ThienNhien.Net – “Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chưa được phê duyệt” là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội (QH) vào chiều 30/5.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện nay báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã được chủ đầu tư trình lên Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) xem xét và thẩm định theo quy định.
Chỉ khi nào Bộ TN-MT xem xét và có kết luận thẩm định thì chủ đầu tư mới có thể thực hiện các bước tiếp theo.
Trên cơ sở xem xét, đánh giá của Bộ TN-MT, chỉ khi nào khẳng định được thủy điện Đồng Nai 6 và 6A an toàn thì mới được tiếp tục trình Chính phủ.
“Vì thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa được bộ nào hay Chính phủ phê duyệt nên chưa thể trình QH xem xét. Tinh thần của chúng tôi là nếu qua xem xét, báo cáo tác động đến môi trường mà công trình thủy điện này ảnh hưởng lớn đến môi trường thì tôi đề nghị không triển khai dự án”, Bộ trưởng Bộ Công thương quả quyết.
Ông Hoàng cho biết thêm, vào cuối tháng 4 vừa rồi, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH và UBND tỉnh Đồng Nai đã đi kiểm tra, thị sát đánh giá khu vực thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và sẽ có báo cáo với QH cũng như HĐND tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, trong buổi sáng nay, hai đại biểu (ĐB) QH của tỉnh Đồng Nai và Bình Dương là ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) và ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đã đề nghị ngưng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, không vì thủy điện làm ảnh hưởng rừng quốc gia.
Không vì thủy điện làm ảnh hưởng rừng quốc gia ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị: “Không vì thủy điện mà làm ảnh hưởng rừng quốc gia. Dừng thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vì phạm vi giải tỏa rừng để làm thủy điện có diện tích quá lớn, phạm vào khu vực lõi rừng dự trữ sinh thái Cát Tiên. Trong khi đó, rừng Cát Tiên có giá trị sinh thái rất quan trọng và đang được làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới”.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): “Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị cả Tỉnh ủy, HĐND, UBND địa phương và các nhà khoa học kiên quyết phản đối thì Chính phủ cần có quyết định ngưng lại, xem xét, điều chỉnh. Hiện nay, cả nước đang đau đầu với nhiều công trình thủy điện thì Chính phủ cần thận trọng hơn trong việc xây dựng thủy điện này”. |
Số liệu báo cáo không trùng khớp: Lấy từ bộ, ngành và Tổng cục Thống kê Chiều 30/5, giải trình trước Quốc hội về số liệu báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của Chính phủ khác số liệu một số bộ ngành, hiệp hội… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lý giải xuất phát từ cách tính khác nhau.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết số liệu trong báo cáo của Chính phủ được lấy từ Tổng cục Thống kê và một số bộ, ngành. Cụ thể, trong 15 chỉ tiêu chỉ trong báo cáo của Chính phủ có 6 chỉ tiêu lấy từ số liệu của Tổng cục Thống kê, còn 9 chỉ tiêu còn lại lấy từ bộ, ngành. “Số liệu lấy từ nhiều nguồn nên có những báo cáo khác nhau thôi. Điều này một số bộ cũng đã giải trình với các đại biểu rồi”, ông Vinh nói. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, có thể số liệu trong báo cáo của Chính phủ chưa chính xác nhưng về cơ bản là chấp nhận được. Tuy vậy, vẫn có một số số liệu có độ chính xác chưa cao. Chưa kể, vẫn còn có nhiều số liệu khép kín và rất khó để người ngoài cuộc đưa ra bình luận chính xác hay không chính xác. Thậm chí hiện nay, một số số liệu hôm nay công bố thế này nhưng ngày mai lại điều chỉnh khác. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay trong thời gian tới sẽ có biện pháp để cố gắng đưa ra con số thông kê không còn độ vênh giữa các bộ, ngành. Điều này muốn làm được cần phải thống nhất cách thức tiến hành thống kê. Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay có một lĩnh vực quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Tại hội trường, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông báo tin vui là sau hai năm thực hiện chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, hiện đã có 96,5% số vốn đầu tư do trung ương quản lý không đầu tư dàn trải. “Về nguồn vốn đầu tư trung hạn hiện cũng không phải qua cơ chế xin cho gì cả”, ông Vinh nói. |