ThienNhien.Net – Công nghiệp hóa tuy diễn ra ở Việt Nam chưa lâu nhưng đã mang đến nhiều thay đổi tích cực như thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, tiến trình này cũng để lại vô số mặt trái, trong đó có những hệ lụy để lại cho ngành nông nghiệp trồng lúa do ô nhiễm nguồn nước.
Nghiên cứu dưới đây của TS. Huỳnh Việt Khải, Khoa Kinh tế – Quản trị Kinh doanh, Đại học Cần Thơ (Việt Nam) và Phó Giáo sư Mitsuyasu Yabe, Khoa Kinh tế học Nông nghiệp và Tài nguyên, Đại học Kyushu (Nhật Bản) sẽ làm rõ tác động tiêu cực của nước thải công nghiệp tới nghề lúa Việt Nam.
Theo nhóm nghiên cứu, ô nhiễm nước thải chủ yếu bắt nguồn từ những ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam như sản xuất giày dép, nhựa, xi măng, giấy… do phần lớn các cơ sở công nghiệp không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải.
Tuy nhiên, rất khó đo đếm thiệt hại thực tế do ô nhiễm nước thải chưa qua xử lý từ các hoạt động công nghiệp. Và trong cái khó chung, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực xâu chuỗi thông tin kết hợp các phương pháp khoa học để làm sáng tỏ tác động của ô nhiễm nguồn nước lên các cánh đồng lúa.
Tăng chi phí, giảm lợi nhuận và sản lượng
Nghiên cứu của TS. Huỳnh Việt Khải và PGS. Mitsuyasu Yabe dựa trên mô hình thực nghiệm, tập trung vào ba yếu tố chịu tác động của ô nhiễm nguồn nước, bao gồm sản lượng, chi phí và lợi nhuận.
Khu vực nghiên cứu nằm ở Cần Thơ – một trong những điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng là một trong 10 tỉnh ô nhiễm nhất Việt Nam.
Cần Thơ hiện có tổng cộng 6 khu công nghiệp đang hoạt động, đa phần đều thuộc lĩnh vực sản xuất quần áo, hàng tiêu dùng và chế biến nông – thủy sản. Đáng nói, hầu như chưa một khu công nghiệp hay cơ sở công nghiệp đặt gần khu dân cư nào của Cần Thơ được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Hai cơ sở gây ô nhiễm nặng nhất là Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2.
Sau 3 tháng khảo sát những hộ dân trồng lúa ở hai vùng khác nhau thuộc Cần Thơ, vùng sử dụng nước thải từ các khu công nghiệp lân cận (Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2) để tưới tiêu là Phước Thới, vùng còn lại tưới tiêu bằng nước sạch và nằm cách xa các khu công nghiệp là Thới An, nhóm nghiên cứu phát hiện có sự khác biệt rất lớn về sản lượng, chi phí và lợi nhuận của hai vùng này.
Tại vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước thải, sản lượng lúa gạo bị suy giảm đáng kể, chi phí đầu vào các nông hộ phải bỏ ra cũng nhiều hơn, trong khi lợi nhuận vẫn bị giảm sút.
Cụ thể, các kết quả khảo sát chỉ ra rằng sản lượng lúa ở Phước Thới đã giảm 0,67 tấn/ha/vụ, chi phí tăng 0,97 triệu đồng và lợi nhuận giảm 26% do ô nhiễm nguồn nước.
Xét trên diện tích khảo sát 148ha, suy ra sản lượng mỗi vụ giảm tới gần 100 tấn, tổng chi phí tăng thêm mỗi vụ ước tính lên tới xấp xỉ 144 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nguồn nước ô nhiễm còn làm thay đổi lịch canh tác và giảm vai trò của nghề trồng lúa. Nếu trước đó, lúa thường được trồng ba vụ/năm thì nay chỉ còn trồng được từ 1 – 2 vụ/năm ở những khu vực bị ô nhiễm nước thải công nghiệp. Và nếu trước đó, nghề trồng lúa là nguồn thu chủ yếu của nhà nông thì nay, ở một số vùng, nó bị coi là nghề phụ, chỉ đủ đảm bảo nhu cầu lương thực hàng ngày cho các nông hộ…
Giải pháp?
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách phù hợp để đảm bảo phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.
Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có thể học tập chính sách môi trường của các nước phát triển bằng cách tập trung nâng cao các tiêu chuẩn môi trường hiện tại và tăng thuế môi trường.
Giải pháp tăng thuế môi trường không chỉ góp phần thúc đẩy các cơ sở công nghiệp áp dụng công nghệ mới làm giảm ô nhiễm, mà còn giúp tăng thêm ngân quỹ bồi thường cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các khu công nghiệp gần nơi họ cư trú. Ngoài ra, khoản tiền này còn có thể được dùng để xây trạm xử lý nước thải trong các khu công nghiệp.
Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho rằng cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ môi trường bằng cách thiết lập hệ thống minh bạch công khai về các hoạt động liên quan đến môi trường của các đối tượng gây ô nhiễm. Hệ thống này đã từng được đề cập trong Điều 104 Luật Bảo vệ Môi trường (năm 2005) và Điều 23 Nghị định số 80/2006ND-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.
Đây chắc chắn sẽ là một cách tiếp cận mới và hiệu quả giúp cơ quan chức năng dễ theo dõi, nắm bắt hoạt động của các cơ sở công nghiệp, đồng thời tạo sức ép lớn từ cộng đồng buộc các đối tượng gây ô nhiễm điều chỉnh hoạt động theo hướng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trình tự công khai cũng phải được thực hiện một cách rõ ràng, chuẩn xác và có hệ thống.
Cùng với đó, trên cơ sở nghiên cứu về hiệu quả chi phí, khu công nghiệp cần cân nhắc cẩn trọng để quyết định xây trạm xử lý nước thải cho từng nhà máy riêng biệt hay xây một trạm xử lý chung cho cả khu công nghiệp.
Đặc biệt, nghiên cứu khuyến nghị chính phủ không nên quy hoạch các khu công nghiệp mới trên đất nông nghiệp cho năng suất cao, trừ khi các khu công nghiệp này sử dụng công nghệ xử lý ô nhiễm hiện đại nhất. Ngoài ra, các tác động của ô nhiễm môi trường cũng cần được đánh giá nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hậu quả trước khi quá muộn.