Thiếu minh bạch trong ngành khai khoáng cản trở phát triển

ThienNhien.Net – Cuộc sống của hàng tỷ người lẽ ra đã được cải thiện nếu chính phủ của họ quản lý ngành khai thác khoáng sản, dầu khí một cách minh bạch và có trách nhiệm hơn. Đó là khẳng định từ Báo cáo Chỉ số Quản trị Tài nguyên 2013 (The 2013 Resource Governance Index) vừa được Viện Giám sát Nguồn thu (Revenue Watch Institute) công bố hôm qua.

Đánh giá tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành khai thác dầu khí và khoáng sản của 58 quốc gia trên thế giới, Báo cáo cho thấy đa phần các quốc gia được khảo sát đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn thỏa đáng về quản lý tài nguyên.

Hệ quả là ở những quốc gia này, sự thiếu minh bạch, tham nhũng và quản lý yếu kém đã khiến người dân không được hưởng lợi trọn vẹn từ sự giàu có tài nguyên.

58 quốc gia được đánh giá sản xuất 85% sản lượng dầu mỏ của thế giới, 90% kim cương và 80% đồng, tạo ra hàng ngàn tỷ USD mỗi năm.

Trong số 58 quốc gia được khảo sát có 47 chính phủ được đánh giá là chưa đạt được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị ngành khai thác khoáng sản và dầu khí.

11 quốc gia còn lại được đánh giá cao cho thấy họ có thể “vén màn bí mật” trong quản lý ngành khai thác để đạt tiêu chuẩn cao hơn về minh bạch và trách nhiệm giải trình, bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi ở Mỹ La tinh.

Các nước được đánh giá trên 4 tiêu chí: khung luật pháp, mức độ minh bạch, hệ thống kiểm tra và cân bằng (check and balances) của bộ máy nhà nước; và bối cảnh quản trị rộng hơn.

Hầu hết các nước có chỉ số thấp phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ tài nguyên và coi đó là nguồn thu chính. Chẳng hạn, Trung Đông và Bắc Phi là khu vực phụ thuộc nhất vào tài nguyên đồng thời cũng là khu vực được đánh giá thấp nhất về sự đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Việc phân tích chỉ số không chỉ cho chúng ta thấy mình đang ở đâu mà còn chỉ ra con đường sắp tới của các quốc gia, các công ty và các sáng kiến toàn cầu, và điều này vô cùng quan trọng bởi vì cải thiện quản trị tài nguyên được coi là thách thức phát triển của thập kỷ này.

Ông Daniel Kaufmann (Chủ tịch Viện Giám sát nguồn thu)

Báo cáo cũng xếp hạng 45 công ty khai thác khoáng sản và dầu mỏ nhà nước cùng 23 quỹ đầu tư quốc gia theo mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình của họ.

Theo đó, các công ty Statoil (Na Uy), Pemex (Mexico) và Petrobras (Brazil) giữ thứ hạng cao, trong khi các công ty dầu khí quốc gia của Turkmenistan và Myanmar nằm ở vị trí cuối bảng.

Các quỹ đầu tư quốc gia của Kuwait, Libya và Qatar, vốn nắm giữ tổng tài sản khoảng 476.000.000.000USD, nằm trong 5 quỹ bị đánh giá thấp nhất.

Ảnh: Thisissierraleone.com
Ảnh: Thisissierraleone.com

Báo cáo cho thấy, sự giàu có của các quốc gia không phải lúc nào cũng đi đôi với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị tài nguyên, và có thể coi Qatar, đất nước xếp ở vị trí 54/58 trong bảng xếp hạng, là một ví dụ.

Đồng thời, Báo cáo khẳng định, nâng cao quản lý tài nguyên có thể tạo ra những khác biệt lớn trong phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Bởi lẽ, chẳng hạn như ở Nigeria, quốc gia xếp thứ 55/58, nguồn thu dầu mỏ cao hơn 60% tổng viện trợ cho khu vực Châu Phi cận Sahara năm 2011. Trong khi đó, ở Libya (55/58) số vốn dự trữ 65 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương đã tiêu tan nhanh chóng để bù đắp cho những khoản thâm hụt ngân sách của chính phủ. Còn Guinea Xích đạo (56/58) có thu nhập bình quân đâu người hơn cả Vương quốc Anh trong khi ¾ dân số vẫn sống dưới mức đói nghèo.

Từ đó, nghiên cứu đã khuyến cáo chính phủ các quốc gia giàu tài nguyên nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình như một bước đi thiết yếu để trở nên hiệu quả và trách nhiệm hơn trong mắt người dân.

Theo bảng xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí 43/58, trong khi PetroVietnam đứng thứ 28/45 công ty được đánh giá.

Viện Giám sát Nguồn thu kêu gọi các chính phủ:

  • Công bố hợp đồng ký kết với các công ty khai khoáng.
  •  Đảm bảo rằng các cơ quan quản lý xuất bản kịp thời các báo cáo tổng thể về hoạt động của mình, bao gồm nguồn thu chi tiết và các thông tin dự án.
  •  Mở rộng các tiêu chuẩn minh bạch và trách nhiệm giải trình cho các công ty nhà nước và các quỹ đầu tư quốc gia vào tài nguyên thiên nhiên.
  •  Nỗ lực kiểm soát tham nhũng, cải thiện các quy định của pháp luật và đảm bảo tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, bao gồm cả tự do báo chí.
  •  Đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế cho các chính phủ và các công ty.

 

Bạch Dương/DĐĐT