ThienNhien.Net – Sông Hậu đoạn từ thành phố Cần Thơ đến vùng cửa biển Định An, Trần Đề như một dải lụa thướt tha được tô điểm bởi những cù lao xanh và những cồn cát trắng. Có đi mới biết mỗi cù lao có một nỗi trăn trở riêng. Đời sống bà con nơi đây có những lúc tưởng chừng đã đạt được sung túc, thịnh vượng, cứ thế mà đi lên…
Vựa mía đắng nơi cửa biển
Hàng chục năm qua, người ta biết tới Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là một vựa mía lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dù trước đó khu vực này chủ yếu trồng cây bần xanh.
Có mặt tại rạch Bần Xanh, ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung, chúng tôi gặp cụ Huỳnh Văn Nghị (86 tuổi) trong căn nhà lợp mái lá dừa nước mát rượi dưới hàng dừa. Hai vợ chồng cụ Nghị sống trong căn nhà này đã gần một đời người. Dù tuổi cao, không còn sung sức như thời trẻ nhưng cụ hàng ngày, hai cụ vẫn chặt lá dừa nước về phơi khô rồi bán, trồng rau, trồng mía, hưởng cuộc sống thanh bình giữa bốn bề sông nước.
Cụ Nghị cho hay, ngày xưa, khu vực này chủ yếu là cây bần xanh, sau đó bị đốn hạ để làm ruộng lúa. Một thời gian dài, người dân lại chuyển từ trồng lúa sang trồng mía vì cây mía dễ canh tác lại cho thu hoạch cao, có lúc mỗi công(*) cho tới 15 tấn. Bảy người con cụ cũng nhờ vậy mà được học hành tử tế, có công ăn việc làm.
Năm 1958, khi gia đình cụ về rạch Bần Xanh ở mới chỉ có 2 nóc nhà. Rừng bấy giờ còn hoang vu và nhiều trăn, rắn, kỳ đà, đến nay đã có gần trăm nóc nhà sống quây quần bên đồng mía. Giờ dân ấp không trồng bần nữa nhưng cuộc sống khỏe hơn trước nhiều. Đất đai thì nhà nước cấp cho, như gia đình cụ Nghị có 17 công đất để chia cho con cháu trồng mía.
Theo báo cáo của địa phường, cây mía là cây trồng chủ lực, chiếm đến 8000ha trong tổng số 14.000 ha đất nông nghiệp của huyện, nghĩa là già nửa diện tích đất nông nghiệp toàn huyện. Nhiều năm trước, không ít hộ gia đình đã giàu lên nhờ cây mía. Thương lái đến nhận mía tận chân ruộng, lại được giá.
Thế nhưng, chưa bao giờ giá mía ở Cù Lao Dung lại rớt thảm như hiện nay. Mía của vụ cuối năm ngoái lẽ ra đến tháng 4 đã phải thu hoạch xong, nhưng nay đã sang tháng 5 mía vẫn còn đầy đồng vì ế. Người dân chỉ nghe phong thanh thông tin từ thương lái rằng năm nay sức mua của một số nhà máy giảm do giá đường thế giới giảm.
Quả thực việc lo đầu ra sản phẩm vẫn ngoài tầm suy tính của bà con. Thấy một số nhóm hộ được công ty đặt mua mía với giá cao thì bà con khác cứ theo đó mà trồng. Tới khi thu hoạch lại hoàn toàn trông chờ vào thương lái.
Giá mía thấp nên rất nhiều hộ ở Cù Lao Dung lỗ nặng. Được biết, ngoài tiền thuê nhân công chăm sóc, giống, phân bón đầu tư trực tiếp vào cây mía thì bà con ở đây còn phải góp công kè bờ kênh mương nội đồng nhằm tránh cho nước sông dâng cao tràn vào ruộng mía gây ngập úng.
Một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cù Lao Dung cho biết: “Vào tháng 9, 10 hàng năm là thời điểm nước dâng cao nhất nên phải túc trực 24/24, đã có lúc bể mấy chục đoạn đê dẫn đến nước ngập ruộng mía gây chết… Nông dân trồng mía mất mùa ngoài do con người còn có tác động không nhỏ từ thiên nhiên”.
