ThienNhien.Net – Theo Tạp chí “Maghreb”, Vua Marốc Môhamét VI ngày 14/5 đã đặt viên gạch đầu tiên khởi công giai đoạn một xây dựng Tổ hợp năng lượng Mặt trời Noor tại tỉnh Ouarzazate với công suất ban đầu 160 MW.
Sau 28 tháng xây dựng trên diện tích 3.000 ha, nhà máy điện Mặt trời tương lai này sẽ đi vào hoạt động và có thể đạt công suất tối đa 500 MW.
Chủ dự án là công ty Acwa Power của Arập Xêút, trong đó có vốn góp của bốn công ty Tây Ban Nha là Sener, Acciona, TSK và Aries. Chính phủ Đức cũng cam kết đóng góp 115 triệu euro.
Về phần mình, Ngân hàng phát triển châu Phi (BAD) tài trợ cho giai đoạn một của dự án này với khoảng 168 triệu euro. Đây là dự án thứ ba được BAD tài trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Marốc, sau nhà máy điện Mặt trời tại Ain Beni Matha (Ain Beni Mathar) và Chương trình khép kín năng lượng gió, nước và điện khí hóa nông thôn (PIEHER).
Là dự án lớn nhất và duy nhất thuộc loại này trên thế giới, tổ hợp năng lượng Mặt trời Noor được giới chuyên gia coi là biểu tượng của những nỗ lực của Chính phủ Marốc nhằm đáp ứng nhu cầu về điện trong tương lai phù hợp với chính sách phát triển bền vững.
Dự án này cũng góp phần đa dạng hóa nguồn sản xuất năng lượng (chủ yếu dựa trên năng lượng hóa thạch) của Marốc – nước phụ thuộc tới gần 97% vào nước ngoài để đáp ứng nhu cầu về năng lượng.
Ngoài ra, Noor cũng là dự án năng lượng Mặt trời đầu tiên ở châu Phi sử dụng “công nghệ năng lượng Mặt trời tập trung” và là giai đoạn quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Marốc.
Trong giai đoạn đầu, dự án Noor cho phép giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (khoảng 240.000 tấn khí điôxít cácbon/năm và trong 25 năm). Theo công ty tư vấn Ernst and Young, Marốc là nước thứ hai trên thế giới có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài về phát triển dự án trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời tập trung.