ThienNhien.Net – Thay vì xử lý nước thải theo quy định, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Saehan Vina (Hàn Quốc) lại đào hầm để chứa gây sụt lún nhiều hộ dân gần đó, thậm chí nước thải thẩm thấu còn trào ngược lên từ nền nhà.
Nhiều hộ dân sống tại tổ 11, khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh khoảng giữa năm 2010, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Saehan Vina (Hàn Quốc), nằm trong cụm công nghiệp Phước Long, quận 9 hoạt động ngành nghề dệt nhuộm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nhà cửa và sức khỏe người dân sinh sống tại đây.
Người dân đã khiếu nại sự việc lên phường, lúc đó đại diện Công ty Saehan Vina cam kết sẽ khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, thay vì có biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, phía công ty chỉ đào một hầm chứa nước thải và đắp một bờ ngăn với khu phố. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng bởi nước thải độ hại thẩm thấm vào lòng đất, gây sụt lún đất khu vực xung quanh.
Mỗi khi trời mưa hoặc khi nhà máy xả thải nhiều, nước thải màu đem và hôi tanh tràn ra khu dân cư. Đó còn chưa kể hàng đêm, nhà máy Công ty Saehan Vina còn cho vận hành công suất lớn, khí thải xả ra bốc mùi nồng nặc khắp vùng.
Việc nhà máy của Saehan Vina đào hầm chứa nước thải đã khiến nhiều nhà dân quanh đó bị sụt, lún, nứt nghiêng, có nhà nghiêng đến 30 độ (như nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, số nhà 35/52A, đường 297), không những thế, nước thải còn trào ngược từ nền nhà lên.
Bà Nguyễn Thị Thà (số nhà 35/30, đường 297) bức xúc: Do nước thải bên công ty ngấm sang nền đất nhà dân lâu ngày khiến cho nền đất sụt xuống. Gia đình bà có cháu nhỏ 4 tuổi thường xuyên ho suyễn, tháng nào cũng phải đi viện.
Nhiều người trong tổ 11 cũng cho rằng chính khói bụi và nước xả thải của công ty đã khiến cho con cháu của họ bị các bệnh về hô hấp.
Tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài gần 3 năm nay nhưng không thấy công ty Saehan Vina khắc phục hậu quả. Người dân ở đây đề nghị công ty sớm chấm dứt ngay vi phạm, xử lý nước thải và bồi thường thiệt hại.
Phường Phước Long B cũng đã đề nghị công ty sớm giải quyết yêu cầu chính đáng nói trên của người dân nhưng phía công ty vẫn không có ý kiến gì.
Ngày 15/12/2011, Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B có công văn gửi Ủy ban Nhân dân quận 9 báo cáo việc lợi dụng ban đêm Công ty Seahan Vina đã xả trực tiếp nước thải và khói bụi ra môi trường, gây bức xúc trong nhân dân và đề nghị lãnh đạo quận cho kiểm tra, xử lý.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thu Hoài, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Saehan Vina chỉ là một trong các công ty thuê lại mặt bằng của Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Long. Công ty Phước Long chịu trách nhiệm về xử lý nước thải cho các công ty thuê lại mặt bằng này.
Do đường ống thu gom nước thải của Công ty Phước Long rò rỉ nên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9 đã từng lập hồ sơ xử phạt hành chính.
Trong năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã trực tiếp xuống làm việc 2-3 lần với Công ty Phước Long, còn Ủy ban Nhân dân quận 9 đã mời công ty lên họp giải quyết nhưng hai lần công ty này không chấp hành.
“Nếu công ty nghiêm túc thực hiện thì vụ việc đã không kéo dài và gây bức xúc cho người dân như thế,” bà Trần Thị Thu Hoài nói.
Ngày 7/9/2012, Ủy ban Nhân dân quận 9 đã lập danh sách các công ty gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn quận gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố xử lý triệt để (buộc phải di dời ra khu dân cư), trong đó có Công ty Saehan Vina.
Tiếp đó, ngày 24/12/2012, trong công văn gửi lãnh đạo Công ty Phước Long, ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 9 đã “phê bình về tinh thần không hợp tác và hỗ trợ cùng cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc giải quyết kiến nghị của người dân, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với cơ quan quản lý Nhà nước của Công ty Phước Long.”
Ủy ban Nhân dân quận 9 đề nghị công ty này phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thông tin đối thoại với người dân và hợp tác cùng chính quyền địa phương.
Tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn tiếp diễn, Công ty Saehan Vina vẫn ngang nhiên vi phạm các quy định về môi trường, còn người dân vẫn đang sống với nỗi lo sợ thường trực về sự ô nhiễm cũng như nguy cơ sụt lún của nền nhà.