ThienNhien.Net – PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đúc kết: Chính tiêu dùng xanh là động lực để các doanh nghiệp dần chuyển đổi hoạt động sản xuất của mình theo hướng xanh hơn. Và đây chính là nền tảng để tạo dựng nền kinh tế xanh.
60% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải
Trên thực tế, hoạt động sản xuất đã và đang là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi. PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, kết quả thống kê trên 826 nguồn thải công nghiệp ở 24 quận, huyện TPHCM từ năm 2010 đến năm 2012 cho thấy, chỉ có khoảng 60% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải.
Các nguồn thải còn lại chỉ qua xử lý sơ bộ (bể tự hoại) trước khi xả thải ra môi trường. Điều đáng lưu ý là trong số các nguồn thải được khảo sát thì có đến 44% các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 50m³/ngày đêm. Đây là nguồn thải đóng góp đến 90% cả về lưu lượng và tải lượng ô nhiễm. Những ngành gây ô nhiễm cao gồm dệt nhuộm, giấy, thực phẩm đóng góp đến 56% tổng tải lượng COD. Mở rộng ra toàn khu vực phía Nam, số lượng doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các tỉnh lân cận còn cao hơn rất nhiều.
Không dừng lại đó, chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải y tế cũng đang là vấn nạn đáng quan ngại cho thực trạng môi trường sống hiện nay. Hiện thống kê từ Bộ TN-MT đã chỉ ra, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh vào khoảng 8.700 – 8.900 tấn/ngày. Số lượng này tăng khoảng 8% – 10%/năm và tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Điều đáng nói là có đến 82/98 bãi chôn lấp không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường…
PGS Nguyễn Đinh Tuấn khẳng định, không chỉ ô nhiễm nước thải và chất thải rắn, chất lượng khí thải cũng rất đáng lo ngại. Việc cấm sử dụng các loại xăng pha chì đã giúp giảm đáng kể lượng chì trong không khí nhưng lại tăng các chất phụ gia độc hại khác trong môi trường khí như benzen, toluen…
Thiệt hại khôn lường
Ô nhiễm gia tăng cũng đồng nghĩa với chi phí đầu tư xử lý ô nhiễm này cũng phải gia tăng. Và đây sẽ được tính như là sự thiệt hại đối với nền kinh tế. Dựa trên quan điểm đó mà số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ rõ, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hàng năm. Cụ thể, năm 2007 là gần 4 tỷ USD trên tổng sản phẩm nội địa 71 tỷ USD. Năm 2008 tăng lên 4,2 tỷ USD trên tổng sản phẩm nội địa 76 tỷ USD.
PGS-TS Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường cũng gây thiệt hại không nhỏ về hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi cá bè trên sông những năm gần đây đều giảm sút do ô nhiễm nguồn nước mặt. Những sự cố gây ô nhiễm nguồn nước trong thời gian ngắn của một số nhà máy cũng gây ra thiệt hại về kinh tế đáng kể cho người sản xuất. Cụ thể như các vụ cá bè chết hàng loạt vào những năm 2008 và 2010 tại Đồng Nai và trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
Bên cạnh đó, hàng năm ngân sách của các địa phương phải chi trả một khoản khá lớn cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Trung bình, mức chi phí xử lý cho công nghệ xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh là 115.000 – 286.000 đồng/tấn. Riêng tại TPHCM, tổng chi phí hàng năm cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng.
Hiểm họa cho sức khỏe cộng đồng
Không chỉ gây nên những thiệt hại về kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường còn gây ra những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe và thu nhập của người dân. Trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 ca tử vong liên quan đến nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và hàng chục ngàn người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, hệ tiêu hóa do hít phải khí thải ô nhiễm. Đáng lo ngại nhất trong những năm gần đây, số người mắc các bệnh ung thư do tiếp xúc phải chất thải ô nhiễm liên tục gia tăng, khoảng 150.000 người/năm.
Thêm vào đó, bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng không nhỏ đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm cho cả người bệnh và người chăm sóc làm giảm 20% thu nhập. Không chỉ thế, trường hợp của nước ta còn phải chịu thiệt hại do hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra, chiếm khoảng 5% GDP, tương đương với 15 tỷ USD. Nhà nước đã phải chi số tiền tương đương 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng.
Cải thiện chất lượng môi trường sống để giảm thiệt hại về kinh tế cũng như sức khỏe cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Đinh Tuấn, để tạo nên sự thành công của nền kinh tế xanh lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của người tiêu dùng. Khi cộng đồng đã nhận thức rõ và cổ động cho tiêu dùng xanh, chính họ sẽ đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ phải thể hiện trách nhiệm với xã hội, với môi trường hoạt động của mình.
Về phía Nhà nước, cần phát huy vai trò định hướng, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp hướng đến phát triển xanh cũng như tạo cơ sở để người tiêu dùng nhận biết và ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh. Có như vậy mới tạo nên nội lực để cải thiện hiệu quả chất lượng môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay.