ThienNhien.Net – Ngân hàng Thế giới (WB) đang quay trở lại với chính sách mà Ngân hàng này đã từ bỏ cách đây một thập kỷ trong nỗ lực thúc đẩy các dự án thủy điện quy mô lớn trên khắp thế giới và xem đây như một giải pháp quan trọng để hóa giải mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và kiểm soát lượng phát thải các-bon.
Vốn vay cho phát triển thủy điện của WB đang tăng đều đặn trong những năm gần đây và xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp diễn trong bối cảnh bùng nổ toàn cầu về thủy điện.
Các dự án thủy điện quan trọng ở Congo, Zambia, Nepal và một số khu vực khác được biết là một phần hoạt động gây quỹ của Ngân hàng từ các quốc gia giàu có.
Các dự án này từng bị tẩy chay vào những năm 1990, một phần vì chúng có thể ảnh hướng tới cộng đồng và hệ sinh thái. Nhưng giờ đây, chúng lại có hy vọng khi WB nhìn nhận các dự án thủy điện lớn là giải pháp quan trọng giúp châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á… giảm nghèo mà vẫn kiểm soát được lượng phát thải các-bon.
Tuy nhiên thực tế, đây vẫn còn là quan điểm gây tranh cãi bởi mặc dù những đập thủy điện lớn sản xuất ra điện sạch và rẻ hơn nhưng trong quá trình xây dựng khó tránh khỏi phải di chuyển những ngôi làng trong vùng hồ thủy điện, đồng thời hủy hoại sinh kế của người dân.
Trước đó, năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo đánh giá về thủy điện. Báo cáo một mặt thừa nhận những rủi ro lớn về môi trường và xã hội của các đập lớn, song mặt khác khẳng định tiềm năng thủy điện to lớn chưa được khai thác ở châu Phi và châu Á có thể giúp cấp điện cho hàng trăm triệu người thiếu điện.
Tin rằng năng lượng chính là chìa khóa đưa các nước thoát nghèo, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, đang nỗ lực theo đuổi chính sách thúc đẩy các dự án thủy điện quy mô lớn mà Ngân hàng đã từ bỏ cách đây một thập kỷ bất chấp những hồ nghi cho rằng các dự án lớn này có lợi cho phía chủ đầu tư thủy điện hơn là các cộng đồng nghèo địa phương.