ThienNhien.Net – Tuy vẫn còn rất nhiều tồn tại cần phải giải quyết trong vấn đề ÔNMT trên địa bàn TP Đà Nẵng, song nếu nhìn tổng quát, những năm gần đây, với sự quyết tâm của chính quyền TP, sự ủng hộ của nhiều DN đóng chân tại các KCN đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường tại Đà Nẵng. Đây là những điểm cộng cho công tác xây dựng, quy hoạch về một nền công nghiệp sạch và hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành TP môi trường.
Hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 8 KCN, trong đó ngoài 2 KCN Công nghệ cao và KCN Công nghệ thông tin tập trung, còn lại 6 KCN chính có hoạt động sản xuất gồm KCN Đà Nẵng, Hòa Khánh, Liên Chiểu, Dịch vụ thủy sản (DVTS), Hòa Cầm, Hòa Khánh mở rộng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, tính đến giữa tháng 5-2013, KCN Hòa Khánh đã hoàn thiện hệ thống giao thông thoát nước mưa, san nền, điện chiếu sáng, cấp nước trong toàn KCN; hệ thống thu gom, đấu nối nước thải hoàn thành trên 80%. Trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung có công suất 5.000 m3/ngày đêm đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2007. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, vận hành Trạm XLNT KCN Hòa Khánh đã bàn giao cho Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. KCN Liên Chiểu đã xây dựng hoàn thành 100% hệ thống giao thông thoát nước, san nền, điện chiếu sáng. Hệ thống XLNT được đầu tư và đi vào hoạt động với công suất 2.000 m3/ ngày đêm.
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng KCN DVTS Đà Nẵng được đầu tư tương đối hoàn thiện, với 90% các tuyến đường đã được thảm nhựa; hoàn thiện hệ thống giao thông, thoát nước, san nền, điện chiếu sáng, cấp nước trong toàn KCN. Hệ thống thu gom nước thải và Trạm XLNT tập trung được đầu tư hoàn thiện, đã hoạt động với công suất 2.000 m3/ngày đêm. KCN Hòa Cầm với diện tích quy hoạch (giai đoạn 1) là 136,73 ha cũng đã xây dựng hoàn thành 90% hệ thống giao thông, thoát nước mưa, san nền, điện chiếu sáng, cấp nước trong toàn KCN; 100% hệ thống thu gom nước thải đi qua các DN trong KCN Hòa Cầm. Hệ thống XLNT tập trung đã được đầu tư hoàn thiện với công suất 2.000 m3/ngày đêm. KCN Hòa Khánh mở rộng với diện tích quy hoạch là 212,12 ha hiện nay cũng đã xây dựng hoàn thành 100% hệ thống giao thông, thoát nước, san nền, điện chiếu sáng, cấp nước trong toàn KCN. Hiện nay Cty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng đang thu gom nước thải của các DN này về xử lý tại Trạm XLNT tập trung KCN Hòa Khánh.
Theo đánh giá ông Lê Tuấn Khanh, Trưởng phòng Quy hoạch môi trường thuộc Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, trong số các KCN ở Đà Nẵng thì KCN Đà Nẵng (An Đồn) do Cty TNHH Massda Land làm chủ đầu tư, được coi là điển hình và thành công nhất của TP Đà Nẵng trong việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế KCN. Đây là KCN đầu tiên tại TP Đà Nẵng sớm hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo mật độ cây xanh chiếm tỉ lệ từ 10-15%. Trạm XLNT tập trung được đầu tư hoàn thiện, công suất 250 m3/ngày đêm và đi vào hoạt động từ năm 2009.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Massda Land cho biết, “bí quyết” để xây dựng một KCN sạch chính là từ việc lựa chọn các DN đầu tư vào KCN. Theo ông Tuấn, DN khi muốn đầu tư vào KCN này phải đảm bảo các yêu cầu về rác thải, nước thải và tỷ lệ xả thải các chất độc hại vào môi trường. Với những điều kiện ngặt nghèo như vậy nhưng đến nay đã có 41 DN đăng ký hoạt động tại KCN này, trong đó 37 DN FDI còn lại là DN trong nước.
Trở lại câu chuyện về nước thải tại các KCN của Đà Nẵng, vài năm trước đây tình trạng ô nhiễm diễn ra trầm trọng, nhưng gần đây khi được sự quan tâm đúng mức và áp dụng cả các biện pháp mạnh để xử lý các DN vi phạm của chính quyền và lãnh đạo địa phương thì các vấn đề ÔNMT đã giảm đáng kể. Đơn cử, vào những năm 2010-2011, khi Trạm XLNT của KCN DVTS Đà Nẵng do Cty TNHH Khoa học và Công nghệ môi trường Quốc Việt (Cty Quốc Việt) có trụ sở tại TPHCM đầu tư xây dựng trạm XLNT tập trung với công suất thiết kế 3.000m3/ngày đêm. Tháng 7-2010 hoàn thành và đưa vào chạy thử nhưng chưa được 3 ngày sau thì trạm này bị vỡ do sự cố kỹ thuật làm cá chết hàng loạt tại vịnh Mân Quang và trong âu thuyền Thọ Quang. Sau khi khắc phục sự cố, Cty Quốc Việt tiếp tục đưa trạm XLNT đi vào hoạt động, dần khắc phục tình trạng ô nhiễm ở KCN và âu thuyền Thọ Quang. Thế nhưng, các DN khi đấu nối vào hệ thống xử lý của Quốc Việt vẫn tìm mọi cách để giảm chi phí và thậm chí… xả thẳng nước thải ra âu thuyền Thọ Quang. Qua nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND TP đã quyết định “thu” lại trạm XLNT này và giao cho Cty Thoát nước và Xử lý nước thải (thuộc Sở TN&MT) quản lý, vận hành từ tháng 4/2012 thì lại có hiệu quả rõ rệt.
Chúng tôi trở lại KCN DVTS Đà Nẵng và Âu thuyền Thọ Quang những ngày giữa tháng 5 này, cảnh hôi hám trước kia giờ đây đã giảm hẳn. Nhiều mảng cây xanh được trồng xung quanh để ngăn mùi cũng đã tươi tốt. Đặc biệt, để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại Trạm này và khu vực Âu thuyền Thọ Quang, giữa tháng 4/2013, UBND TP đã có văn bản giao các sở, ngành liên quan tiến hành đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường khu vực trên. Theo đó, Sở TN&MT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vận hành thường xuyên trạm bơm thông thủy Âu thuyền Thọ Quang để đối lưu nước nhằm giảm thiểu ÔNMT tại khu vực, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng khác thanh, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp gây ÔNMT tại khu vực; những trường hợp không chấp hành, cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và đình chỉ sản xuất.
Rõ ràng, với những gì mà chính quyền và nhân dân Đà Nẵng làm được trong công tác bảo vệ môi trường những năm gần đây cho thấy lượng “điểm cộng” đã nhiều hơn hẳn so với “điểm trừ”. Và hy vọng với những giải pháp xử lý ÔNMT quyết liệt của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong một thời gian không xa nữa các “điểm nóng” sẽ được xử lý triệt để, góp phần xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố môi trường như kế hoạch đã đặt ra.