ThienNhien.Net – Theo dự báo, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu gần 6 triệu tấn than và sau đó tăng dần lên theo các năm tùy thuộc vào tiến độ sử dụng than, chủ yếu của các nhà máy điện chạy than.
Được “gỡ” vẫn “than” khó
Với lý do xuất khẩu than đang không có lãi và không thể bù đắp cho giá than bán vào ngành điện, Vinacomin tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính cơ chế điều chỉnh thuế xuất khẩu than tương ứng với giá thành bình quân hàng quý. Theo đó, nếu giá than bình quân (tính theo loại cám 11 AHG) dưới 75 USD mỗi tấn thì mức thuế suất thuế xuất khẩu là 10%. Từ 75 đến dưới 85 USD, thuế xuất khẩu là 15% và trên 85 USD, thuế xuất khẩu là 20%. Việc điều chỉnh này sẽ giúp ngành than ổn định sản xuất, tránh chuyện hợp đồng đã ký nhưng sau đó thuế tăng không bán được hàng sẽ bị phạt, đồng thời minh bạch trong công thức tính toán thuế suất. |
Trước những khó khăn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tháng 10/2012, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu than từ mức 20% xuống 10%. Cùng với đó, giá bán than cho điện cũng được phép tăng từ ngày 20/4/2013.
Vừa được giảm thuế vừa được tăng giá bán nhưng trong cuộc họp gần đây nhất của Vinacomin, lãnh đạo Tập đoàn này vẫn “than” khó. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Nguyễn Văn Biên cho biết, hiện giá than bán cho ngành điện đã bằng với giá thành sản xuất của năm 2011, nhưng lại chỉ bằng 85-87% so với giá thành sản xuất của năm 2013.
Tài chính ngành than đuối sức khi luôn phải tính toán cân bằng trong điều kiện giá bán thấp hơn giá thành. Chỉ tính riêng trong quý I-2013, với việc giá bán than cho điện thấp hơn giá thành tới 30% khiến ngành này “hụt” khoảng 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, mức thuế xuất khẩu 10% áp dụng với Vinacomin hiện thuộc hàng cao nhất thế giới khiến Tập đoàn gặp khó trong cân đối tài chính.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu than gặp khó khăn do giá và lượng than tiêu thụ trên thị trường thế giới giảm. Do cố gắng đàm phán để giữ giá nên lượng than đá xuất khẩu tháng 4 ước đạt 1 triệu tấn, giảm 40,6% so với tháng 3 và giảm 20,6% so với tháng 4/2012. Tính chung 4 tháng xuất khẩu than ước đạt 5,2 triệu tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Quan trọng hơn hiện nay do tỷ trọng than lộ thiên giảm, điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu nên giá thành sản xuất than tăng. Vì vậy, giá bán than xuất khẩu sau khi trừ thuế xuất khẩu và thuế Giá trị gia tăng chỉ bù đắp… chi phí.
Xem lại hiệu quả sử dụng
Mặc dù vậy, kế hoạch của ngành than hiện nay là cố gắng xuất khẩu được càng nhiều càng tốt. Năm 2013, Vinacomin đặt mục tiêu xuất khẩu 16 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2012 (năm 2012, xuất khẩu than đạt giá trị khoảng 1,2 tỷ USD, tương đương 14,3 triệu tấn).
Có thể nói, than là ngành có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, việc hạn chế xuất khẩu than để dự trữ là cần thiết. Việc Nhà nước đang áp mức thuế xuất khẩu 10% thể hiện rõ điều đó. Rõ ràng, việc đặt mục tiêu kinh doanh xuất khẩu than năm sau cao hơn năm trước của Tập đoàn này là không hợp lý. Nhất là trong tương lai gần, năm 2015, Việt Nam từ nước xuất khẩu than bắt đầu phải nhập khẩu than, sau đó tăng dần lên theo các năm tùy thuộc vào tiến độ sử dụng than, chủ yếu của các nhà máy điện chạy than.
Theo lý giải của lãnh đạo Vinacomin, xuất khẩu than thời gian qua chủ yếu là các chủng loại than không thích hợp với sản xuất trong nước, cũng như nhằm giải quyết cân đối tài chính khi than bán trong nước vẫn đang thấp hơn giá thị trường. Hoặc Việt Nam đang xuất khẩu loại than tốt mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá xuất khẩu than của Việt Nam ra nước ngoài đang thấp hơn so với các nước, nếu quy đổi ra nhiệt năng thì giá than xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 70% giá của Úc. TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than Đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin cho biết, trong khi các nhà máy nhiệt điện và xi măng trong nước sẽ là những khách hàng chủ yếu và lâu dài của ngành than nhưng Vinacomin lại tập trung xuất khẩu.
Trong khi đó, gần 100% than xuất khẩu vừa qua có thể dùng để phát điện và sản xuất xi măng và đều là những loại than Việt Nam sắp phải nhập khẩu. Đây chính là nghịch lý của ngành than đã diễn ra lâu nay. Bởi trong bối cảnh ngành than lệ thuộc lớn vào xuất khẩu như hiện nay thì chúng ta lại phải đối mặt với bài toán tìm nguồn nhập khẩu than.
Nguồn nhập khẩu hiện nay trông cậy chủ yếu vào thị trường Úc và Indonesia, nhưng việc nhập khẩu từ các thị trường này không dễ khi Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, Nhật Bản. Còn nếu nhập khẩu than từ các thị trường xa như Nga thì chi phí vận chuyển lại rất lớn. “Bài toán nhập khẩu than đã được giao cho 3 “ông lớn” là Vinacomin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng đến nay chưa có lời giải”, ông Sơn cho biết.
Hiện Việt Nam chưa có chính sách về sử dụng năng lượng nên việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả. Do vậy, nghịch lý xuất – nhập than của Vinacomin đã kéo dài trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục, thể hiện sự mâu thuẫn trong chính sách vi mô và vĩ mô, hay nói cách khác việc quản lý khoáng sản than không có định hướng nhất quán.
Để giải quyết nghịch lý này, giải pháp ông Sơn đưa ra là nâng cao hiệu suất sử dụng than của các ngành điện, xi măng cũng như các ngành kinh tế khác. Bởi hiệu quả sử dụng của Việt Nam còn kém, 1 kg than các nước có thể sản xuất ra được 3kWh điện còn ở Việt Nam chỉ được 2kWh điện. Đặc biệt, cần có sự đầu tư vào ngành than bởi các công ty than ở Quảng Ninh (mỏ than của Việt Nam) sắp “đóng cửa”, nên phải đầu tư vào công tác thăm dò than.