Khu BTTN Nà Hẩu là nơi… để sản xuất nông nghiệp

ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái hiện tồn tại 93 hộ dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp ở ngay trong lõi rừng này. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn âm ỉ diễn ra làm cho số lượng những cây gỗ to ngày một giảm dần; nhìn vào đó, không ít người cho rằng đây là nơi để… sản xuất nông nghiệp.

Khu Bảo tồn Nà Hẩu được thành lập theo Quyết định 512/QĐ-UBND ngày 9/10/2006 của UBND tỉnh Yên Bái. Đây là khu rừng nguyên sinh có tổng diện tích 16.950ha nằm trên địa bàn các xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên.

Mục tiêu của Khu Bảo tồn được định rõ: Bảo tồn và duy trì các mẫu chuẩn tự nhiên, duy trì quá trình sinh thái, các quần xã sinh vật, các loài, nguồn gen và các thắng cảnh có tầm quan trọng quốc gia về khoa học, giáo dục, tinh thần, giải trí và du lịch sinh thái để phục vụ nghiên cứu khoa học về sinh thái, sinh học và bảo tồn; Tham quan vì mục đích giáo dục, văn hoá, tinh thần, giải trí và du lịch sinh thái ở mức độ đảm bảo duy trì trạng thái tự nhiên hay gần tự nhiên; Tạo điều kiện cải thiện đời sống của người dân sống trong và xung quanh Khu Bảo tồn, phù hợp với các mục tiêu bảo tồn; Bảo tồn bền vững các hệ sinh thái chưa hoặc ít bị biến đổi và có các loài sinh vật đặc hữu đang bị đe doạ; Bảo vệ các hệ sinh thái và các loài, phục vụ nghiên cứu, giám sát môi trường, giải trí và giáo dục môi trường… Thế nhưng kết quả của việc bảo tồn hiện chưa được như mong đợi, vẫn còn quá nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong Khu Bảo tồn.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Trước khi UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định thành lập Khu Bảo tồn Nà Hẩu, vào năm 2001, UBND Văn Yên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 93 hộ dân ở các thôn 2, 3 và 4 với tổng diện tích 223,6 ha ở ngay trong vùng lõi của Khu Bảo tồn. Hiện các hộ dân đang sinh sống và sản xuất trồng lúa nương, sắn, ngô… trên diện tích này. Điều đó hoàn toàn trái với các quy định của pháp luật trong việc bảo tồn. Không những thế, còn xảy ra tình trạng các hộ thường xâm lấn đất của khu bảo tồn để sản xuất nhưng cơ quan chức năng chỉ được phép “răn đe” bằng phạt hành chính và khi xử phạt người dân không có tiền nên cũng đành “bó tay”.

Cùng với việc xâm lấn đất Khu Bảo tồn, tình trạng khai thác lâm sản, chủ yếu là những cây gỗ cổ thụ, gỗ quý, hiếm ở trong rừng vẫn thường diễn ra. Theo báo cáo của Trạm Kiểm lâm xã Đại Sơn, huyện Văn Yên: từ năm 2010 đến tháng 4/ 2013, tại 4 xã thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã xảy ra 34 vụ vi phạm, riêng 2 năm 2010 và 2011, chính quyền và cơ quan chức năng không xử lý được vì các vụ vi phạm khai thác, cất giấu gỗ đều không tìm ra được đối tượng vi phạm. Trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn các xã thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu xảy ra 9 vụ vi phạm; khởi tố hình sự 2 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại xã Mỏ Vàng và xã Nà Hẩu, 1 vụ về tội hủy hoại rừng tại xã Phong Dụ Thượng.

Để khắc phục tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong Khu Bảo tồn Nà Hẩu, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cũng như huyện Văn Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân; đồng thời, tăng cường kiểm tra xử lý nhằm giảm thiểu số vụ vi phạm tại. Tuy nhiên, việc bảo vệ Khu Bảo tồn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, việc xử lý 93 hộ dân đang sinh sống và sản xuất trong vùng lõi của Khu Bảo tồn đòi hỏi tỉnh phải có kinh phí đền bù, hỗ trợ tái định cư, cấp đất sản xuất cho các hộ dân để họ di dời. Làm gì để tăng cường lực lượng bảo vệ khi mà diện tích rừng rộng, lực lượng cán bộ kiểm lâm mỏng, trong khi đó nhận thức của người dân còn hạn chế… Đã đến lúc, chính quyền các các ngành chức năng tình Yên Bái cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý, bảo vệ Khu Bảo tồn.