ThienNhien.Net – Trong 5 năm qua, lực lượng Kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 130.000 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển quản lý và bảo vệ rừng.
Hiện nay lực lượng kiểm lâm có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành với gần 12.000 người. Trong 5 năm qua, lực lượng Kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 130.000 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển quản lý và bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc giữ rừng còn ngày càng gian nan khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng.
Những người làm công tác bảo vệ rừng ở địa phương cho biết: Nhiều khi người quá ít, anh em kiểm lâm phát hiện ra mà không thể xử phạt hay bắt giữ. Trong khi các đối tượng vi phạm ngày càng hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn.
Thừa nhận thực trạng này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay: Hiện nay hệ thống Kiểm lâm còn tồn tại nhiều bất cập như tổ chức kiểm lâm ở nhiều địa phương chưa thống nhất, có nhiều cơ chế chỉ đạo điều hành, chế độ chính sách, trang thiết bị khác nhau… khiến tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản còn diễn biến phức tạp, gây bức xức trong dư luận.
Trên thực tế lực lượng Kiểm lâm toàn quốc hiện chiếm khoảng 95% biên chế hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp nhưng chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành, phù hợp. Cùng với đó, việc chưa có lực lượng chữa cháy rừng chuyên ngành, trang thiết bị hạn chế, lạc hậu khiến công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức chữa cháy rừng, đặc biệt là cháy lớn còn bị động và lúng túng.
Để giải quyết những bất cập trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án toàn diện về nâng cao năng lực của kiểm lâm trong đó có nâng cao trang thiết bị, rà soát lại hệ thống chính sách nhất là đối với kiểm lâm ở cơ sở và tăng biên chế cho lực lượng này từ nay đến năm 2015 cho phép tăng thêm 3.000 cán bộ kiểm lâm.
Đồng thời, việc đấu tranh với lâm tặc còn cần có sự nâng cao trách nhiệm đấu tranh với lâm tặc từ chính quyền các cơ sở. Chính quyền các địa phương phải là người tổ chức chỉ huy người lãnh đạo các lực lượng phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm để bảo vệ rừng. Riêng đối với kiểm lâm phải thực hiện tốt Đề án nâng cao năng lực chỉnh đốn lực lượng tiếp tục phát động sâu rộng thiết thực và thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trong các tổ chức Đảng trong kiểm lâm phải làm một cách rất đúng đắn nghiêm túc và kiên trì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Về lâu dài, cần tập trung giải quyết hiện tượng “người nghèo sống ở trong rừng đi làm thuê cho lâm tặc”. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội để đừng vì những khó khăn trước mắt mà chúng ta mất đi những cái quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta cả hàng trăm năm nữa cũng khó mà khôi phục được, ông Tuấn nói.