ThienNhien.Net – Trong phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai về nước ngày 20/5, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu nhấn mạnh việc Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là kinh nghiệm đối phó với thảm họa thiên nhiên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh nguồn nước và dễ bị tổn thương do thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai đã cướp đi sinh mạng của khoảng 400 người, thiệt hại kinh tế ước khoảng 1,2% GDP. Việt Nam cũng đã ban hành và triển khai nhiều chiến lược liên quan tới an ninh nguồn nước và phòng chống thảm họa liên quan tới nước.
Phó Thủ tướng đã đưa ra ba đề xuất nhấn mạnh tới việc xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về luật sử dụng các nguồn nước quốc tế; tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và khai thác nguồn nước; thống nhất định hướng chiến lược chung của khu vực để cùng quản lý nguồn nước, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững nguồn nước.
Việt Nam rất coi trọng và đang chủ động hợp tác hiệu quả trong vấn đề chia sẻ nguồn nước trên các sông xuyên biên giới, đặc biệt là với các quốc gia sông Mê Kông trong các khuôn khổ Ủy hội Mê Kông quốc tế, Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông (ACMECS).
Các hành động này của Việt Nam liên quan tới an ninh nguồn nước và đối phó với thách thức thảm họa thiên nhiên liên quan tới nước đã được đánh giá cao bởi nó phù hợp với chủ đề cũng như mục tiêu của Hội nghị lần này.
Trong những ngày qua, Hội nghị đã tập trung bàn về bảy vấn đề chính là An ninh kinh tế, lương thực và nguồn nước; an ninh nguồn nước đô thị; an ninh môi trường nước; thách thức của thảm họa liên quan tới nước; an ninh nguồn nước hộ gia đình; rủi ro và khả năng phục hồi nguồn nước; và tiến trình thống nhất quản lý nguồn nước cho một thế giới an toàn về nước.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương đều đã nhất trí về giải pháp đưa ra kế hoạch hành động cho khu vực trong lúc lũ lụt đang đặt ra nhiều thách thức cho người dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực chịu nhiều thảm họa nhất trên thế giới.
Theo Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 60% dân số thế giới, nhưng chỉ có khoảng 30% lượng tài nguyên nước toàn cầu và cứ một trong năm người tại khu vực này thiếu nước sạch sử dụng. Hiện tượng toàn cầu ấm lên đang làm thay đổi thời tiết và các hệ sinh thái, làm cho thiên tai ngày càng khó lường hơn cả về quy mô và cường độ. Chỉ tính riêng giai đoạn 2000-2009, đã có trên 20.000 người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị chết do lũ lụt.
Bà Yingluck cũng cho rằng nước là nguồn sống của con người, nếu không có nước con người sẽ không thể tồn tại. Thảm họa thiên tai liên quan tới nước hiện đang trở nên khó lường, đe dọa cuộc sống của người dân không chỉ riêng ở quốc gia nào. Bà Yingluck đã kêu gọi các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương hợp tác để đối phó với những thách thức của thảm họa thiên nhiên liên quan tới nước.
Nguồn nước là rất quan trọng bởi nó là nguồn sống, là nhân tố của mầm bệnh, đồng thời cũng là nhân tố đằng sau những sự kiện và thảm họa thiên tai. Hiện nay, nguồn nước được coi là cơ chế cho khả năng hợp tác giữa các chính phủ và giữa các cộng đồng. An ninh nguồn nước và vấn đề chỉ đạo trong phát triển kinh tế, xã hội là những nhân tố quan trọng trong vai trò lãnh đạo của các nhà lãnh đạo khu vực.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng trưởng dân số kết hợp với công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm gia tăng nhu cầu về nước, dẫn tới những hậu quả thiếu nước, ôn nhiễm nguồn nước, tranh chấp và xung đột về nước, sản xuất lương thực suy yếu, thảm họa thiên tai liên quan tới nước… tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp nước sạch và hệ sinh thái liên quan tới nước. Những vấn đề này buộc các nước trong khu vực phải có sự hiểu biết rộng hơn, toàn diện hơn đối với an ninh nguồn nước và những thách thức của thảm họa thiên tai liên quan tới nước.
Hội nghị thượng đỉnh về nguồn nước lần thứ hai này đã hoàn thành mục tiêu to lớn là tạo cho các nhà lãnh đạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cơ hội để thúc đẩy đối thoại tích cực nhằm đi tới sự hợp tác hiệu quả trong khu vực về an ninh nguồn nước và thách thức của thảm họa thiên nhiên liên quan tới nguồn nước.
Hội nghị ra Tuyên bố Chiang Mai nhằm thể hiện việc các nhà lãnh đạo trong khu vực đánh giá cao tầm quan trọng của nguồn nước và việc phối hợp trong quản lý nguồn nước để đạt được lợi ích cao nhất, đồng thời giảm bớt thảm họa liên quan tới nước. Tuyên bố đã thể hiện vai trò chỉ đạo và cam kết của các nhà lãnh đạo đối với việc quản lý nguồn nước, bao gồm an ninh nguồn nước và làm thế nào để đối phó với thảm họa liên quan tới nước đang tác động ngày càng nhiều đối với cuộc sống loài người.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai về nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp xã giao với Thủ tướng nước chủ nhà Yingluck.
Hai bên khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tiến tới việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, dự kiến trong năm nay.