Kỳ 1- Bất cập quản lý
ThienNhien.Net – Diện tích, chất lượng rừng tự nhiên Tây Nguyên đang suy giảm nhanh chóng, trong khi đó các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng dường như không phát huy được hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân quan trọng được nêu ra là mô hình quản lý, chính sách lâm nghiệp chưa phù hợp dẫn đến mất rừng. Cụ thể và điển hình là trường hợp của các Công ty lâm nghiệp, đang quản lý gần 1 triệu ha, chiếm hơn 1/3 diện tích rừng của Tây Nguyên.
“Bình mới rượu cũ”!
Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa ở huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai hiện đang quản lý gần 17.000 ha rừng tự nhiên. Gần hai chục năm kể từ khi thành lập (năm 1994) đến nay, đơn vị này đã trải qua ba lần chuyển đổi tên gọi tương ứng với các mô hình quản lý, từ một đơn vị sự nghiệp (lâm trường quốc doanh) chuyển sang công ty nhà nước như hiện nay.
Mỗi lần chuyển đổi tên gọi, mô hình quản lý được kỳ vọng là mang hiệu quả mới cho công tác quản lý, bảo vệ cũng như sản xuất, kinh doanh nguồn tài nguyên rừng, đất rừng của đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cho kết quả ngược lại, qua mỗi lần chuyển đổi tên, mô hình hoạt động là mỗi lần đánh dấu sự suy giảm về diện tích, chất lượng rừng của đơn vị.
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty cho rằng, việc chuyển đổi chỉ mang tính hình thức theo kiểu “bình mới rượu cũ” tức là chỉ chuyển đổi tên gọi, còn chức năng và nhiệm vụ giữ nguyên, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc vẫn còn đó.
Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, dù được coi là công ty nhà nước nhưng đơn vị không có vốn hoạt động (hoạt động không đúng theo luật doanh nghiệp), toàn bộ kinh phí của đơn vị là sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Diện tích rừng quản lý lớn trong khi đó lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng và không làm chủ được được kinh phí dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ hết sức khó khăn. Rừng trên lâm phần của đơn vị quản lý từng ngày bị xâm hại. Qua đó, ông Trần Ngọc Anh kiến nghị nên chuyển đổi mô hình quản lý để phù hợp với chức năng hiện nay của đơn vị là quản lý bảo vệ rừng.
Khó khăn chung
Khó khăn của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa cũng là vấn đề chung của 56 công ty lâm nghiệp đang quản lý gần 1 triệu ha, chiếm hơn 1/3 diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên. Các công ty này không có đủ các yếu tố của một công ty nhà nước như vốn, nhân lực, quản trị… do đó hoạt động không đúng theo luật doanh nghiệp. Tư cách pháp lý chưa rõ ràng và cũng chưa đơn vị nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cho nên, ngay cả việc vay vốn để trồng rừng đã là không khả thi, việc đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến, phát triển rừng càng trở nên xa vời.
Khó khăn càng chồng chất khi cuối năm ngoái Chính phủ có chủ trương tạm dừng khai thác rừng tự nhiên trên toàn quốc, nguồn thu chủ yếu của các đơn vị này không còn. Nhiều đơn vị hiện không còn nguồn để chi trả tiền lương cho nhân viên. Một số đơn vị chủ động đề xuất liên doanh, liên kết với tư nhân để trồng rừng, trồng cao su.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đây là hình thức hợp thức hóa tài sản nhà nước cho tư nhân, cho nên tỉnh kiên quyết không cho triển khai, vấn đề là phải tìm ra mô hình quản lý phù hợp cho các công ty này.
“Đất trống mà cho trồng cao-su thì các công ty này không có gì thế chấp để vay ngân hàng để trồng cao-su. Nguồn vốn không có, liên doanh liên kết thực ra là bán cho tư nhân, hợp thức hóa thì sau này giải quyết rất là khó. Cho nên tỉnh không cho liên doanh liên kết cách này. Đất là đất của nhà nước, nhà nước giao cho công ty, rừng cũng giao cho công ty, thực ra các đơn vị này không có gì hết. Nên nghiên cứu loại hình này như thế nào, phải đặt tên như thế nào, quản lý như thế nào cho phù hợp.” – ông Phạm Thế Dũng cho biết thêm.
