ThienNhien.net – Báo cáo của Ngân hàng Thế giới phát hành ngày 16/5 dự báo tới năm 2030 các nước đang phát triển sẽ kiểm soát một nửa lượng tiền đầu tư của thế giới, tương đương với 158 ngàn tỷ USD (tính theo tỷ giá USD năm 2010), trong đó lớn nhất là các nước thuộc khu vực Đông Á và Mỹ Latinh. Cũng tới thời điểm đó, các nền kinh tế đang phát triển sẽ chiếm từ 87 đến 93% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo, thị trường tài chính của các nước như Brazil, Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông sẽ phát triển đáng kể, và với đà này, đến năm 2030, tốc độ phát triển tài chính của các nước này có thể sánh ngang tốc độ phát triển của Mỹ đầu những năm 1980.
Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ là những nước có lượng đầu tư lớn nhất khi đó, chiếm khoảng 38% đầu tư toàn cầu, tương đương tổng đầu tư của các nước phát triển. Chỉ riêng Trung Quốc cũng có thể chiếm 1/3 đầu tư toàn cầu, trong khi tổng đầu tư của ba nước Brazil, Ấn Độ và Nga sẽ vào khoảng 13%, lớn hơn lượng đầu tư của Mỹ.
Maurizio Bussolo, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới khẳng định, đến năm 2030, mỗi USD đầu tư trên thế giới, sẽ có 66 cent của các nước đang phát triển.