ThienNhien.Net – Sáng 27/5, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR và Trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2013 với chủ đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm, nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.
Báo cáo năm nay, với tựa đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”, bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục. Cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế thế giới, cũng như kinh tế Việt Nam trong năm 2012, các khuynh hướng chính trên các khía cạnh lớn như tăng trưởng và lạm phát, cấu trúc kinh tế, các cân đối vĩ mô đối lớn, chu kỳ kinh tế và đánh giá diễn biến chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua, làm cơ sở để dự báo triển vọng kinh tế trong năm 2013.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ công nghiệp hóa không thành công của Việt Nam sau khi gia nhập Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc trước sức ép từ tác động từ sản xuất và thương mại Trung Quốc.
Báo cáo phân tích, tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc gần 10% liên tục trong 30 năm qua đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Sự phát triển của “công xưởng của thế giới” đòi hỏi nguồn lực đầu vào khổng lồ mà bản thân Trung Quốc không thể đáp ứng hết được. Do vậy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và kinh tế Trung Quốc đã tạo ra một nhu cầu lớn trên quy mô toàn cầu về tài nguyên, nhiên liệu, hàng hóa trung gian, làm thay đổi diện mạo phát triển công nghiệp toàn cầu. Sự thay đổi này một mặt tác động đến sự phân công chuyên môn hóa toàn cầu, mặt khác đã gián tiếp làm thay đổi khuynh hướng sản xuất của nhiều nước trên thế giới, như việc khiến một số nước bị hấp dẫn bởi việc xuất khẩu tài nguyên, hàng hóa thô và sơ chế sang Trung Quốc.
Nói cách khác, dưới sức ép nhập khẩu của Trung Quốc trên toàn thế giới, giá cả liên tục tăng đối với nhóm hàng tài nguyên và hàng sơ chế, trong khi đó các sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc tung gia thị trường lại có giá cả thấp hơn nhiều so với các nước, đã khiến các nước đi sau, trong đó có Việt Nam không đủ sức cạnh tranh, phải thoái lui khỏi các ngành sản xuất chế tác công nghiệp. Đồng thời, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên Việt Nam khó tránh khỏi việc bị cuốn hút vào con đường “khai thác tài nguyên xuất khẩu”. Do đó nguồn lực bị rút khỏi khu vực sản xuất công nghiệp, khiến đất nước mất dần mất khả năng cạnh tranh.
Xét về ngắn hạn, đây là khuynh hướng đang được nhiều nước đang phát triển hướng tới để đảm bảo sự ổn định kinh tế, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và tốc độ công nghiệp hóa của nước ta. Điều này được biết đến như là vòng xoáy “giải công nghiệp hóa” trong bối cảnh mới, hay còn được gọi là “lời nguyền tài nguyên mới” mà Việt Nam đang vướng phải.