ThienNhien.Net – Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Khu bảo tồn Kim Hỷ) rộng lớn, trải rộng trên địa bàn bảy xã thuộc hai huyện Na Rì và Bạch Thông (Bắc Cạn). Từ khi kiểm lâm quản lý được cưa máy thì tình hình khai thác gỗ quý hiếm trái phép giảm hẳn.
Với một người dân địa phương, một ngày vào rừng cắt hai cục thớt đường kính 40 cm, dày 30 cm, đưa ra khỏi rừng trót lọt, bán cho “đầu nậu” là đã kiếm được năm trăm nghìn đồng, bằng làm một sào ruộng trong cả năm.
Giá trị như vậy nên nhiều người dân địa phương bỏ ruộng đất, vườn bãi hoang hoá, bán trâu, thậm chí vay cả tiền ngân hàng để mua sắm cưa máy (còn gọi là cưa lốc) vào rừng khai thác gỗ quý hiếm.
Đầu năm 2012, thống kê của kiểm lâm khu bảo tồn, tại các thôn, bản trong vùng lõi và vùng đệm có 316 cưa máy, nhiều hộ có hai cưa, trị giá 13- 15 triệu đồng/ cưa. Nghiến là loài cây rất cứng, dùng búa phải mất hai ngày mới chặt đổ cây nghiến có đường kính một người ôm, nhưng với chiếc cưa máy trong tay, sau 20 phút đã hạ được cây nghiến.
Vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn Kim Hỷ có 61 thôn, bản với tổng số 2.601 hộ, gần 12.300 người. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, lười lao động, nhiều người thường vào rừng khai thác gỗ quý hiếm. Giám đốc Khu bảo tồn Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận: “Rừng núi đá rộng lớn, địa hình hiểm trở, người dân sinh sống bên trong và chung quanh, nếu không quản lý được cưa máy thì chúng tôi không thể bảo vệ được gỗ quý hiếm”.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Quy chế quản lý cưa máy, thời gian qua Ban Quản lý Khu bảo tồn tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền bảy xã ban hành nghị quyết quản lý cưa máy. Thành lập các tổ công tác, bao gồm lãnh đạo chủ chốt các xã, công an, cán bộ kiểm lâm đi đến từng thôn, bản, vào từng gia đình vận động người dân đăng ký sử dụng, đưa cưa máy đến các trạm, chốt của kiểm lâm để quản lý.
Chốt kiểm lâm Nà Lẹng đặt tại trụ sở xã Ân Tình có ba kiểm lâm viên phụ trách tiểu khu 188, 194 thuộc khu bảo tồn và quản lý cưa máy tại hai thôn Nà Lẹng, Cốc Phe. Chốt trưởng Nông Minh Hải cho biết: “Thống kê đầu năm 2012, hai thôn này có hơn 20 cưa máy, đến nay bà con đã đưa ra chốt 12 cưa máy để chúng tôi quản lý. Khi có nhu cầu sử dụng, bà con khai báo dùng vào việc gì, ở đâu, bao giờ xong lại giao nộp cưa máy cho chúng tôi”. Anh Nông Công Hiến ở thôn Nà Lẹng tâm sự: “Khi nào đến chốt kiểm lâm lấy cưa máy về dùng cũng được, dùng xong lại mang đến để kiểm lâm quản lý. Tuy nhiên, đôi khi chỉ cưa cành củi cũng phải đi lấy cưa về nên cũng không tiện lắm”.
Bản Thẳm Mu, xã Ân Tình, có 24 hộ, lúc cao điểm cả thôn có 16 cưa máy. Cuối năm 2012 chốt Thẩm Mu được xây dựng ngay tại thôn có hai kiểm lâm “cắm bản”, khu vực rừng ở đây được tuần tra, kiểm soát thường xuyên; kiểm lâm và chính quyền địa phương vận động, có sáu hộ đưa máy đến chốt kiểm lâm để quản lý, số còn lại thấy không còn điều kiện sử dụng cưa máy để khai thác rừng trái phép nữa nên đến nay bán hết cưa.
Hạt phó kiểm lâm Khu bảo tồn Kim Hỷ Nguyễn Đức Chức cho biết: Các trạm, chốt kiểm lâm phải cử cán bộ thường xuyên thường trực để lúc nào bà con đến lấy cưa máy về sử dụng vào những việc chính đáng cũng được đáp ứng, thậm chí khi cần thiết kiểm lâm còn mang cưa đến tận nhà nhằm giảm đến mức thấp nhất phiền hà cho nhân dân.
Khi thực hiện quy chế từ đầu năm 2013 đến nay, có gần 50% số cưa máy trên địa bàn bảy xã được đưa về các chốt, trạm để kiểm lâm quản lý; kiểm lâm Khu bảo tồn Kim Hỷ phấn đấu đến hết năm nay, toàn bộ số cưa máy hiện có sẽ được quản lý, giám sát sử dụng.
Cùng với việc thực hiện quy chế quản lý cưa máy, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn điều động, tăng cường năm kiểm lâm, thành lập mới thêm tám chốt, trạm tại những nơi xung yếu, cửa ngõ ra vào Khu bảo tồn Kim Hỷ nhằm ngăn chặn việc đưa cưa máy, phương tiện vào rừng khai thác trái phép. Các tổ, chốt tuần tra truy quét các ổ, nhóm khai thác vàng, khai thác lâm sản trong rừng thường xuyên. Thấy không còn cơ hội sử dụng nữa, thời gian vừa qua rất nhiều hộ đã bán cưa máy, không còn tư tưởng lúc nào cũng rình rập, lợi dụng sơ hở của kiểm lâm để vác cưa vào rừng khai thác gỗ quý hiếm, thớt nghiến.
Ông Nguyễn Tiến Dũng đánh giá, thực hiện quy chế quản lý cưa máy, từ đầu năm đến nay số vụ khai thác gỗ quý hiếm trái phép trong khu bảo tồn giảm đến 80% so với trước. Các đối tượng trước đây quen sống dựa vào rừng, nay không có cơ hội sử dụng cưa máy để khai thác lâm sản trái phép đã yên tâm lao động sản xuất, chăn nuôi tại gia đình.