ThienNhien.Net – Xác định lộ trình rõ ràng và hợp tác chặt chẽ là những điều kiện cần thiết để các tổ chức NGO tham gia giám sát và góp ý cho các chính sách bảo vệ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) một cách hiệu quả. Nội dung này đã được khẳng định trong hội thảo “Cơ hội tham gia của XHDS Việt Nam vào giám sát các chính sách của ADB do Mạng lưới sông Ngòi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 28/05/2013.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia châu Á nhận tài trợ và vốn vay lớn nhất từ ADB cho các dự án phát triển. Điều này có thể được nhìn nhận như một đòn bẩy tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, song cũng đặt ra không ít ý kiến lo ngại trong xã hội về những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường, xã hội và gánh nặng về nợ công đối với Việt Nam trong dài hạn, một khi các khoản vay không được giám sát tốt và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn.
Những ý kiến này cho biết mặc dù ADB có một bộ chính sách bảo vệ (gồm các chính sách về Môi trường, Tái định cư bắt buộc và Người bản địa) tương đối nghiêm ngặt và có quy trình rõ ràng công bố thông tin các dự án được họ hỗ trợ, điều này không có nghĩa các chính sách nêu trên đang được áp dụng một cách đầy đủ để giảm thiểu các tác động không mong muốn đối với xã hội và cộng đồng.
Giám sát của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đối với các dự án Đường dây truyền tải điện 500 KV Sơn La – Nho Quan – Hòa Bình và việc thực hiện chính sách an toàn của ADB về di cư bắt buộc và Người thiểu số trong dự án Thủy điện sông Bung 4 cho thấy thông tin về dự án và tác động tiềm năng đã không đến với người dân một cách thỏa đáng. Sự tham gia của người dân đối với dự án chưa thực sự hiệu quả. Có những vấn đề đe dọa sức khỏe và sinh kế lâu dài của người dân địa phương chưa được nhà đầu tư giải quyết thích đáng.
So với hệ thống chính sách tương ứng của Việt Nam, các chính sách bảo vệ và công khai thông tin dự án của ADB rõ ràng và khắt khe hơn, song theo phân tích của bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc Chương trình Action Aid tại Việt Nam, các dự án trong nước hiện nay lại áp dụng hệ thống chính sách và quy định của quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa rằng những đặc tính ưu việt trong chính sách an toàn của Ngân hàng bị triệt tiêu.
Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Phát triển Nông thôn (RDSC) nhận xét việc các tổ chức phi lợi nhuận trong nước tham gia giám sát các dự án liên quan đến vốn vay nước ngoài nói chung và các dự án có hỗ trợ của ADB nói riêng hiện đang trong “giai đoạn tập sự”. Để những nỗ lực đạt được hiệu quả và có tác động lớn hơn, giữa các tổ chức này cần có sự liên kết chặt chẽ.