Phiêu bạt xứ người – Kỳ 1

ThienNhien.Net – Hiện có hàng chục ngàn kiều bào đang cư trú và sinh sống tại 6 tỉnh Tây Bắc của đất nước Chùa Tháp với nguồn sinh kế chủ yếu từ hạ nguồn lưu vực sông Mê Kông. Họ đến đây từ khá lâu, nói tiếng Capuchia rành rọt như dân bản địa. Qua nhiều thế hệ, có người chỉ còn nhớ mình quê ở Việt Nam. Phần lớn trong số họ đều sống cuộc đời lam lũ, thiếu thốn, định hướng tương lai mờ mịt…

Cách ngoại ô Phnôm Pênh khoảng 40 km, một xóm chài đông đúc khoảng 500 hộ cất nhà nổi theo triền sông Tôn-Lê Sáp. Dân địa phương cho hay, xóm ấy quần tụ người Campuchia gốc Việt, thuộc tỉnh Kandal. Bà con ở đây xài đèn bình, sử dụng nước sông trong mọi sinh hoạt, từ tắm, giặt, rửa chén đến chi dùng trong việc nấu chín để uống.

Cộng đồng người Việt cộng cư phần lớn dọc chiều dài sông Tôn-Lê Sáp và khu vực Biển Hồ Tôn-Lê Sáp, trôi nổi theo dòng nước, sinh kế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự thịnh suy của nguồn lợi thủy sản dưới dòng sông (Ảnh: Nguyễn Công Minh)
Cộng đồng người Việt cộng cư phần lớn dọc chiều dài sông Tôn-Lê Sáp và khu vực Biển Hồ Tôn-Lê Sáp, trôi nổi theo dòng nước, sinh kế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự thịnh suy của nguồn lợi thủy sản dưới dòng sông (Ảnh: Nguyễn Công Minh)

Xóm “nhỡ nhàng”

Tranh thủ trời vừa hửng nắng, cô Năm Huệ rửa riết mớ cá lóc vừa mua được ở chợ để ướp muối, kịp phơi khô. Từ năm 22 tuổi, cô đã khăn gói theo cha mẹ ruột từ Đa Phước (Châu Đốc, An Giang) qua vùng đất này lập nghiệp, tới nay đã 52 tuổi, cô có 8 người con nhưng mới chỉ 4 người có gia đình riêng. Khoảng 5 năm gần đây, cô phải làm thêm nghề cá khô, chăm bẵm giăng cá dưới sông nhưng vẫn không đảm bảo cuộc sống vì lượng cá ngày càng ít.

Cạnh nhà cô Huệ, anh Nguyễn Văn Hóa (29 tuổi) không nhớ rõ quê mình ở tỉnh nào, chỉ biết cha mẹ hồi trước ở Việt Nam. Từ lúc biết chuyện, anh đã rong ruổi theo cha lênh lênh khắp dòng Tôn-Lê Sáp để đánh bắt cá. Anh cho hay, nếu lượng cá dưới sông hồi trước 10 phần, giờ chỉ còn khoảng 3 phần nhưng chẳng biết vì sao cá giảm. Kéo theo sự suy giảm đó là nguồn sống của gia đình anh và những hộ khác trong xóm cũng teo tóp đi.

Cách đó vài căn nhà, anh Út Lời (Phan Văn Lời, 34 tuổi) tranh thủ giờ nghỉ trưa vá vội dàn lưới bị rách. Ngồi sát anh là anh trai Phan Văn Hào (Sáu Hào, 46 tuổi). Nhâm nhi vài giọt đế cuối cùng, anh Hào chua chát: “Nhậu cho bớt buồn chuyện bạc bẽo. Qua đây gần 20 năm trời mà không có một giấy tờ độn lưng, gần như mất hết quyền tự do công dân. Chính quyền tuy cho ở nhưng chỉ cấp giấy tạm vắng tạm trú, 2 năm đổi một lần, không cho làm hộ khẩu, chứng minh thư”.

Sáu Hào quê ở Đa Phước, thất học, nối nghiệp cha mẹ qua Tôn-Lê Sáp sống nghề chài lưới khi tuổi đời còn sung mãn. Gặp chị Nguyễn Thị Nông (quê Tây Ninh) cũng theo cha giăng cá bên này, cảm thông, nhen nhóm tình cảm rồi thành vợ thành chồng. Đến nay, anh chị có hai mặt con nhưng phải gởi con về Tây Ninh, nhờ bên vợ cưu mang giúp vì hai vợ chồng không thể lo nổi.

