ThienNhien.Net – Phải nhường nhà cửa, nương rẫy cho thủy điện để đến nơi ở mới, những tưởng cuộc sống người dân sẽ tốt lên. Thế nhưng, 9 năm sau, đời sống người dân tại các khu tái định cư thủy điện ở Quảng Nam vẫn bấp bênh.
Tái định cư = tái nghèo
Một ngày giữa tháng 5-2013, chúng tôi vượt gần 200km từ Đà Nẵng tìm đến khu tái định cư A Lua và K’la thuộc xã Dang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Hai khu tái định cư này nằm cheo leo bên mé hồ thủy điện A Vương như có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Để đến được đây, chúng tôi phải vượt gần 30km đường gập ghềnh, quanh co và băng qua những cánh rừng Trường Sơn.
Hai thôn A Lua và K’la trước đây nằm ở khu vực lòng hồ thủy điện A Vương. Khi thủy điện bắt đầu tích nước, 115 hộ dân với 539 nhân khẩu của 2 thôn này phải đến tái định cư ở bờ hồ thủy điện, cách nơi ở cũ khoảng 1km. Tuy nhiên, đến nơi ở mới, hàng trăm hộ dân này lại rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong” khi hồ thủy điện ngày càng nuốt làng. Đã 9 năm trôi qua, hồ thủy điện gần như nuốt chửng cả ngôi làng.
Anh Zơrâm Sinh (trú thôn K’la, xã Dang) chỉ tay về ngôi nhà của mình, nơi vợ chồng anh và 4 con sinh sống, nằm bên bờ vực hồ thủy điện A Vương, than thở: “Trước đây tưởng đến nơi ở mới có nhà cửa khang trang là sướng, ai ngờ dân mình còn khổ hơn. Ruộng vườn chìm sâu dưới lòng hồ, nương rẫy bị lòng hồ chia cắt không có đường qua. Muốn đi làm rẫy phải đi bộ vòng quanh, xa lắm. Dân mình không còn việc để làm. Mấy năm qua, cả làng mình bị hồ thủy điện sạt lở đe dọa, nó có thể nuốt cả làng bất cứ lúc nào. Cứ đến mùa mưa là cả làng không ngủ vì sợ sạt lở cuốn trôi nhà cửa, tài sản và con người”.
Hiện nay, toàn bộ đường ô tô của làng K’la bị hồ thủy điện cuốn trôi. Sạt lở cũng ăn sâu vào sát vách nhà dân. Để đi lại, người dân phải biến hiên thành đường đi, một số chỗ phải dùng ván gỗ lót mới có thể đi được, chứ không còn cách nào khác.
Trong khi đó, sạt lở cũng đe dọa đến trụ sở UBND xã và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Dang cùng hơn 500 cán bộ, giáo viên và học sinh. Hàng ngày, 46 cán bộ xã và 466 học sinh và thầy cô giáo làm việc, dạy và học trong thấp thỏm nỗi lo trường sập xuống hồ. Cùng cảnh ngộ như người dân thôn K’la, 68 hộ dân thôn A Lua cùng 320 nhân khẩu bị sạt lở hồ thủy điện đe dọa “xóa sổ”.
Anh Hóih ATuân, Trưởng thôn A Lua (Badul hiện nay), cho biết: “Trước đây dân làng mình có nhiều ruộng lúa nước, nhiều rẫy nên đời sống ổn định lắm. Kể từ khi phải nhường đất cho thủy điện, dân mình đến nơi ở mới nhà cửa kiên cố nhưng đời sống bấp bênh vì không còn đất để sản xuất. Sau 9 năm tái định cư chưa làm ăn được gì hết, đời sống còn khó khăn thì nay chúng tôi lại phải di dời đến nơi ở mới vì sạt lở hồ thủy điện đe dọa cả làng. Không biết đến khi nào dân làng mới ổn định cuộc sống”.
Tái định cư “khu tái định cư”!
Cả 2 khu tái định cư A Lua và K’la trước đây đều do chủ đầu tư dự án thủy điện A Vương thực hiện. Tuy nhiên, do không khảo sát địa hình kỹ, đồng thời không nắm được nguyện vọng, phong tục tập quán của người dân nơi đây nên 2 khu tái định cư này là một “tập hợp những bất cập”.
Trước nguy cơ sạt lở hồ thủy điện, tháng 7-2012, UBND huyện Tây Giang đã di dời khẩn cấp toàn bộ 68 hộ và 320 nhân khẩu của khu tái định cư A Lua về Badul cách đó khoảng 6km. Hiện UBND huyện cũng đang hoàn thành mặt bằng để bố trí tái định cư cho 47 hộ với 219 nhân khẩu của thôn K’la trước tháng 6-2013 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, nhất là vào mùa mưa.
Năm 2012, UBND huyện Tây Giang đã xây dựng đề án tái định cư làng tái định cư thủy điện với kinh phí lên đến gần 45 tỷ đồng (trong đó EVN hỗ trợ trên 12 tỷ đồng). Để tránh “vết xe cũ” của hai khu tái định cư trước đây, lãnh đạo UBND huyện cùng các phòng ban liên quan đi nghiên cứu từ công tác thực địa, nghiên cứu nguồn nước, phong tục tập quán của người dân và cả nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân trước khi chọn địa điểm tái định cư.
Anh Ông Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Dang, cho biết: Sạt lở lòng hồ thủy điện A Vương hiện nay gần như xóa sổ hoàn toàn hai thôn A Lua và K’la nên chính quyền đang gấp rút di dời toàn bộ dân hai thôn này đến nơi ở mới cách nơi cũ khoảng 6km. Hiện nay thôn K’la, trụ sở UBND xã và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Dang đang chờ di dời. Có thể nói, người dân hai thôn A Lua và K’la bắt đầu lại từ đầu sau 9 năm tái định cư.
Tuy nhiên cái khó nhất hiện nay là đường giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Do nhiều năm qua cuộc sống không ổn định nên toàn xã có 380 hộ thì có đến 300 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 80%.
Nhường đất cho thủy điện, sau 9 năm, đời sống người dân tái định cư chưa kịp ổn định nơi ở mới thì nay họ phải một lần nữa di dời bởi những bất cập. Và không biết đến khi nào người dân ảnh hưởng bởi dự án thủy điện mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn?
“Trước đây, chủ đầu tư dự án thủy điện trực tiếp làm các khu tái định cư. Tuy nhiên, do không nắm được tâm tư nguyện vọng cũng như phong tục tập quán của người dân nên họ đầu tư xây dựng làng khang trang nhưng người dân không đồng tình. Ngoài ra, họ xây dựng các khu tái định cư quá xa với đất rẫy hoặc nơi không có đất cho dân làm rẫy, nên đời sống người dân tái định cư gặp khó khăn. Để giải quyết những bất cập đó, lần đầu tiên UBND huyện Tây Giang chấp nhận bỏ tiền ra “tái định cư khu tái định cư” thủy điện để sớm ổn định đời sống người dân”
Ông Phạm A, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang |