ThienNhien.Net – Một khảo sát mới đây cho thấy, nhu cầu năng lượng tương lai là một vấn đề quan trọng của 7/10 người dân Việt Nam. Đây cũng là 1 trong 10 vấn đề được người dân Việt Nam quan tâm cùng với việc làm và giá sinh hoạt.
Cuộc khảo sát có tên là “Khảo sát Năng lượng tương lai” nhằm mục đích tìm hiểu ý kiến của người dân Việt Nam về tương lai năng lượng.
Theo Liên hợp quốc và Kịch bản năng lượng của Shell, đến năm 2030, dự báo thế giới sẽ cần thêm 40%-50% năng lượng, nước và lương thực để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của nhân loại. Điều đó có thể gây áp lực lên các nguồn tài nguyên sống còn này. Và ngày càng có nhiều người Việt Nam ý thức về các vấn đề này và các biện pháp giải quyết vấn đề.
Khảo sát cho thấy có tới 8/10 người dân cho rằng, thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng cũng như giá năng lượng cao là các vấn đề có thể gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam trong tương lai.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Chủ tịch công ty Shell Việt Nam cho biết: “Các mối quan tâm đến năng lượng sống còn của thế giới ngày càng tăng lên, nước, lương thực và các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đã khiến cho nhiều người Việt Nam suy nghĩ về tương lai năng lượng nghiêm túc hơn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, trong nhiều thập kỷ tới, thế giới sẽ phải huy động toàn bộ các loại năng lượng. Nhưng thách thức đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nước và lương thực trở nên lớn hơn bởi chính mối quan hệ khăng khít giữa chúng, cần phải ứng phó với những thách thức này một các thông minh và đồng bộ”.
Khảo sát Năng lượng tương lai cho thấy, người dân Việt Nam lựa chọn tổ hợp đa dạng các hình thức năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai. Trong đó, nguồn năng lượng được người dân Việt Nam lựa chọn nhiều nhất là năng lượng mặt trời (72%), tiếp theo là năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%). Sử dụng nhiên liệu sinh học cũng được xem là tốt cho môi trường và là một giải pháp làm giảm thải khí CO2 – vấn đề được đa số cộng động Việt Nam cho là rất quan trọng.
Và gần 2/3 người dân Việt Nam tin rằng, công chúng đóng vai trò trong việc xây dựng tương lai năng lượng. Nhiều người dân Việt Nam đã có những biện pháp như: Sử dụng bớt năng lượng (78%) và sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng (74%). Tuy nhiên, họ cho rằng, sự hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ và ngành công nghiệp là chìa khóa để xây dựng các giải pháp năng lượng tương lai, trong đó, chính phủ đóng vai trò quan trọng nhất.
“Các chính sách chủ động, đồng bộ và mạnh mẽ rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của thế giới và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Xã hội cũng có vai trò quyết định trong việc hình thành tương lai của hệ thống năng lượng thế giới. Chúng ta – ngành công nghiệp, chính phủ và xã hội – tất cả đều có trách nhiệm xây dựng một tương lai năng lượng tốt đẹp hơn. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra các bước đột phá và công nghệ mới có thể giúp đa dạng nguồn cung năng lượng thế giới, tăng việc sử dụng các năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu suất”, bà Tuyết cho biết.
Những kết quả chính của cuộc khảo sát do Shell Việt Nam tiến hành: • 7/10 người đánh giá nhu cầu năng lượng là quan trọng. Các vấn đề quan tâm hàng đầu là việc làm và giá sinh hoạt.
• Biến đổi khí hậu (33%) và môi trường (27%) là những yếu tố quan trọng tạo nên mối quan tâm đến năng lượng tương lai. • 8/10 người đánh giá thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng gây ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam trong hoàn cảnh hạn chế về năng lượng. • Năng lượng mặt trời (72%), năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%) được lựa chọn làm nguồn cung cấp năng lượng. • 3/5 người tin tưởng cộng đồng Việt Nam có vai trò lớn nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng. • 8/10 người cho rằng giảm phát thải khí CO2 là quan trọng. • Hầu hết người tham gia khảo sát có các hành vi giảm phát thải khí CO2. Nhiên liệu sinh học được cân nhắc đầu tiên vì tốt cho môi trường và có thể giảm phát thải khí CO2. • 41% tin rằng sự hợp tác là yếu tố hàng đầu trong việc đưa ra các giải pháp năng lượng tương lai. Chính phủ (63%) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng, tiếp theo là người dân Việt Nam (59%) và ngành công nghiệp (53%). |