ThienNhien.Net – Cuộc sống của những hộ dân ở Biển Hồ vốn đã khốn khó, bà con kiều bào sống trên bờ ở Xiêm Riệp cũng khó không kém phần. Theo Hội người Campuchia gốc Việt, có tới 70% hộ sống trên bờ là hộ nghèo, tập trung chủ yếu ở ấp Sacacrus và ấp Tachoronieng thuộc xã Kampong Khleng, quận Sortnikhum.
Trên bờ cũng khó
Ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt dẫn chúng tôi qua những con đường hẹp, ngoằn nghèo , lộ đất đỏ ẩm thấp, nhếch nhác. Xe dừng lại đầu một con hẻm, chúng tôi phải lội bộ qua vài vũng nước tù đọng mới đến được xóm Sacacrus, thuộc xã Savaybonkun, cách thành phố Xiêm Riệp chừng 4 km. Xóm nằm ven đô, lẩn khuất sau những dãy nhà đồ sộ. Ở đây rặt những nhà thuê, chừng trên 20 hộ. Nghe kể những người dân ở đây chủ yếu làm thuê, lợm bọc, ve chai…, mỗi tháng phải trả 10 đô la tiền nhà.
Chị Nguyễn Thị Lài, quê An Giang, là một trong những thân phận đó. Qua Xiêm Riệp đã 8 năm, chị có 1 đứa con, đang mang bầu đứa thứ 2 và sắp đến ngày sanh nở nhưng chồng chị, anh Lâm Văn Hến, làm phụ xưởng gỗ lại vừa bị tai nạn lao động xén đứt lìa bàn tay không được bồi thường.
Chồng chị không có chứng minh nhân dân, không hộ khẩu, làm việc theo thỏa thuận miệng, ăn theo ngày công nên khi gặp rủi ro trong lao động thì phải chịu. May có chú Tư (ông Trần Văn Tư, quê ở Tây Ninh – Hiệu trưởng Trường học Việt Nam nuôi dạy trẻ em nghèo ở Biển Hồ) giúp đưa anh về tận Cần Thơ chạy chữa nên qua khỏi. Sau khi vết thương lành,anh Hến quay lại xưởng nhưng chủ cũ không nhận nên đành đi phụ hồ và khuân vác, cực nhọc nhưng kiểm được tiền cũng ngày có ngày không.
Ông Trần Văn Tới, Phó Chủ tịch Tổng Hội người Campuchia gốc Việt cho biết: kiều bào tại Campuchia sống phần lớn các tỉnh Tây Bắc, cuộc sống còn bề bộn khó khăn, nhất là về kinh tế. Thống kê sơ bộ cho thấy, gần 90% hộ kiều bào chưa có đủ giấy tờ, cả Campuchia và giấy tờ Việt Nam, nhiều người trong tình trạng không quốc tịch; 70% không viết được chữ Việt, chữ Khmer; sống dưới mức nghèo khổ, bằng các nghề đánh bắt thủy sản, buôn bán nhỏ, thợ nề, thợ mộc, bốc vác, thu gom phế liệu; đa số còn ở nhà thuê, nhà tạm, thiếu cơ sở y tế; đặc biệt bà con sống ở khu vực Biển Hồ, thường bị thiếu đói trong mùa cấm đánh bắt thủy sản (từ 1/6-1/10 hàng năm), con em không tiếp tục học lên lớp 5 nếu không có giấy khai sinh… |
Cùng cảnh ấy là vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành (39 tuổi) và chị Lê Thị The (29 tuổi), nhà cặp vách. Cả chục năm trời tích cóp, vợ chồng chị mua được chiếc xe gắn máy, định để dành thêm vài năm đủ tiền mua đất cất nhà. Ai dè sự cố ập đến khi anh bị tai nạn té lầu lúc đang làm phụ hồ. Sau hai lần về bệnh viện ở Cần Thơ điều trị thì cũng là lúc số tiền dành dụm đội nón ra đi, may còn lại chiếc xe máy. Giờ anh Thành cũng đi làm lại, nhưng đầu óc khi nhớ khi quên, bị người ta trả công ít hơn. Anh chị cũng lo lắm, vì hiện hai đứa nhỏ còn đi học trường Miên, việc mưu sinh sắp tới sẽ vất vả nhiều.
