ThienNhien.Net – Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc bổ sung bến cảng chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp Long Sơn vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm cảng biển số 5).
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của bến cảng làm cơ sở để bổ sung vào Quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật.
Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm cảng biển số 5) có vai trò quan trọng trong việc thông qua hàng hóa xuất, nhập khẩu và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ và cả nước.
Nhịp độ tăng trưởng hàng hóa qua Nhóm cảng đạt cao nhất trong cả nước, hình thành được một tuyến vận tải xuất phát từ Nhóm cảng biển số 5 đi thẳng châu Âu và hai bờ Đông, Tây nước Mỹ, tạo tiền đề thu hút hàng hóa trung chuyển tại Việt Nam.
Theo Quy hoạch Nhóm cảng biển số 5 gồm:
Cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh bao gồm khu cảng Sài Gòn (sông Sài Gòn), khu cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè – Lòng Tầu), khu cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), khu cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp); Cụm cảng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu bao gồm khu cảng Gò Dầu C, khu cảng Phú Mỹ, khu cảng Cái Mép (sông Thị Vải), khu cảng Vũng Tầu (Bến Đình – Sao Mai), khu cảng Sông Dinh (sông Dinh).
Cụm cảng khu vực Đồng Nai đa số là các cảng chuyên dụng chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, các nhà máy, các cơ sở sản xuất nằm trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, bao gồm: khu cảng Đồng Nai (sông Đồng Nai), khu cảng Phú Hữu (đoạn sông Đồng Nai và đoạn sông Lòng Tầu – Nhà Bè), khu cảng Ông Kèo (sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh), khu cảng Gò Dầu A và B, khu cảng Phước An (sông Thị Vải).