“Huyện Cù Lao Dung gồm 7 xã, 1 thị trấn với gần 60.000 người dân sinh sống, chủ yếu là trồng mía cung cấp cho bốn nhà máy đường lân cận. Huyện nằm giữa sông Hậu và hai cửa Định An, Trần Đề. Trước đây có thêm cửa Ba Sắc nhưng đã bị bồi lấp. Quanh huyện có bốn bến phà lớn hoạt động đưa khách qua sông”- Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT Cù Lao Dung cho biết. |
“Cồn trái cây” bí đầu ra
Cồn Tân Quy hay còn có tên gọi khác là “cồn trái cây” thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Nơi đây có nhiều loại cây ăn trái được đăng ký thương hiệu ngon nhất vùng ĐBSCL như chôm chôm, măng cụt.
Qua tìm hiểu, được biết, bình quân mỗi 1 ha trồng cây ăn trái cho thu hoạch khoảng 50 triệu đồng/ 2 người làm. Cũng nhờ cây ăn trái mà bình quân đầu người ở ấp Tân Quy 1,2, mỗi năm đạt 19 triệu đồng/người.
Ở Tân Quy có một số hộ dân trồng nhiều diện tích cây ăn trái và cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trong số đó không thể không kể đến vườn măng cụt bạt ngàn của ông Út Nhiêu và ông Sáu Phước.
Vào thăm vườn của ông Út Nhiêu mới thấy được sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đặc biệt này, cả một vườn măng cụt gần như quanh năm cho trái, với mỗi vườn gần 3 ha, mỗi năm cho thu về cả trăm triệu đồng.
Gia đình ông Sáu Gà cũng trồng khoảng hơn 3 ha măng cụt ở ấp Tân Quy 1, ông được coi là người trồng nhiều cây ăn trái nhất Cồn, các hộ khác trung bình chỉ trồng vài công đến 1 ha.
Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của cả ông Út, ông Sáu và nhiều hộ dân nơi đây là bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Trần Minh Nhật, Bí thư chi bộ ấp Tân Quy 2, xã An Phú Tân, ấp có 540 hộ với hơn 1.000 khẩu, trước đây người dân chủ yếu làm ruộng, từ năm 1963 bắt đầu chuyển đổi sang trông cây ăn trái, chủ yếu trồng cam, chanh. Thời điểm đó, hai loại cây trên là cây mũi nhọn của cả Cồn. Tuy nhiên, sau một thời gian những loại cây này thường bị bệnh, cho thu hoạch quả không bền. Về sau, người dân chuyển sang trồng xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn…, giờ thì hầu hết đều lao đao lận đận vì không có đầu ra.
Cồn Tân Quy gồm 3 ấp, phía đầu cồn là ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; hai ấp còn lại ở đuôi cồn là ấp Tân Quy 1, Tân Quy 2, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. |
Trò chuyện về khó khăn này, một vài chủ hộ cho hay, do những cây lâu năm thường cho trái không đẹp, hay bị sâu bệnh nên người dân tự ý chuyển đổi sang trồng nhiều loài cây khác theo xu hướng thị trường chứ không chủ ý gìn giữ giống cây trồng lâu năm. Việc kêu gọi trồng theo chương trình GAP cũng khó thực hiện do bà con phun thuốc hóa học nhiều, trái cây không còn được ngon như trước.
Việc trồng cây ăn trái ở Tân Quy còn nặng tính tự phát, bởi người dân thấy loại trái nào được giá hoặc cho thu hoạch cao là trồng theo hoặc sẵn sàng phá bỏ vườn cũ để trồng mới hoàn toàn. Có gia đình trồng chôm chôm 1, 2 năm đã liền chặt bỏ để trồng chanh khi thấy loại cây này được giá; một số hộ không chặt thì tiến hành trồng đa canh, đủ các loại cây, từ mít, chôm chôm, sầu riêng, chanh đến đu đủ, măng cụt, vú sữa…
Cũng theo lời của vị Bí thư chi bộ thì hiện còn rất ít hộ ở Tân Quy mặn mà với việc trồng cây ăn trái, một số đã bỏ xứ đi làm ăn xa. “Chúng tôi đang vận động trồng cây ăn trái theo quy hoạch, mời các nhà khoa học về chuyển giao khoa học kỹ thuật nhưng cái khó khăn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm” – ông Nhật nói về tương lai trái cây của Cồn.
