tích cực được”– ông Đônh kiến nghị.
Không những thù lao cho người bảo vệ rừng thấp, mà mức chi trả còn rất bấp bênh. Ông Đặng Quốc Trị, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang cho biết: Năm 2011 ngân sách tỉnh cấp về đơn vị để chi trả cho người tham gia quản lý bảo vệ rừng bị giảm khoảng 200 triệu đồng, tương đương với việc cắt giảm quản lý bảo vệ khoảng 1.000 ha. Mức thù lao vừa thấp lại bấp bênh khiến hơn 80 hộ dân đang nhận khoán quản lý khoảng 2.600 ha rừng của đơn vị không mấy thiết tha với nghề. Tuy nhiên, theo ông Trị dù có tăng mức thù lao nhận khoán cao hơn gấp đôi, gấp ba hiện nay thì người nhận khoán cũng không thể sống được bằng nghề. Cần phải có sự thay đổi về cơ chế, chính sách để người dân sống được với nghề rừng.
“Hộ nhận khoán thì chỉ có nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thôi, không có canh tác. Bây giờ cần phải nông lâm kết hợp thì dân mới ổn định được. Có khuyến nông rồi, bây giờ phải có cơ chế khuyến lâm, phải trang bị cho dân vốn hoặc giống hoặc trồng những cây gì có giá trị kinh tế, lúc đó mới giữ được rừng” – ông Trị nêu quan điểm.
Rừng vẫn bị xâm hại
Người quản lý bảo vệ rừng không sống nổi bằng nghề, không thiết tha với nghề dẫn đến hậu quả là rừng bị chặt phá hoặc suy giảm bằng nhiều hình thức.
Một thí dụ điển hình là sự việc rừng phòng hộ Đác Đoa (thuộc huyện Đác Đoa, tỉnh Gia Lai) bị tàn phá đầu năm 2012. Chỉ trong vòng hơn hai tháng đã có khoảng 20 ha rừng phòng hộ Đác Đoa bị người dân tại chỗ chặt trắng để làm rẫy. Cùng với đó, rất nhiều cây gỗ lớn bị lâm tặc cưa xẻ ngay trong rừng. Điều đáng nói là trong số những diện tích rừng bị phá này hầu hết đã được giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ.
Tình trạng người dân địa phương phá rừng để làm nương rẫy (mặc dù những diện tích này đã giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ) cũng diễn ra ở rất nhiều nơi và đang trở thành điểm nóng như huyện Đác Pơ, Chư Sê, Ia Pa, Phú Thiện…
Một sự việc khác, mới đây nhất và gây hậu quả rất nghiêm trọng là vụ cháy rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua. Theo thống kê của ngành chức năng, hơn 450 ha rừng thông của rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ bị thiêu trụi.
Thiệt hại lâm sản ước tính là hàng chục tỷ đồng, còn thiệt hại về môi trường thì chưa tính được nhưng chắc chắn sẽ rất lớn và sẽ còn rất lâu mới có thể khắc phục. Nguyên nhân của sự việc này xuất phát một phần từ thù lao thấp, người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng không thiết tha với công việc. Chi phí thấp khiến công việc đơn giản và ít tốn kém nhất đối với rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ như đốt kỹ thuật cũng không thực hiện được. Hậu quả là năm nào rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cũng bị cháy.
“Chỉ có 15.000 đồng cho một ha thì không thể làm sao mà làm nhiệm vụ phòng cháy được. Tôi nói thí dụ, một khu rừng cần có một đường băng cản lửa khép kín để ngăn cản toàn bộ nguồn lửa phát sinh từ bên ngoài vào thì chúng ta không thể làm được bởi vì kinh phí quá ít.” – Ông Nguyễn Hữu Long, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết.
Cần cơ chế, giải pháp thỏa đáng
Triển khai chủ trương giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho người dân, đến nay tỉnh Gia Lai đã giao khoán hơn 120.000 ha cho hơn 4.000 hộ dân sống gần rừng dựa vào nhiều chương trình như 178, 304, 135 và 5 triệu ha rừng. Tuy nhiên, hiện chỉ còn chương trình 5 triệu ha rừng được tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng. Các chương trình còn lại đã tạm dừng.
Ông Hà Sơn Nhin, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng: Rừng thì rộng, người thì ít, chế độ thù lao thấp, khiến việc giao khoán bảo vệ rừng không hiệu quả. Rừng liên tục bị chặt phá, đất lâm nghiệp vẫn cứ bị lấn chiếm.
Theo ông Hà Sơn Nhin, điều đầu tiên là cần phải kiểm kê lại rừng, phân loại cho chính xác đâu là diện tích rừng cần bảo vệ, phục hồi và đâu là diện tích không rừng cần phải chuyển đổi để dân ổn định sản xuất, đời sống. Song song với đó, cần thay đổi về chính sách để có thể gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với rừng, khi ấy rừng mới thực sự được quản lý bảo vệ bền vững.
“1 ha chỉ có 200 nghìn đồng tiền bảo vệ trong cả năm thì ai đi làm? Cho nên chúng ta cũng phải nghiên cứu thỏa đáng để người dân ý thức được việc bảo vệ rừng là nghĩa vụ và trách nhiệm. Không có chính sách, cơ chế thực sự thỏa đáng thì rừng sẽ không còn rừng…” – Ông Hà Sơn Nhin nhấn mạnh.
Để chủ rừng sống được với nghề rừng, cùng với việc tăng mức thù lao giao khoán quản lý bảo vệ, còn cần có chính sách cụ thể về quyền lợi khi rừng đến kỳ thu hoạch, khai thác. Một điều chắc chắn là chỉ khi những người sống gần rừng trở thành người chủ thực sự thì rừng mới được bảo vệ nghiêm ngặt.