ThienNhien.Net – Đó là kết luận từ nghiên cứu tính khả thi tham gia EITI ở Việt Nam (VN) do tổ chức tư vấn quốc tế Adam Smith International phối hợp với các chuyên gia của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cùng Bộ Công Thương thực hiện. Để hiểu rõ hơn về kết luận này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Jeremy Weate, trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của nghiên cứu.
Ông và các cộng sự vừa thực hiện xong báo cáo cáo nghiên cứu khả thi về tham gia sáng kiến EITI, xin ông cho biết những kết quả chính của nghiên cứu?
Tôi đã có 2 chuyến công tác tới VN và đã trao đổi với nhiều bên liên quan, từ chính phủ, xã hội dân sự, cho đến các doanh nghiệp. Cùng với một vài chuyên gia VN, kết quả nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy rằng VN nên triển khai EITI. Điều đó có lợi cho chính phủ VN, các doanh nghiệp hoạt động tại VN và cả xã hội dân sự của các bạn vì nhiều nguyên nhân.
Trước tiên, chúng tôi thấy rằng minh bạch sẽ giúp VN thu hút các nhà đầu tư. Thứ hai, EITI tốt cho chính phủ VN trong việc quản lý và tiếp cận thông tin về khai khoáng. Thứ ba, EITI tốt cho người dân, xã hội dân sự và các doanh nghiệp trên lãnh thổ VN nhờ các thông tin về ngành khai khoáng được cung cấp.
Tôi nghĩ quyết định tham gia sáng kiến EIT không phải dễ dàng với bất kì một quốc gia nào vì thông tin không phải lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận. Đối với trường hợp của VN, thông tin về ngành khai khoáng và dầu khí rải rác ở các Bộ ban ngành, chứ không tập trung ở một đơn vị nào. Vì thế tôi cho rằng EITI giúp kích thích tính hiệu quả của bản thân chính phủ trong việc thu thập và đối chiếu thông tin và sau đó đảm bảo các thông tin đó được chia sẻ với xã hội dân sự.
Tôi đã từng tham gia vào quá trình phê duyệt 5 báo cáo EITI của 5 quốc gia và thấy luôn có những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, nhưng cần nhấn mạnh rằng việc tham gia EITI không phải là không thể trong bối cảnh của VN, đó chính là một trong những kết quả của đợt đánh giá tính khả thi vừa qua.
Theo ông VN có gặp trở ngại gì không khi tham gia sáng kiến minh bạch này?
Tôi nghĩ rằng VN ngay bây giờ đã có thể gia nhập sáng kiến EITI bởi kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực quản lý nhà nước ở VN đã có năng lực khá tốt. Không như ở một số nước Châu Phi, nơi dịch vụ dân sự, cơ chế hành chính còn khá là yếu, chúng tôi nhận thấy năng lực trong khu vực công, quản lý hành chính của VN là khá cao. Vì thế, mặc dù cung cấp thông tin ban đầu còn khó khăn, có một số vấn đề liên quan đến luật pháp cần phải được giải quyết, đặc biệt là việc tiếp cận thông tin, song tôi nghĩ đối với VN điều này hoàn toàn có thể giải quyết được.
Một điểm nữa tôi cũng lưu ý là trong khu vực Đông Nam Á, có khá nhiều nước đã quyết định theo sáng kiến này. Ví dụ, Indonesia mới công bố bản báo cáo EITI đầu tiên, Philippine cũng sẽ sớm trở thành ứng viên EITI và trong Hội nghị này, chúng ta cũng được biết Myanmar cũng đã có cam kết mạnh mẽ về việc thực thi EITI ở quốc gia này. Vì vậy, tôi nghĩ những gì các bạn đang nhìn thấy là một xu hướng trong khu vực Đông Nam Á về minh bạch hóa.
Với những lí do đó, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để VN cân nhắc tham gia sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng.
Liệu việc tham gia EITI có tạo thêm gánh nặng cho VN không?
Đây là câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ luôn có sự lo lắng rằng trách nhiệm báo cáo trong EITI sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng cho các chính phủ và doanh nghiệp. Thực ra không phải như vậy. Tôi cho rằng các bạn có thể nhìn sáng kiến đó như một bộ hồ sơ thông tin quản lý tài chính công. Hơn nữa, ngành dầu khí và ngành khai khoáng là những lĩnh vực quan trọng ở VN, những ngành mang lại nguồn thu cho Chính phủ. Vì vậy, EITI sẽ giúp VN nâng cao chất lượng quản lý thông tin tài chính công. Nó sẽ giúp Bộ tài chính tiếp cận và quản lý các thông tin có chất lượng hơn.
Điểm nổi bật trong các quy định của EITI năm nay là quy trình báo cáo theo từng dự án khai khoáng cụ thể. Do vậy, EITI chỉ giúp và hỗ trợ Bộ tài chính – đơn vị phụ trách các chính sách về thuế – có được thông tin chất lượng hơn.
Hơn nữa, nó không hề tạo thêm nhiều gánh nặng công việc cho khối nhân sự hiện có. Điểm quan trọng trong EITI mà mọi người cần hiểu rõ là EITI hỗ trợ chính phủ có được các thông tin tốt và đầy đủ hơn để từ đó ra quyết định chính xác hơn, đặc biệt với những quyết sách chiến lược.
Tất nhiên, việc áp dụng EITI cũng cần phải mất một khoảng thời gian để tìm hiểu, tiếp cận thông tin, loại bỏ một số rào cản pháp luật, nhưng chúng tôi cho rằng lợi ích mà chính phủ VN có được lớn hơn rất nhiều.
Bà Clare Short-Chủ tịch Ủy ban EITI Quốc tế, Nguyên Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Anh:
Sáng kiến EITI sẽ giúp VN phòng chống tham nhũng tốt hơn, cũng như giúp chính phủ VN tăng cường trách nhiệm giải trình và quản lý tốt hơn nguồn lực tài nguyên để phục vụ cho người dân và đất nước.Chuẩn mực mới của EITI có quy định linh hoạt hơn về các vấn đề như cấp phép, hợp đồng và sử dụng nguồn thu từ khai thác khoáng sản. Vì thế sẽ dễ dàng hơn cho các quốc gia tham gia bao gồm cả VN trong việc tham gia EITI.Đồng thời EITI cũng sẽ giúp đưa ra bức tranh tổng thể với các thông tin nhiều hơn trong ngành khai khoáng, ai được lợi trong các dự án đó, ai sở hữu, ai đứng đằng sau các công ty, trách nhiệm giải trình thuộc về ai… Người dân VN cũng có cái nhìn rộng hơn về bức tranh của nền kinh tế quốc gia, nguồn thu từ các tài nguyên thiên nhiên được sử dụng như thế nào… Tôi khẳng định rằng chúng tôi luôn mở rộng cửa để mời VN tham gia vào đại gia đình các quốc gia thực thi EITI và chúng tôi cam kết sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ, một khi các bạn đã quyết định thực thi sáng kiến EITI ở VN. Để có thêm thông tin cho quyết định của mình, VN có thể tổ chức các đợt tham quan, trao đổi với các quốc gia khác đã thực thi sáng kiến EITI. Trong khu vực ASEAN, dù còn phải thêm một thời gian để hoàn thành báo cáo EITI đầu tiên, song tôi nghĩ Indonesia cũng có nhiều kinh nghiệm để VN có thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi.” |