 

Anh Út Lời tranh thủ giờ nghỉ vá vội dàn lưới bị rách (Ảnh: Nguyễn Công Minh)
Anh Út Lời tranh thủ giờ nghỉ vá vội dàn lưới bị rách (Ảnh: Nguyễn Công Minh)

Điều hối hận nhất đối với Sáu Hào là đã trót “rủ rê” cậu em ruột Út Lời qua đây lập nghiệp. Hơn chục năm trời cắm chà, giở cá dưới dòng sông, Út Lời vẫn chưa dành dụm đủ tiền để cưới vợ. Đề cập đến chuyện trăm năm, anh buông lơi: “Tiền sửa lại ghe còn chưa đủ thì lấy đâu mà cưới. Mình ở ghe, cưới vợ phải thuê nhà trên bờ làm rạp, tốn kém lắm. Giờ cứ lo làm, tới đâu hay tới đó, ai biết vài bữa hên có chỗ cho “thú phạt”, còn không thì “chịu trận” vầy luôn cho tụi con gái mắc thèm…!”.

Không bi đát tới vậy nhưng gần 20 năm qua, chị Nguyễn Thị Xem, 40 tuổi, nhà ở gần đó tuy có chồng mà phải sống cảnh “phòng không”. Chị và người em ruột theo cha mẹ từ Hồng Ngự, Đồng Tháp qua Tôn-Lê Sáp lập nghiệp từ tấm bé. Cả hai cùng có chồng là người Campuchia chính gốc nhưng lấy nhau chưa đầy một tháng thì chồng chị đã bỏ theo người phụ nữ khác. Giờ thì chị đã thôi hẳn ý định tái giá, sống hủ hỷ cùng mấy đứa cháu là con của em gái, dạy cho chúng nghề uốn tóc, làm móng để không còn phải phụ thuộc vào dòng Tôn-Lê Sáp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Một số nước ở thượng nguồn ngăn đập thủy điện đã tác động bất lợi đến sinh kế, đời sống của hàng triệu người dân ở hạ nguồn sông Mê Kông. Rõ nhất là hàng trăm ngàn người dân đang sống ven lưu vực Tôn-Lê Sáp và vùng Biển Hồ Tôn-Lê Sáp, trong đó có cộng đồng kiều bào xa xứ.

Những thân phận nhỡ nhàng như Út Lời và chị Xem không thiếu ở xóm chài đông đúc này, và cả những xóm nổi khác người Việt đang sinh sống ven bờ sông Tôn-Lê Sáp và Biển Hồ (hồ Tôn-Lê Sáp).

Gieo neo ăn nhờ, ở đậu Biển Hồ

Dọc theo Quốc lộ 6 từ Phnôm Pênh đi Xiêm Riệp, nơi đâu có xóm nhà nổi ven sông thì y rằng nơi đó có kiều bào sinh sống. Bà con cất nhà nổi ngay sát mom sông, sống cuộc đời “ăn nhờ ở đậu” nhiều chục năm trời nhưng hiếm hộ nào cất nổi cái nhà trên đất liền.

Bà con vùng ven sông thì còn đỡ vì chí ít còn được ở gần bờ, gần lộ, gần trạm xá, bệnh viện, trường học, chứ cộng đồng người Việt di cư sống ở vùng Biển Hồ quanh năm chỉ biết đến lênh đênh sóng nước.

Khu vực đông dân cư nhất tại Biển Hồ là đoạn thuộc thành phố Xiêm Riệp với hơn 1.200 hộ. Vào mùa nước kiệt, cộng đồng kiều bào phải dời nhà nổi ra tuốt ngoài lòng hồ, cách đất liền vài cây số. Muốn đến thăm họ, phải tốn tiền thuê đò và chờ khoảng 30 phút mới tới nơi.

Vào mùa nước kiệt, cộng đồng kiều bào phải dời nhà nổi ra ngoài lòng hồ (Ảnh: Nguyễn Công Minh)
Vào mùa nước kiệt, cộng đồng kiều bào phải dời nhà nổi ra ngoài lòng hồ (Ảnh: Nguyễn Công Minh)

Chúng tôi đặt chân lên chiếc phà nổi rộng chưa đầy 15 mét vuông của gia định cụ Nguyễn Thị Minh, 76 tuổi, hộ kiều bào sinh sống tại Biển Hồ thuộc ấp 7, xã Chrong Khnia, huyện Xiêm Riệp, TP. Xiêm Riệp. Chiếc phà nhờ này là không gian sinh hoạt của 7 thành viên trong gia đình, và như cụ Minh cho biết: “Qua hai lần sửa vì mưa bão năm 1987 và 1993 nay mới được rộng như vầy”.

