ThienNhien.Net – Ngày 3/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo với chủ để “Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đầm phá”.
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, có diện tích hơn 22.000 ha, là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, có hầu như tất cả các giá trị của vùng đất ngập nước nhiệt đới ven bờ, với những giá trị mang tầm quốc gia và quốc tế, là môi trường thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loại động thực vật, các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, đây cũng là nơi hứng chịu nhiều rủi ro môi trường và tai biến thiên nhiên, làm biến đổi chất lượng nước, suy thoái tài nguyên thủy sinh vật và giảm đáng kể tính đa dạng sinh học của hệ đầm phá.
Hiện 6 loài cá quý hiếm của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có nguy cơ tuyệt chủng, gồm cá Mì đường, cá Mòi Hoa cờ, cá Mòi cờ chấm, cá Măng, cá Chìa vôi và cá Quả bông.
PGS.TS Lê Văn Thăng, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đầm phá là giải pháp quan trọng, mang tính bền vững cho việc bảo vệ môi trường hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Còn TS. Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, ngoài các giải pháp về bảo vệ môi trường, phục hồi và tái tạo tự nhiên đầm phá, cộng đồng ngư dân cần khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở đầm phá bằng cách tỉa đàn, trẻ hóa quần thể, giải phóng nguồn thức ăn cho thủy vực.
Đồng thời, cần quy định cụ thể từng loại ngư cụ, mật độ, kích cỡ cho những vùng nước nhất định; hạn chế khai thác ở mức thấp nhất vào cuối mùa Xuân đến đầu mùa Thu vì đây là thời kỳ sinh sản của nhiều động vật đáy; nghiêm túc chấp hành quy định việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không vứt bừa bãi các loại chất thải rắn xuống đầm phá.