ThienNhien.Net – Sáng 23/5, tại TP.HCM đã diễn ra buổi họp báo thông tin về đêm sự kiện chính của Chiến dịch “Tiêu dùng sản phẩm xanh” (tiêu dùng xanh). Chiến dịch do UBND TP.HCM chủ trì thực hiện.
9000 ca tử vong/năm do nguồn nước và vệ sinh kém
Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường nước do nước thải khu công nghiệp trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương mặc dù tỉ lệ xây dựng hệ thống xử lí nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.
Theo kết quả thống kê các nguồn thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM từ năm 2010 đến 2012 được thực hiện trên địa bàn 24 quận huyện với 826 nguồn thải, chỉ có khoảng 60% nguồn thải có hệ thống xử lí nước thải, các nguồn thải còn lại chỉ qua xử lí sơ bộ (bể tự hoại) trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, theo điều tra của Bộ Y tế, tổng lượng phát thải chất thải rắn y tế của cả nước khoảng 140 tấn/ngày, trong đó có khoảng 30 tấn là chất thải rắn y tế nguy hại. Khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lí đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm 68%.
Sự ô nhiễm vi khuẩn trong nước cũng gây lo lắng về sức khỏe người tiêu thụ nước, đặc biệt là vào mùa khô, có thể gây các bệnh dịch về đường tiêu hóa như tả, lị, thương hàn… Theo Tổ chức y tế thế giới ghi nhận tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9.000 ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Theo Ngân hàng Thế giới thì ở Việt Nam có đến 80% những ca bệnh lị và tiêu chảy đều do nguồn nước ô nhiễm.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chất lượng không khí cũng đang bị ảnh hưởng. Tại khu vực dân cư, cơ bản nồng độ các chất ô nhiễm không khí đều thấp hơn quy chuẩn quốc gia. Nồng độ chì tuy nhỏ hơn quy chuẩn cho phép, nhưng khá cao nếu so với quy chuẩn của nhiều nước. Mặt khác, diễn biến nồng độ chì khá phức tạp, phụ thuộc nhiều vào thị trường xăng dầu… Với mức độ ô nhiễm như vậy, chắc chắn là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, nhất là những người thường xuyên phải làm việc hoặc sinh sống ở khu vực ven đường.
Tiêu dùng xanh-cải thiện môi trường sống
Trước thực trạng trên, bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống là việc hết sức quan trọng, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Do đó, việc sử dụng sản phẩm xanh của người tiêu dùng xanh là một hành động nhằm cải thiện chất lượng môi trường.
Tại buổi họp báo, Ban tổ chức cũng đã thông tin về 8 dự án môi trường được triển khai trong chiến dịch tiêu dùng xanh năm 2013 diễn ra từ 12/5 đến 20/5 gồm: Dự án Người tiêu dùng tương lai, Ngày cộng đồng sống xanh, Kết nối xanh giữa doanh nghiệp và thế hệ xanh, Khu phố thân thiện môi trường, Tiếp sức cùng người tiêu dùng xanh, Cuộc thi thương hiệu doanh nghiệp xanh – sản phẩm xanh được cộng đồng yêu thích nhất, Tôi yêu sản phẩm xanh, Vũ điệu hành động xanh.
Đặc biệt, đêm sự kiện chính phát động chiến dịch tiêu dùng xanh diễn ra vào ngày 26/5 tại Nhà Văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM) là thời khắc quan trọng để cộng đồng cùng chung tay kêu gọi, thể hiện hành động sống thân thiện với môi trường và hướng tới tiêu dùng xanh.