Global Witness: HAGL nói “không đúng”

ThienNhien.Net – Trong một thông cáo báo chí vừa phát đi, tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) một lần nữa khẳng định quan điểm cho rằng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch đã “phá rừng” ở Campuchia và Lào.

Global Witness cũng cho rằng, “HAGL có vẻ như quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ hình ảnh của mình trước công chúng”, thay vì giải quyết những vấn đề mà tổ chức này đã đưa ra.

Ba ngày sau khi HAGL tổ chức cuộc gặp mặt nhà đầu tư và báo giới nhằm phủ nhận những cáo buộc mà Global Witness trước đó ít hôm về việc HAGL “phá rừng” ở Lào và Campuchia, vào ngày 20/5, Global Witness – tổ chức được cho là có sự tài trợ của George Soros, nhà tỷ phú nổi tiếng với các thương vụ đầu cơ – đã có thông cáo báo chí đăng tải trên website riêng, trong đó tuyên bố “bảo vệ tất cả những khẳng định và bằng chứng của mình”.

“Tổ chức [Global Witness] đã có tư liệu về những vi phạm pháp lý mang tính hệ thống của HAGL tại cả Campuchia và Lào trong năm 2012. Các dẫn chứng nêu trong báo cáo ‘Rubber Barons’ cho thấy HAGL đã thu thập những diện tích đất lớn, gấp khoảng năm lần mức giới hạn cho phép theo pháp luật ở Campuchia, và đã công khai phớt lờ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội ra sao, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân và rừng tự nhiên ở địa phương”, thông cáo có đoạn viết.

Tỷ phú George Soros (bên trái) và Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức. Global Witness được cho là có sự tài trợ của George Soros, nhà tỷ phú nổi tiếng với các thương vụ đầu cơ.
Tỷ phú George Soros (bên trái) và Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức. Global Witness được cho là có sự tài trợ của George Soros, nhà tỷ phú nổi tiếng với các thương vụ đầu cơ.

Báo cáo mang tên “Rubber Barons” (tạm dịch: “Những ông trùm cao su”) của Global Witness – một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường có trụ sở ở London và Washington – được công bố vào ngày 13/5 cho rằng, các rừng trồng cao su của HAGL ở Lào và Campuchia là vi phạm pháp luật, gây ra những tác động xấu tới người dân và môi trường tại các quốc gia này.

Thông cáo của Global Witness dẫn lời bà Megan McInnes, người đứng đầu chiến dịch về đất đai tại Global Witness, nói: “Thay vì giải quyết những bằng chứng được đưa ra trong bản báo cáo và cải thiện tình trạng cho hàng trăm người dân bị ảnh hưởng trong khu vực, HAGL có vẻ như quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ hình ảnh của mình trước công chúng. Liệu công ty này sẽ làm gì để ngăn chặn sự hủy hoại mà họ phải chịu trách nhiệm?”

Cũng trong thông cáo này, Global Witness một lần nữa nhắc lại thông tin cho rằng, tổ chức này đã gặp gỡ với đại diện của HAGL vào hôm 22/8/2012 tại Pleiku để đưa ra những bằng chứng mà báo cáo “Rubber Barons” đề cập đồng thời đề xuất các bước đi mà HAGL nên thực hiện để khắc phục vấn đề.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 17/5, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức khẳng định, toàn bộ nhân viên và lãnh đạo HAGL chưa hề gặp Global Witness hay nhận các thông tin liên quan đến ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cáo buộc phá hoại rừng và cuộc sống của người dân tại Lào và Campuchia.

Theo Global Witness, sự phủ nhận của ông Đức đưa ra trong cuộc họp báo nói trên là “không đúng”. Tổ chức này khẳng định, cuộc gặp giữa họ với HAGL đã diễn ra “sau một loạt trao đổi email trong vài tuần. Trong khoảng thời gian đó, công ty tuyên bố không muốn thực hiện những đề xuất này. Vào tháng 3/2013, Global Witness viết thư cho HAGL, đề nghị cung cấp thông tin cập nhật về việc công ty đã làm gì kể từ tháng 8/2012, nhưng công ty không trả lời”, thông cáo viết.

Global Witness cho hay, hiện họ đang thực hiện đối thoại với ông Đức và các đồng nghiệp của ông về một cuộc gặp tiếp theo tại Pleiku vào tháng 6 tới đây.

“Global Witness hoan nghênh lời mời của HAGL tới thăm các khu rừng trồng cao su của họ. Nhưng chúng tôi đã tới thăm các dự án này một số lần trong năm 2012. Vì thế, ở giai đoạn này, chúng tôi tin sẽ là hiệu quả hơn nếu cùng với công ty thảo luận trực tiếp về các kết quả nghiên cứu của chúng tôi và cách thức hành động thế nào để giải quyết vấn đề”, thông cáo của Global Witness khép lại.

Vụ việc với Global Witness một lần nữa cho thấy HAGL hay gặp rắc rối với các tổ chức nước ngoài. Trước đây, HAGL đã từng liên tục bị các hãng đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard&Poor’s và Fitch liên tục đưa ra các cảnh báo xấu, hạ bậc tín nhiệm.

Đến tháng 10 năm ngoái, Standard&Poor’s bất ngờ tuyên bố rút lại đánh giá tín nhiệm HAGL theo yêu cầu của công ty này. Sau đó, Fitch cũng tuyên bố thôi đánh giá HAGL vì không có đủ thông tin. Đến nay, HAGL không còn “bị” tổ chức đánh giá tín nhiệm nào đánh giá nữa.