Nuôi cá tra cho… sông Hậu
Ở cồn Tân Lộc, thuộc quận Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ, bà con cũng đau đầu với bài toán cá tra. Họ không chỉ sợ cá tra mất giá hoặc chết do dịch bệnh, mà còn lo lắng phải nuôi cá tra cho… sông Hậu.
Dẫn chúng tôi thăm khu vực đầu Cù lao Tân Lộc, ông Phó trưởng công an khu vực ấp Long Châu chỉ tay về mênh mông sông nước cho hay: “Ngày xưa đầu Cù lao ở tít đằng xa, rồi bị nước sông Hậu bào mòn dần, đã có cả chục hecta đất canh tác, ao đầm nuôi cá tra của bà con trở thành sông rồi. Hộ nào may mắn còn kịp bán vội thu lại vốn, một số hộ đã nhận tiền đặt cọc bán cá nhưng sau một đêm bờ ao bể, cả chục tấn cá ào ra sông Hậu, rút cục chỉ biết ngồi khóc mà tiếc nuối”.
Khi chúng tôi có mặt tại khu vực ấp Long Châu, nhiều ao, đầm của bà con đã bị xói lở gần hết. Để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai, bà con đã dùng thân dừa, cừ tràm đóng cọc, đắp bờ để chắn sóng nhưng nhiều vết nứt mới cứ xuất hiện, lấn sâu vào đất liền trước sự bất lực của bao nhiêu con người.
Theo người dân nơi đây, việc các hộ nuôi cá tra bị thiệt hại nặng nề không chỉ do tác động từ thiên tai, sạt lở mà còn có sự góp phần của “nhân tai”. Việc thuyền bè qua lại tấp nập ở khúc sông Hậu đoạn qua quận Thốt Nốt đã tạo sóng vỗ mạnh gây sạt lở bờ ao. Ngoài ra, cá còn bị chết do nguồn nước sông ô nhiễm, chăn nuôi không đúng cách.
Vị phó khu vực ấp Long Châu, xã Tân Lộc cho biết tình trạng sạt lở do hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra cả ngày lẫn đêm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi cá tra ở đầu Cù lao. Tình trạng này đã diễn ra khá lâu, bà con trong ấp đã phản ánh lên cán bộ khu vực, song họ cho biết không đủ thẩm quyền xử lý, phải Sở Tài nguyên và Môi trường mới xử lý được.
Trao đổi về thực trạng này, ông Huỳnh Trọng Toàn, Cán bộ phụ trách Tài nguyên Môi trường và Khoáng sản, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thốt Nốt cho hay: “Từ đầu năm đến nay, quận đã xử phạt hai vụ khai thác cát trái phép, đồng thời UBND thành phố cũng hạn chế cấp phép và không cấp phép mới. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với phòng hiện nay là công tác thanh, kiểm tra thiếu các phương tiện phục vụ như ca-nô, xuồng cao tốc, vì vậy mỗi lần đi kiểm tra lại phải thuê ghe thuyền, thiết bị đo vị trí cũng không có, phần mềm cũng chưa được trang bị…, vì thế muốn thanh, kiểm tra phải kết hợp với cảnh sát môi trường nên rất khó thực hiện”.
Việc các xáng cạp cát gần bờ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các vùng nuôi cá tra trên Cù lao, nhiều hộ dân yêu cầu khai thác cách bờ 400 m nhưng theo giải thích của một vị cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thốt Nốt thì “chúng tôi làm theo văn bản của thành phố cách bờ 200 m và khai thác không quá 18h chiều nhưng việc kiểm tra vào ban đêm rất khó khăn nên dân kiến nghị lên phòng, phòng lại kiến nghị về thành phố”.
Trong khi đó, một người dân ấp Long Châu (xin được giấu tên) cho biết, từ năm 2009, khi tình trạng sạt lở ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều hộ nuôi cá tra đã tổ chức bà con ra yêu cầu các xáng cát khai thác xa ra. Tuy nhiên, họ ngừng khai thác được mấy hôm rồi sau đó cử đoàn 5 xe máy toàn người lạ tới “hỏi thăm” và dọa đánh nếu còn tiếp tục phản đối. Điều đáng nói là thực trạng khai thác trái phép này vẫn tồn tại kéo dài cho đến tận ngày nay!?
(*) 1 công = 1000 m2