Nỗi niềm thầy, trò nơi xa xứ
Rời xóm kiều bào nghèo ở Sacacrus, chúng tôi tới ấp Tachoronieng – cách trung tâm thành phố Xiêm Riệp khoảng 40 km. Xe phải dừng lại tại đoạn nhánh của con sông cuối nguồn ăn thông ra Biển Hồ, tiếp tục hành trình đi xuồng máy.
Từ bờ trông ra, ấp Tachoronieng toàn nhà phao chắp vá, cũng như nhiều xóm nổi mà chúng tôi từng gặp. Nổi bật nhất ngay trung tâm khu dân cư là một trường học với 2 phòng khá khang trang.
Theo lời ông Trần Văn Lý – Trưởng ấp Tachoronieng, ngôi trường được các đài truyền hình Cụm miền Đông Nam Bộ hỗ trợ tiền xây cất, chính thức đưa vào sử dụng từ đầu năm nay.
Theo lời mời của ông Lý, thầy Trần Văn Đúng và cô Nguyễn Thị Kim Ngân không ngại xa xôi, xứ lạ quê người từ An Giang sang tận nơi đây gieo chữ cho con em kiều bào. Trường đã huy động được 196 con em trong ấp đi học, còn lại 50 em vẫn chưa được theo học vì phải theo cha mẹ giăng lưới, bắt cá mưu sinh.
Song, cũng từ ngày có trường, ông Lý thêm nhiều việc phải lo, đâm ra cuộc sống gia đình có phần khó khăn hơn. Ông Lý hành nghề mộc, sửa tàu, bè, máy… Nghề khai thác gặp khó, ngư dân không dám đánh bắt vì sợ đi tù nên máy, xuồng ít hư, thu nhập của ông Lý trở nên bấp bênh. Trong khi đó, nguồn tiền hỗ trợ chỉ đủ trả công cho giáo viên đứng lớp 2 tháng ban đầu. Từ ngày ấy đến nay, ông Lý bỏ tiền túi để duy trì trường học.
Kể chuyện ông Lý lo cho trường học, thầy Đúng chua xót: “Cũng vì chuyện tài chính chi trả cho chúng tôi mà vợ chồng anh Lý lục đục, chị Thân giận chồng lo chuyện bao đồng, bỏ về nhà cha mẹ ở luôn tới nay chưa quay lại. Tội nghiệp ảnh, giờ thui thủi một mình, cáng đáng việc học đám nhỏ, chưa biết cầm cự được bao lâu”.
Qua tiếp xúc với bà con kiều bào nơi đây được biết, ấp Tachoronieng có 218 hộ trong đó 138 hộ gốc Việt, đa phần mưu sinh bằng nghề đánh cá ở Biển Hồ. Bà con không được cấp sổ hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân nên không mua được đất trên bờ, phải làm nhà phao khu vực ven biển, lênh đênh theo con nước lớn ròng mùa lũ. Chú Nguyễn Văn Lợi, Phó ấp Tachronieng bộc bạch: “Cuộc sống ở đây gần như tách biệt với đất liền, không có điện, không có nước sinh hoạt, cộng với nguồn lợi cá nước ngọt ngày càng suy giảm khiến đời sống nhân dân trong vùng vô cùng khó khăn. Ấp hiện có tới 70% hộ nghèo, còn lại đều thuộc diện chỉ đủ ăn”.
Ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt tại TP. Xiêm Riệp cho hay, Campuchia quy định khai thác cá theo mùa, mùa cá đẻ quy định nghiêm ngặt, không được khai thác vùng cấm, áp dụng cho cả nước chứ không riêng kiều bào gốc Việt. Tháng 11 năm 2012, có 11 người Việt ở Biển Hồ bị bắt nhưng sau được thả. Cách nay 2 tháng, kiểm ngư hoàng gia Campuchia trực tiếp vây bắt vài trăm người, trong đó có hơn 100 kiều bào, riêng tại Xiêm Riệp có 28 kiều bào. Hiện bà con bị nhốt vô tù, khó can thiệp, chưa biết ngày thả ra. |
Đưa chúng tôi trở lại đất liền, ông Lý xa xăm nhìn xóm chài lưa thưa vùng đầm phá rộng lớn mùa kiệt nước. Nơi ấy, hàng trăm con em kiều bào khát chữ vừa được học chữ, vừa đối mặt với nguy cơ tiếp tục thất học vì tài chính khó khăn. Gần đó là những cặp mắt mỏi mòn của những bà vợ ngóng đức ông chồng đang bị tù vì khai thác cá trái phép sớm được trở về đoàn tụ để cả nhà tiếp tục quây quần bên chiếc nhà phao bấp bênh cùng gió biển, chưa biết sẽ bị lật ngã khi nào trước bão tố mưu sinh của cuộc đời phiêu bạt, tha hương…
Lối ra nào cho những thân phận tha hương?
Trong hành trình ngược lên Biển Hồ tìm hiểu những thân phận người Việt tha hương nơi đất khách, chúng tôi cũng được gặp gỡ những con người hết lòng vì bà con, như ông Lý, ông Tư. Nhưng dường như những nỗ lực hết mình của họ vẫn chưa đủ để mở một lối thoát cho hàng ngàn con người đang vật lộn kiếm sống qua ngày.
Chia sẻ với những trăn trở của chúng tôi, nhà báo Nguyễn Hiệp, Trưởng đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam tại Campuchia cho rằng bà con kiều bào cần xác định rõ, nếu muốn ở lại định cư lâu dài tại nước bạn thì phải cần hòa nhập, trước hết là về tiếng nói, chữ viết. Muốn vậy, bà con phải được học song song hai thứ tiếng. Học tiếng Việt để không quên nguồn gốc, và học tiếng nước bạn để giao tiếp, giao dịch và thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý.
Nhìn câu chuyện với góc nhìn của nhà quản lý, bà Phan Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội người Campuchia gốc Việt tại Campuchia cho rằng, trước hết, cần phải quan tâm đầu tư cho giáo dục để giúp con em kiều bào sống phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên sông nước có hướng chuyển đổi ngành nghề, thoát nghèo bền vững. Trong năm 2012, toàn Campuchia chỉ có 11 điểm trường tiểu học, tức mới đáp ứng được khoảng 4.000 con em kiều bào. Trong khi nhu cầu thực tế cần thêm nhiều trường học nữa và các trường phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cũng như quan tâm tới chế độ đãi ngộ cho giáo viết trực tiếp đứng lớp gieo chữ.
Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Campuchia rất cần nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trong việc can thiệp, hỗ trợ về ngoại giao để giải quyết tốt các vấn đề về pháp lý, giấy tờ tùy thân cho kiều bào sở tại.
Chúng tôi cũng nhận được một gợi ý tương tự từ PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ. Ông cho rằng cần có chính sách, hỗ trợ đời sống kiều bào tại Campuchia theo hướng ít phụ thuộc hơn vào tài nguyên thiên nhiên. Muốn vậy, nên quan tâm hơn về giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm đi kèm với việc thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.
Cũng theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, để cải thiện và ổn định đời sống kiều bào, chính phủ hai nước nên có những cam kết nhất định để giải quyết tốt vấn đề di dân tự do ngược dòng Mê Kông. Nếu có thể, nên vận động bà con về nước, hỗ trợ định canh, định cư, tạo công ăn việc làm. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng giải pháp mang tính ngoại giao, giúp kiều bào được nhập quốc tịch, hưởng những chính sách an sinh xã hội như người Campuchia bản địa.
Ghi chép, tháng 4/2013