ThienNhien.Net – Tình trạng phơi nhiễm hóa chất từ bãi chất thải độc hại ở các nước đang phát triển theo một nghiên cứu mới có thể gây ra nhiều tác động về sức khỏe hơn cả bệnh sốt rét hay tình trạng ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Viễn cảnh Sức khỏe Môi trường (Environmental Health Perspectives) của Mount Sinai và Viện Blacksmith đã sử dụng chỉ số đo lường gánh nặng bệnh tật (DALY) để tính toán số năm sống mất đi do ốm đau, bệnh tật hoặc do chết sớm của những người có nguy cơ bị phơi nhiễm hóa chất tại 373 bãi thải độc hại ở Ấn Độ, Philippin và Indonesia trong năm 2010.
Kết quả, nghiên cứu tính ra được tổng cộng 828.722 năm sống đã bị mất đi do các nguyên nhân liên quan đến phơi nhiễm hóa chất nguy hại, nhất là chì và crôm hóa trị 6, trong khi số năm sống mất đi do sốt rét năm 2010 cũng tại ba nước trên mới là 725.000 năm.
Theo đó, nhóm nghiên cứu khuyến cáo các nước có thu nhập thấp và trung bình cần sớm làm sạch các bãi chất thải độc hại để giảm trừ nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Chỉ cần Ấn Độ, Philippin và Indonesia nỗ lực giảm mức độ hóa chất độc hại tại các bãi thải xuống bằng tiêu chuẩn quốc tế cũng đã giúp cứu được 798.405 năm sống đáng lẽ bị mất đi do phơi nhiễm hóa chất từ bãi thải độc hại của ba nước này.