Cụ Minh không nhớ rõ gốc gác mình ở đâu. Tôi ngỡ có thể tại tuổi già nên cụ không còn minh mẫn, nhưng ngay cả anh Đào Văn Kía (38 tuổi), con trai thứ 3 của cụ cũng mơ hồ, chỉ biết quê mình ở Việt Nam, vùng có nhiều núi.

Vừa lúc, vợ chồng Kia, anh trai của Kía đi xúc tép mòng về tới nhà. Tham gia câu chuyện của chúng tôi, anh Kia (46 tuổi) cho biết gia đình anh qua đất này từ thời ông bà, nay đã là đời thứ 5 sinh sống ở Biển Hồ.

Anh Kia kể, giới chức địa phương ở đây quản lý rất gắt gao. Vào mùa cá đẻ thì họ kiểm soát số lưỡi câu khiến người dân chỉ kiếm đủ để mua gạo ăn, còn trong mùa cho khai thác đại trà, họ áp nhiều khoản thuế, phí… nặng nề nên dù vợ chồng anh có muốn tính làm quy mô cũng thu lời không nổi. Vừa rồi kiểm ngư Cam pu chia kiểm tra đột xuất ban đêm, bắt hàng trăm người khai thác vùng cấm, riêng ấp này có hơn 20 người bị giữ nay vẫn chưa được thả”.

Tám đứa cháu nội lớn nhỏ thường xuyên qua lại khiến không khí gia đình cụ Minh lúc nào cũng vui vầy, nhưng cụ vẫn còn áy náy cô con gái út Đào Thị Thơ nay đã 36 tuổi nhưng vẫn ở vậy.

Chị Thơ cởi mở kể ngọn nguồn lý do “ở vậy” của mình, chị bảo hồi còn xuân cũng có phần kén chọn. Thời ấy con trai lấy vợ cũng phải sắm sanh và có lưng vồn để làm đám cưới. Như hai anh trai chị khi cưới vợ, ngoài sính lễ, mỗi người phải tốn thêm 120 ngàn riel thuê nhà trên đất liền dựng rạp mời khách. Nhưng, hồi đó nguồn cá nhiều, kiếm đồng ra đồng vào không quá khó. Về sau, việc kiếm sống trong xóm khó khăn hơn, chị muốn lấy chồng thì thì trai tráng trong xóm cũng qua lứa, còn lại hoặc gãy gánh hoặc không có tiền để cưới vợ, cho nên chẳng có đám nào tới hỏi. Chị đành ở vậy với mẹ già.

Nhưng điều lo nhất với chị bây giờ không phải là việc kiếm chồng nữa mà là chuyện tìm nơi chôn cất cho mẹ khi bà cụ chẳng may qua đời. Mua đất trên bờ chôn cụ đắt đỏ mấy anh em không chịu thấu. Rẻ hơn thì chọn khu đất cặp bờ, nhưng đất đó chỉ chôn được mùa kiệt, con cháu còn làm dấu được để mùa sau biết chỗ mà về dọn mồ, dọn mả cụ, chứ vào mùa lũ nước ngập tới ngọn cây thì biết đâu. Kẻo lại như hộ nào đó trong xóm, phải bỏ cụ vô hòm chằng dây lại đợi lũ qua…

Theo thống kê của Tổng Hội người Campuchia gốc Việt, tính đến tháng 3/2012, số lượng người Việt sinh sống tại 6 tỉnh Tây Bắc Campuchia vào khoảng 3.500 hộ với 16.000 nhân khẩu, chiếm 2,2% dân số của Campuchia. Trong đó, tỉnh Battambang có 572 hộ với 2.145 người (Biển Hồ 208 hộ); Xiêm Riệp 1.200 hộ với 5.172 người (Biển Hồ 448 hộ); Pursat có 1.215 hộ với 5.250 người (Biển Hồ 1.000 hộ); Bantaey Meanchey có 234 hộ với 476 người (cửa khẩu Poipet 139 hộ); Oddar Meanchey có 71 hộ với 152 người (cửa khẩu O’Smach 50 hộ); Pailin có 28 hộ với 168 người (riêng cửa khẩu Prum có 10 hộ).

Ghi chép, tháng 4/2013