Những hệ lụy
Liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, là chủ rừng nhưng các công ty lâm nghiệp không có quyền kiểm tra, kiểm soát hay tạm giữ đối tượng phá rừng trên lâm phần quản lý. Các nhân viên công ty lâm nghiệp không có trang phục, phương tiện, thiết bị và các công cụ cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Từ đó, dẫn đến tình trạng tự bảo vệ mình trước các đối tượng phá rừng đã rất khó, chưa nói đến việc bảo vệ rừng.
Và thực tế, ở Tây Nguyên trong những năm qua liên tiếp xảy ra các vụ lâm tặc hành hung, gây thương tích đối với nhân viên của các công ty lâm nghiệp. Trong đó, điển hình là vụ một nhóm lâm tặc hành hung 3 cán bộ bảo vệ rừng của Công ty lâm nghiệp nam Tây Nguyên (thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đác Nông) khiến ba cán bộ này phải đi cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy vào cuối tháng 4-2012.
Tại điểm nóng phá rừng thuộc Công ty lâm nghiệp Krông Bông (đóng tại huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc) liên tiếp từ năm 2011 đến nay cả người dân và lâm tặc manh động xông vào tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Trong đó, vụ lớn nhất là lâm tặc tấn công vào lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty bằng súng tự chế khiến hai cán bộ bị thương, người bị nặng nhất dính 28 viên đạn và phải chuyển đi TP Hồ Chí Minh để chữa trị.
Với nhiều khó khăn như đã nêu, lực lượng bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp khó lòng giữ được rừng. Tại tỉnh Đắc Nông, đến nay tỉnh vẫn chưa thống kê chính xác diện tích rừng bị mất tại 15 công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Chỉ biết rằng, nó cũng chiếm một phần không nhỏ trong số khoảng 30.000 ha rừng của tỉnh bị mất từ 2004 đến nay. Điều quan trọng trước mắt là cần có cơ chế quản lý phù hợp hơn.
“Đội ngũ của các công ty này thì mỏng nhưng mà diện tích rừng quản lý rất lớn. Thành thử từ bất cập đó dẫn đến việc không quản lý được rừng nhà nước giao cho, đi đến là rừng bị xâm hại. Vì vậy sắp tới phải củng cố, kiện toàn như thế nào, phải có cơ chế, chính sách cho phù hợp và có loại hình quản lý như thế nào cho phù hợp.” – Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông cho biết thêm.
Hướng đi nào?
Mất rừng không kiểm soát được khiến vấn đề sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp sao cho hiệu quả trở nên cấp thiết. Vì vậy, ngay sau chuyến công tác đầu tháng 3 của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại một số tỉnh Tây Nguyên, đến giữa tháng 3 vấn đề này tiếp tục được đề cập trong hội nghị lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
Theo đó, thời gian tới các địa phương trong khu vực cần phải nghiên cứu, đề xuất giải pháp thích hợp cho vấn đề công ty lâm nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển đổi các công ty lâm nghiệp thành các ban quản lý rừng – một đơn vị sự nghiệp hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với các công ty lâm nghiệp có thể kinh doanh dựa trồng rừng thì nên giữ lại. Đồng thời, khi chuyển đổi công ty lâm nghiệp thành ban quản lý rừng thì cần tính đến việc bổ sung quyền, lực lượng, phương tiện và thiết bị cần thiết cho các ban quản lý để thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn. Trong đó, có ý kiến đáng chú ý là Ban quản lý rừng nên có biên chế kiểm lâm.
“Việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp nhà nước chúng ta nhìn thấy hai hình thức. Đối với các công ty lâm nghiệp mà đã có rừng sản xuất, làm kinh tế được, những mô hình nào còn tồn tại được, tự trang trải kinh phí được thì để tồn tại. Còn những mô hình nào không tồn tại được thì chuyển thành ban quản lý sự nghiệp có thu. Đấy là việc trong thời gian tới chúng ta tiếp tục phải nghiên cứu để đề xuất giải pháp để khắc phục.” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về vấn đề lâm nghiệp tháng 3 vừa qua.
Với việc đang quản lý hơn 1/3 diện tích rừng của Tây Nguyên, giải quyết vấn đề của các công ty lâm nghiệp trở nên cấp thiết nhằm góp phần bảo vệ những cánh rừng còn lại….
(Còn nữa)